Trong quyết định đưa ra hôm nay, Cơ quan quản lý quyền riêng tư của Liên minh châu Âu cho rằng nền tảng Facebook đã lưu trữ bất hợp pháp dữ liệu về người dùng châu Âu trong nhiều năm trên các máy chủ ở Mỹ. Điều này khiến dữ liệu có thể bị truy cập bởi cơ quan tình báo Mỹ mà người dùng không thể bảo vệ.
Ngoài phạt tiền, Meta cũng bị yêu cầu ngừng gửi thông tin về Mỹ và xóa dữ liệu trước đó trong vòng sáu tháng kể từ ngày phán quyết.
Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg. Ảnh: Reuters
Công ty của Mark Zuckerberg tuyên bố sẽ kháng cáo, đánh giá đây là “khoản tiền vô lý và không cần thiết”, đồng thời sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho các công ty khác.
Meta cùng nhiều công ty công nghệ Mỹ thường chuyển dữ liệu về Mỹ, nơi họ vận hành các trung tâm dữ liệu chính để cung cấp dịch vụ. Châu Âu đã áp dụng Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) từ 2018. Để chuyển thông tin của người dùng ra khỏi khu vực, Meta đã sử dụng một cơ chế là “điều khoản hợp đồng tiêu chuẩn”, trong đó có thỏa thuận về chuyển dữ liệu xuyên Đại Tây Dương giữa Liên minh châu Âu và Mỹ.
Năm 2020, tòa án tại châu Âu hủy bỏ cơ chế này vì lo ngại khả năng giám sát và bảo vệ dữ liệu. Tuy nhiên từ đó đến nay, Facebook được cho là vẫn không tuân thủ. Năm ngoái, công ty từng cảnh báo lệnh cấm có thể khiến họ buộc phải ngừng cung cấp Facebook tại châu Âu. Đây là thị trường có 255 triệu người dùng và chiếm gần một phần tư doanh thu của Meta.
Theo các nhà phân tích, Meta hy vọng thỏa thuận chuyển dữ liệu giữa EU và Mỹ sẽ được thông qua sớm. Trên blog của công ty, Nick Clegg, Chủ tịch của Meta về các vấn đề toàn cầu, nói sẽ tìm cách trì hoãn phán quyết bởi “do tác hại mà lệnh này gây ra có thể ảnh hưởng tới hàng triệu người dùng Facebook mỗi ngày”.
1,2 tỷ EUR (1,3 tỷ USD) là mức phạt cao nhất mà châu Âu từng đưa ra với một công ty vi phạm GDPR. Năm 2021, các cơ quan hành pháp tại đây cũng từng phạt Amazon 746 triệu EUR, và công ty này cũng đang kháng cáo.