Vào mùa mưa lũ, chất lượng nguồn nước cấp biến đổi thất thường, trở thành thử thách lớn nhất đối với quy trình vận hành xử lý chất lượng nước. Quy trình xử lý nước sạch của Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh được thực hiện nghiêm ngặt, kiểm soát từng công đoạn
Phòng hóa nghiệm của Nhà máy nước Bộc Nguyên là nơi kiểm soát đầu ra cuối cùng của sản phẩm trước khi cấp nước sinh hoạt về cho các vùng sử dụng. Dù đã cuối ngày, những công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn như lấy mẫu nước, đo độ oxi hóa, độ đục của nước… của anh Nguyễn Thế Hùng - cán bộ phòng hóa nghiệm vẫn chưa kết thúc.
“Thời tiết mùa mưa thất thường, độ đục của nước có những ngày lên đến 200 NTU (gấp 10 lần bình thường) và liên tục thay đổi theo giờ. Vì thế, chúng tôi phải liên tục lấy mẫu, xét nghiệm nội kiểm các chỉ tiêu về độ đục, pH, clo dư, các chất kim loại.... Nước cấp về cho người dân sử dụng phải đạt chất lượng theo quy chuẩn của Bộ Y tế quy định đối với nước sinh hoạt” - anh Nguyễn Thế Hùng cho biết.
Nước từ các hồ lắng, lọc được lấy mẫu xét nghiệm nội kiểm các chỉ tiêu về độ đục, pH, clo dư, các chất kim loại trước khi bơm về bể chứa để cấp cho người dân TP Hà Tĩnh và vùng phụ cận
Nguồn nước thô sau khi được bơm về từ trạm bơm cấp 1 tại hồ Bộc Nguyên được đưa vào bể lắng tại nhà máy và xử lý hóa chất lần một tạo độ trong của nước. Tiếp tục chuyển sang bể lọc, nước được xử lý lần thứ hai để khử trùng các loại vi khuẩn và kết thúc ở lượt xử lý cuối cùng nhằm tạo sự ổn định chất lượng.
Sau đó, nước được bơm về bể chứa 2.000 m3 và chuyển qua trạm bơm về với người sử dụng. Đối chiếu từ phân tích của phòng hóa nghiệm, các công đoạn được kiểm soát ngay ở công tác vận hành. Thời tiết càng thất thường, nguồn nước cấp bất ổn định thì công tác vận hành càng trở nên vất vả hơn.
... kiểm tra nước ra sau khi xử lý
Anh Nguyễn Văn Thế - công nhân vận hành Nhà máy nước Bộc Nguyên cho biết: “Các ca trực được cắt cử 24/24h, chúng tôi phải thường xuyên kiểm tra chất lượng nước mặt, đối chiếu số liệu từ phòng hóa nghiệm. Nếu chưa đạt quy chuẩn thì phải điều chỉnh lại tỷ lệ hóa chất phù hợp. Đồng thời, vận hành máy bơm đạt năng suất, ổn định nguồn nước cho các vùng sử dụng”.
Vào những ngày mưa, độ đục nước cao khiến cho công tác vận hành, xử lý vất vả hơn
Vào thời điểm này, Nhà máy nước Bộc Nguyên đang phục vụ với công suất bình quân 32.000- 33.000 m3/ngày đêm, vượt công suất thiết kế 3.000 m3/ngày đêm. Vào những tháng mùa hè, công suất nhà máy đạt cao nhất ở mức 37.000 m3/ngày đêm.
Cung cấp nước cho gần 42.000 hộ dân, Nhà máy nước Bộc Nguyên trở thành nhà máy cấp nước có công suất thực tế lớn nhất tỉnh hiện nay. Ngoài cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân TP Hà Tĩnh và phụ cận, đơn vị này còn phục vụ cho các nhà máy sản xuất công nghiệp với công suất lớn, đòi hỏi chất lượng nước cao như Nhà máy Bia Sài Gòn…
Hồ Bộc Nguyên có lượng nước ổn định, sơ lắng khá tốt cấp nước cho nhà máy.
Ông Phạm Quang Sơn - Phó Giám đốc Công ty CP cấp nước Hà Tĩnh cho biết: “Nguồn nước cấp cho nhà máy từ hồ Bộc Nguyên sơ lắng khá tốt và ổn định. Tuy nhiên, công suất nhà máy đã đạt tối đa trong khi nhu cầu dùng nước của người dân tăng lên. Theo dự kiến, trong năm sau, nhà máy cần phải tăng thêm 10.000 m3/ngày đêm nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, hiện nay công ty đang gặp khó khăn về nguồn lực để nâng cấp toàn hệ thống”.
Công suất của nhà máy đạt 33.000 m3/ngày đêm, vượt công suất thiết kế vì nhu cầu dùng nước ngày càng cao
Cũng theo ông Sơn, hiện nay, công ty đang cấp nước sinh hoạt cho trên 82.000 khách hàng với 12 đơn vị cấp nước. Công ty triển khai giải pháp điều hành cấp nước đảm bảo an toàn theo quy chuẩn Bộ Y tế, đáp ứng cao nhất nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.