Nông dân Hà Tĩnh ứng dụng công nghệ nhà màng trong nông nghiệp góp phần mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao.
Đến nay, Hà Tĩnh có trên 2.000 nghìn mô hình kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Trong đó, việc áp dụng giống, quy trình công nghệ mới chính là nhân tố quyết định hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất.
Ông Lê Đình Doãn - Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH&CN) cho biết, các đề tài, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chủ yếu tập trung vào việc ứng dụng các giống mới, các quy trình sản xuất tiên tiến thông qua các mô hình sản xuất điển hình để nâng cao hiệu quả KT - XH. Những dự án này đã góp phần quan trọng trong xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đặc biệt, nhiều giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt đã được du nhập và chuyển giao thành công vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng VietGAP, hữu cơ.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho người dân Hà Tĩnh.
Ông Hồ Sỹ Thiên (thôn Xuân Sơn, xã Bắc Sơn, Thạch Hà) chia sẻ: “Năm 2017, gia đình tham gia dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình thâm canh dưa lưới và hoa cúc trong nhà màng. Tháng 2/2018, tôi xuống giống hơn 1.300 cây dưa Kim cô nương, đến nay, doanh thu đạt gần 60 triệu đồng. Việc ứng dụng nhà màng trong sản xuất nông nghiệp loại bỏ được một số loại sâu bệnh hại cây trồng, giúp kiểm soát được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, loại bỏ được 90% yếu tố mùa vụ do có hệ thống điều chỉnh khí hậu. Theo dự tính, nếu người dân trồng 2 vụ dưa lưới và 1 vụ hoa cúc, tổng thu nhập 1 năm đối với mô hình sản xuất công nghệ cao trong nhà màng là 150 triệu đồng/sào/năm (tương đương 3 tỷ đồng/ha/năm)”.
Sản phẩm nhung hươu Hương Sơn đang được Sở KH&CN xây dựng chỉ dẫn địa lý nhằm nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm trên thị trường.
Trong chăn nuôi, ngành tập trung nghiên cứu nâng cao hiệu quả sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, xây dựng mô hình chăn nuôi liên kết lợn, bò, hươu, dê… chú trọng lai tạo với các giống ngoại để tăng năng suất và chất lượng vật nuôi. Ngành còn nghiên cứu phòng trừ hiệu quả dịch bệnh trên gia súc, đặc biệt đối với bệnh lở mồm long móng. Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ KH&CN trong chọn tạo con giống, công nghệ nuôi trồng thủy sản đã được chú trọng triển khai và nhân rộng.
Hầu hết ao nuôi tôm ở huyện Lộc Hà được lót bạt, vỗ bờ xi măng. Ảnh Trọng Tuệ
Công tác hỗ trợ xác lập, quản lý và khai thác giá trị tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực cũng được ngành quan tâm, góp phần quảng bá thương hiệu và nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp.
Thời gian gần đây, nhiều đề tài khoa học góp phần giúp tỉnh nhận định tình hình và có giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Trên lĩnh vực khoa học tự nhiên, thời gian gần đây, có trên 10 đề tài, dự án có liên quan đến công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, phải kể đến một số dự án quan trọng đã triển khai như: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến các công trình thủy lợi và xây dựng; nghiên cứu thực trạng và giải pháp giảm thiểu thiệt hại do xói lở, bồi tụ vùng cửa sông, ven biển; ứng dụng các giải pháp cải tạo, sử dụng đất cồn cát ven biển theo hướng bền vững; đánh giá hiện trạng, đề xuất giải pháp phục hồi, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ngập mặn...
Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Khoa Văn cho biết, tới đây, ngành KH&CN tiếp tục nghiên cứu, giải quyết những vấn đề cấp thiết của tỉnh, có giá trị khoa học, thực tiễn và tính khả thi cao. Đồng thời, ứng dụng phát triển nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ thông tin, cơ khí, tự động hóa phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ưu tiên các nhiệm vụ có khả năng ứng dụng cao, phục vụ trực tiếp cho đời sống, sản xuất...