Núi Hồng - Sông La

“Nhất kinh kỳ, nhì Nhượng Bạn”...
“Nhất kinh kỳ, nhì Nhượng Bạn”...

Tôi vẫn thích gọi tên nguyên thủy của làng là Nhượng Bạn như cách mà các cư dân của làng xưa từng tự hào ca ngợi: “Nhất kinh kỳ, nhì Nhượng Bạn”, “Cá Nhượng Bạn, khoai Mục Bài”. Từ nhỏ, được thưởng thức những con cá ngon, tôi đã có khái niệm “cá Nhượng” qua lời khen của mẹ. Lớn lên, khi học ở Trường cấp 2 Năng khiếu Nghệ Tĩnh, tôi có nhiều bạn học quê ở đây. Thầy giáo dạy Văn quê Cẩm Nhượng có giọng đọc thơ âm vang trầm ấm của sóng biển: “Ai về Nhượng Bạn chiều nay/ Rú Cùm bước tới để ngây ngất lòng/ Chòng chành sóng nước mênh mông/ Thuyền ai neo cả những mong đợi người (thơ Lại Huyền Châu)… Cứ thế, làng Nhượng Bạn neo vào trong tôi những hình ảnh thật đẹp, thôi thúc tôi tìm về cội nguồn văn hóa của ngôi làng ven chân sóng.

“Nhất kinh kỳ, nhì Nhượng Bạn”...

Vị trí xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) trên Google Map.

Theo sách “An Tĩnh cổ lục” (Hippelyte. Le Breton), con sông Hệ Giang từ miền núi phía Bắc huyện Kỳ Anh đổ ra Cửa Nhượng. Cửa Nhượng trong các biên niên sử gọi là Cơ La hoặc Kỳ La, một pháo đài bảo vệ cửa sông đối với những cuộc xâm nhập của quân Champa từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV. Làng Kỳ La nằm ở phía Đông huyện lỵ Cẩm Xuyên. Trên hữu ngạn Cửa Nhượng có núi Cao Vọng. Chính nơi đây, 2 cha con Hồ Quý Ly sau khi bị bắt năm 1407 trên núi Thiên Cầm đã bị đưa xuống thuyền giải về Trung Quốc.

Từ năm 1956 lại nay, Nhượng Bạn đổi thành xã Cẩm Nhượng. Theo truyền ngôn, vào thế kỷ XVII, cư dân sông nước đến đỗ thuyền rồi trú ngụ trên bãi Kỳ La, được người dân sở tại nhường cho rẻo đất mé cửa biển để định cư. Cái tên Nhượng Bạn có ý nghĩa là “bờ đất được bạn nhượng lại” từ đó.

“Nhất kinh kỳ, nhì Nhượng Bạn”...
Xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) nhìn từ trên cao. Ảnh: Hương Thành.
“Nhất kinh kỳ, nhì Nhượng Bạn”...
Nhộn nhịp bến cá Cẩm Nhượng. Ảnh: Đình Nhất.

Với hơn 10 nghìn dân trên diện tích 278 ha, Cẩm Nhượng là vùng đất chật, người đông. Ngoài con đường trục chính chạy đến trung tâm hành chính xã rộng rãi, còn lại các ngõ làng cứ quanh co, vòng vèo. Tuy nhiên, mọi con đường đều dẫn tới biển, tới chợ cá và nối với quốc lộ ven biển, tạo thuận lợi cho người làng đánh bắt cá, phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ. Tân Hải, Tân Dinh, Liên Thành, thôn Chùa, Phúc Hải, Xuân Bắc, Xuân Nam, Hải Bắc, Hải Nam, mỗi thôn có một nét đẹp riêng. Làng hiện có 1 nhà thờ giáo xứ, có ngôi chùa cổ Yên Lạc. Khi màn đêm buông xuống, tiếng chuông nhà thờ ngân nga hòa âm cùng tiếng sóng biển. Mỗi sáng ban mai, tiếng chuông chùa vọng lên trong thinh không cùng tiếng gõ mõ, tụng kinh làm cho làng biển mang vẻ bình yên, tĩnh lặng lạ kỳ.

“Nhất kinh kỳ, nhì Nhượng Bạn”...

Anh Nguyễn Tiến Anh - công chức văn hóa xã dẫn chúng tôi đi thăm các hạng mục chùa Yên Lạc vừa được trùng tu nâng cấp với số tiền 8 tỷ đồng từ tấm lòng của một người con xa quê. Sự trang nghiêm bề thế của ngôi chùa không làm mất đi nét cổ kính của khung cảnh, nhất là những ngôi tượng cổ, bức tranh cổ “Thập điện Diêm Vương”. Anh cũng cho biết thêm: xã hiện có 4 di tích lịch sử văn hóa (LSVH) cấp tỉnh, 1 di tích LSVH quốc gia là chùa Yên Lạc. Lễ hội Cầu ngư Cẩm Nhượng là di sản phi vật thể cấp quốc gia. Đội hò chèo cạn Cẩm Nhượng cứ đến lễ hội vào ngày 18/4 âm lịch hằng năm là tự giác luyện tập, biểu diễn. Ngoài ra, xã còn tổ chức lễ hội đua thuyền trên biển, lễ Đại Nghĩa vào rằm tháng Giêng, hội cờ người, cờ xuân...

“Nhất kinh kỳ, nhì Nhượng Bạn”...
Lễ hội cầu ngư Nhượng Bạn thể hiện ước vọng cầu mong vị thần của biển cả che chở cho người dân được an lành, trời yên biển lặng, đánh bắt được nhiều hải sản. Ảnh: Khôi Nguyễn.

Nhượng Bạn được biết đến là vùng đất anh hùng nơi đầu sóng khi không để thực dân Pháp đứng chân nổi 24h trong kháng chiến chống Pháp. Vào năm 1953, để chống lại trận đổ bộ của Pháp, 103 người dân đã chết, trong đó có 20 liệt sỹ. Xã đang xây dựng bia chứng tích để con cháu đời sau ghi nhớ. Với thành tích trong chiến đấu và xây dựng, xã Cẩm Nhượng đã được công nhận là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

“Nhất kinh kỳ, nhì Nhượng Bạn”...

Trọn vẹn một buổi chiều và đêm trên biển Cẩm Nhượng, chúng tôi đã cảm nhận hết vẻ đẹp lung linh huyền ảo và sôi động của “phố biển”. Nối liền với khu du lịch biển Thiên Cầm, từ địa phận khách sạn Sông La đến sát chân cầu Cửa Nhượng dài khoảng 1 km là các nhà hàng, khách sạn, homestay mọc lên sát kè chắn sóng. Anh Nguyễn Tiến Anh cho biết thêm: Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của quê hương, nhiều người con xa quê đã về đây đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn. Người dân trong làng đua nhau mua đất ra sát bờ biển để kinh doanh dịch vụ, du lịch. Hiện toàn xã có 4 khách sạn, 2 homestay, 30 hộ kinh doanh nhà hàng hải sản.

“Nhất kinh kỳ, nhì Nhượng Bạn”...
“Phố biển” Cẩm Nhượng nhộn nhịp về đêm. Ảnh: Minh Huệ

Gần sát núi Cao Vọng, bãi tắm Cẩm Nhượng tuy vắng người hơn bãi tắm Thiên Cầm nhưng lại là điểm lý tưởng với độ thoải, phẳng mà dân địa phương gọi là “lài bãi”. Đằm mình trong làn nước trong xanh nhìn thấu cát, sóng gần chân núi vỗ nhè nhẹ, cát lớn mát-xa bàn chân… là những trải nghiệm thú vị cho du khách. Đêm xuống, trong lung linh ánh đèn đánh cá, đèn câu mực trên biển là ánh đèn nhấp nháy đủ màu, tiếng nhạc, tiếng hát hòa cùng tiếng rì rào của sóng. Từng đoàn xe điện nối nhau hóng mát dọc kè biển, vào làng mua hải sản, nước mắm. Nước mắm Cẩm Nhượng nổi tiếng từ lâu. Thời Pháp thuộc, nước mắm bà Thắm từng được nhận mề-đay (huy chương) tại đấu xảo Paris. Từ ngày ông bà Thắm qua đời, cơ sở sản xuất này không còn, nhưng một thế hệ mới của làng biển đã làm giàu từ biển và trở thành nguồn cung hàng hóa chất lượng cho người dân cả tỉnh, cả nước. Toàn xã hiện có 4 HTX sản xuất được công nhận sản phẩm OCOP là: Hùng Thu, Thanh Sáng, Cửa Nhượng, Loan Tuệ và 10 hộ chế biến, kinh doanh hải sản. Nước mắm, cá khô, ruốc biển, tôm nõn, rau câu, cá tươi đông các loại, tôm khô, mực khô, mực một nắng… là các mặt hàng chủ yếu của Cẩm Nhượng nức tiếng cả nước.

“Nhất kinh kỳ, nhì Nhượng Bạn”...
Mực một nắng và nước mắm là những đặc sản của Cẩm Nhượng đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Ảnh: Hương Thành

Bà Hồ Thị Thu - Giám đốc HTX Dịch vụ chế biến thủy hải sản Thu Hùng là người có thâm niên vài chục năm ở đây. Bà Thu chia sẻ: “HTX có 7 thành viên. Điều tôi quan tâm là chất lượng sản phẩm. Tôi có 3 sản phẩm OCOP là nước mắm, cá khô các loại và tôm nõn khô. Tất cả đều được chế biến với tiêu chuẩn tươi, ngon. Nước mắm không hề sử dụng hóa chất nào ngoài muối và cá, được ủ và lọc theo phương pháp truyền thống nên nước cốt tươi màu cánh gián có độ mặn pha ngọt, càng nhấm nháp càng ngọt. Ngoài ra, chúng tôi cũng kinh doanh cá tươi các loại như cá vàng dưng, cá thu...”.

“Nhất kinh kỳ, nhì Nhượng Bạn”...

Đến Cẩm Nhượng mà không đi chợ cá Cồn Gò lúc bình minh là sẽ thiếu đi một trải nghiệm thú vị. Người dân làng biển và các làng xã lân cận không ngủ, thao thức chờ đợi những con thuyền về cập bến Gò. Họ chờ đợi chồng con, chờ đợi ngư dân bình an trở về lúc rạng đông, háo hức, hồ hởi, vội vã lội ra tận mép sóng, khiêng, vác hải sản từ thuyền xuống. Rồi mặc cả, rồi ơi ới gọi nhau, rồi hổn hển nói cười, vui vẻ mời chào… Đội tàu, thuyền của Cẩm Nhượng gồm 241 chiếc đủ các loại đánh cá ngoài khơi, trong lộng. Khoảng thời gian thuyền về, biển như phập phồng trong nhịp thở xôn xao. Ánh nắng dịu ngọt lúc bình minh lấp loáng trên những gương mặt ngư dân sạm đen. Vị mặn mòi của biển như đặc quánh lại. Hải sản theo chân các chủ nhà hàng của cả khu vực Thiên Cầm và Cẩm Nhượng về phục vụ du khách, theo chân các thương lái đi các chợ lớn trong huyện, trong tỉnh và ngoại tỉnh. Biết tiếng chợ Gò, nhiều du khách ở Thiên Cầm và Cẩm Nhượng cũng tranh thủ dậy sớm ra chợ để tận tay chọn hải sản mang về homestay nấu nướng hoặc bảo quản, mang về làm quà.

Video: Sản vật chợ cá Cồn Gò.

“Nhất kinh kỳ, nhì Nhượng Bạn”...

.

“Nhất kinh kỳ, nhì Nhượng Bạn”...
Chợ cá Cồn Gò. Ảnh: Minh Huệ
“Nhất kinh kỳ, nhì Nhượng Bạn”...

Chúng tôi bắt gặp khuôn mặt rạng rỡ của nhiều ngư dân và thương lái trong một ngày bội thu. Bà Nguyễn Thị Đông (thôn Hải Bắc) không giấu nổi niềm vui: “Tôi thường dậy từ lúc 3h sáng, vì thuyền có lúc về sớm, lúc về muộn, phải chờ. Tôi mua cá và hải sản mang đi bán cho các nhà hàng. Mấy ngày này trăng sáng, cá được, dân biển đời sống ổn định nên rất vui. Hải sản nhiều nên chợ họp mãi đến gần 7h mới tan”.

Chợ cá hàng trăm năm nay là hơi thở, nhịp sống của làng. Luật sư Trần Hữu Huỳnh - một người con làng Nhượng Bạn xa quê luôn đau đáu nỗi niềm sóng nước quê hương nhớ lại: “Hồi nhỏ, tôi và các bạn thường rủ nhau ra chợ xem người mua bán cá, rồi xin những con cá nhỏ sứt đầu về nấu. Với tôi, làng Nhượng Bạn có thể nói vắn tắt như sau: Một doi đất nhỏ, ba bề sông biển, đảo chốn khơi xa, núi trấn giữ hai đầu, quanh năm rì rào sóng vỗ ru đất, ru người. Đó là Nhượng Bạn, mảnh đất tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng cho những người dân cần cù, dũng cảm, sáng tạo và hào sảng. Ở chưa bao giờ hết thương, xa chưa bao giờ hết nhớ, Nhượng Bạn là nguồn cảm hứng từ hàng nghìn năm nay cho các thế hệ người dân quê hương nối tiếp nhau trong công cuộc xây làng, giữ nước”.

BÀI, ẢNH: BÙI MINH HUỆ - ĐÌNH NHẤT - HUY TÙNG

Chủ đề Du lịch Hà Tĩnh

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống