Điểm mới trong hoạt động giám sát theo Quyết định 217 đó là MTTQ hiệp thương thống nhất với các đoàn thể chính trị - xã hội (CT-XH) thành lập các đoàn giám sát trực tiếp các nội dung, chuyên đề cụ thể. Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thạch Hà Lê Xuân Hường cho biết: “Trước đây, chức năng giám sát và phản biện của MTTQ được quy định chung chung. Sau thực hiện giám sát không ai chịu trách nhiệm xử lý những sai phạm, nhưng nay thì rất rõ ràng, cụ thể theo cơ chế, nguyên tắc và phương thức giám sát. Đối với huyện Thạch Hà, bước đầu triển khai đã mang lại hiệu quả rõ nét. Riêng năm 2017, huyện triển khai giám sát 2 chuyên đề, đó là việc trả lời cử tri tại kỳ họp HĐND huyện, xã vừa qua và giám sát việc chi trả bồi thường sự cố môi trường tại 12 xã bị ảnh hưởng. Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị thực sự là “chiếc gậy” để việc giám sát và phản biện xã hội được thực hiện tốt qua “kênh” nhân dân..."
Nhờ kiến nghị của người dân xóm Phúc Lộc, xã Thạch Khê (Thạch Hà), việc thi công công trình nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung gây thiệt hại cho rừng đước chắn sóng tuyến đê Hữu Phủ đã phải dừng lại để điều chỉnh hợp lý.
Qua giám sát chuyên đề, MTTQ và các tổ chức đoàn thể CT-XH đã có những kiến nghị xác đáng, kịp thời đề xuất điều chỉnh các chính sách đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn đời sống xã hội; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, xây dựng Đảng, chính quyền các cấp ngày càng trong sạch, vững mạnh. Một ví dụ điển hình là qua giám sát việc hỗ trợ xây dựng vườn mẫu, khu dân cư mẫu (theo Nghị quyết số 90, Nghị quyết số 157 của HĐND tỉnh), MTTQ và các tổ chức đoàn thể nhận thấy chính sách này có nhiều điểm chưa phù hợp nên đã gây ra dư luận xã hội không tốt. Từ đó đã kiến nghị một mức hỗ trợ vườn mẫu thống nhất ở các địa phương trên toàn tỉnh và đề nghị thực hiện trên tất cả các xã trong khu vực nông thôn chứ không chỉ giới hạn trong các xã có đăng ký về đích.
MTTQ các cấp và các tổ chức CT-XH còn tham gia có hiệu quả việc giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. Đặc biệt, thường xuyên quan tâm việc củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, tổ hòa giải ở cơ sở, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, thực thi pháp luật và ổn định an ninh chính trị, TTATXH.
Ngoài ra, năm 2016, MTTQ và các tổ chức CT-XH đã phối hợp với ban dân vận cấp ủy các cấp tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của nhân dân về tình hình, kết quả thực hiện 26 chính sách của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2016. Trên cơ sở đó đã tiến hành phản biện việc sửa đổi, bổ sung các chính sách; đề xuất bãi bỏ, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách và tích hợp chung thành một chính sách mới trong giai đoạn 2017-2021 sát đúng với điều kiện thực tế và yêu cầu phát triển của tỉnh nhà, tránh trùng lắp, chồng chéo trong quá trình thực hiện…
Phó Chủ tịch Ủy Ban MTTQ tỉnh Bùi Nhân Sâm cho biết: Triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị bước đầu đã khẳng định tính đúng đắn trong việc thực thi Hiến pháp và pháp luật về phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân thông qua MTTQ và các tổ chức thành viên, góp phần tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp ngày càng vững mạnh; hạn chế những tồn tại, thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; phát huy vai trò làm chủ của người dân.
Thời gian tới, MTTQ tỉnh tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chương trình phối hợp hành động. Năm 2017, Ủy Ban MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể CT-XH sẽ phối hợp thực hiện giám sát 11 chuyên đề.