Người dân di chuyển trên đường phố thủ đô Tokyo, Nhật Bản ngày 5/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 2/6, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo năm 2022 đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp tỷ lệ sinh của nước này giảm xuống mức thấp kỷ lục, phản ánh khủng hoảng nhân khẩu học tại quốc gia Đông Bắc Á ngày một nan giải khi dân số giảm và ngày càng già hóa.
Theo Bộ Y tế, trong năm ngoái, tỷ lệ sinh - số con trung bình mà một phụ nữ sinh trong cuộc đời - tại Nhật Bản là 1,2565.
Con số này thấp hơn so với mức 1,2601 ghi nhận vào năm 2005 và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 2,07 được cho là cần để duy trì dân số ổn định.
Đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm các thách thức nhân khẩu học của Nhật Bản, trong đó một mặt là tình trạng ngày càng ít các cặp đôi kết hôn những năm gần đây đã khiến tỷ lệ sinh giảm, mặt khác đại dịch COVID-19 khiến số ca tử vong tại nước này cao hơn (chỉ riêng trong năm 2022, Nhật Bản ghi nhận hơn 47.000 ca tử vong).
Số liệu thống kê cho thấy số trẻ sơ sinh trong năm ngoái đã giảm 5% xuống còn 770.747 trẻ, mức thấp kỷ lục tại nước này, trong khi số ca tử vong tăng 9% lên mức cao chưa từng thấy với 1,57 triệu người.
Thủ tướng Fumio Kishida tuyên bố mục tiêu ngăn chặn giảm tỷ lệ sinh tại nước này là ưu tiên chính sách hàng đầu. Do đó, dù nợ công ở mức cao, nhưng chính phủ của ông vẫn lên kế hoạch chi 3.500 tỷ yen (25 tỷ USD) mỗi năm cho chăm sóc trẻ em và các biện pháp khác nhằm hỗ trợ các bậc cha mẹ.
Phát biểu trong chuyến thăm một cơ sở mầm non tuần này, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh dân số trẻ sẽ bắt đầu giảm mạnh vào những năm 2030. Từ nay cho tới lúc đó là cơ hội cuối cùng của Nhật Bản để đảo ngược xu hướng sụt giảm tỷ lệ sinh.
Cùng ngày, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua luật loại bỏ thẻ bảo hiểm y tế truyền thống và tích hợp vào thẻ định danh quốc gia “My Number.” Theo đó, tất cả người dân tại Nhật Bản sẽ được yêu cầu xuất trình thẻ My Number tại các bệnh viện để được hưởng quyền lợi do hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia chi trả.
Những người không có thẻ này sẽ được cấp chứng nhận giấy. Tuy nhiên, chứng nhận đó cần được gia hạn hằng năm. Trong khi đó, những người không làm thẻ My Number sẽ phải chi trả nhiều hơn cho việc điều trị.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu thực hiện việc tích hợp vào mùa Thu năm tới dù ngày càng có nhiều quan ngại về tính bảo mật dữ liệu cá nhân trên hệ thống My Number, sau các báo cáo về hàng nghìn trường hợp đăng ký sai hoặc bị lộ dữ liệu bảo hiểm y tế.
Hệ thống thẻ định danh My Number ra mắt vào năm 2016, trong đó mỗi công dân Nhật Bản và người nước ngoài cư trú tại đây được cấp 1 mã định danh gồm 12 số. Thẻ này tích hợp một loạt dữ liệu cá nhân như mã số thuế cá nhân và an sinh xã hội.