Nhật hoàng Akihito năm nay đã 83 tuổi và là một trong những người đứng đầu đất nước tại vị lâu nhất thế giới - Ảnh: REUTERS
"Đây là trường hợp thoái vị đầu tiên của một Nhật hoàng trong vòng 200 năm qua và là đầu tiên dưới hiến pháp thời hậu chiến", Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xác nhận ngày hôm nay 1-12.
Như vậy, sau nhiều đồn đoán và các bước đi pháp lý, thời gian thoái vị cho Nhật hoàng Akihito đã được xác định. Ngày 30-4-2019 sẽ trở thành một ngày được ghi vào lịch sử hiện đại của nước Nhật.
Lễ thoái vị sẽ diễn ra trong "một không khí chính trị hòa bình", một ngày sau quốc lễ mừng sinh nhật của ngài Hirohito, thân phụ của Nhật hoàng Akihito (29-4).
Quyết định được đưa ra sau cuộc họp của Hội đồng Hoàng gia Nhật Bản (Kōshitsu Kaigi) ngày 1-12, với sự tham gia của các thành viên hoàng tộc, các chính trị gia và quan chức tư pháp. Việc ấn định thời gian được chính hoàng tộc đưa ra, theo Hãng thông tấn AP.
Thủ tướng Abe xác nhận nội các sẽ chính thức phê chuẩn quyết định thoái vị vào ngày 8-12 tới. Các thủ tục pháp lý hợp thức hóa việc thoái vị của Nhật hoàng Akihito đã được thông qua vào đầu năm nay.
Hoàng thái tử Naruhito và phu nhân - Ảnh: REUTERS
Hoàng thái tử Naruhito, năm nay đã 57 tuổi, sẽ trở thành Nhật hoàng ở tuổi 59, kém 3 tuổi so với khi thân phụ ông đón nhận vương vị.
Nhật hoàng Akihito lên ngôi năm 1989 sau khi vua cha là Nhật hoàng Hirohito băng hà, lấy niên hiệu là Hesei (Bình Thành). Trong suốt thời gian trị vì, Nhật hoàng Akihito luôn được nhân dân kính trọng, yêu mến do tính cách cũng như tinh thần trách nhiệm của ngài.
Cùng với hoàng hậu Michiko, Nhật hoàng Akihito được xem là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc thời hậu chiến. Reuters bình luận Nhật hoàng và hoàng hậu đã nỗ lực không mệt mỏi để xoa dịu và hòa giải các mối quan hệ giữa Nhật Bản với các nước châu Á, những nước đã từng nằm dưới sự thống trị của phát xít Nhật.
Dù không nắm trong tay quyền lực chính trị, nhưng Nhật hoàng vẫn đóng một vai trò vô cùng quan trọng như một biểu tượng quốc gia, đồng thời chủ trì việc tiếp đón các nguyên thủ tới Nhật Bản, cũng như thực hiện các chuyến công du nước ngoài để thúc đẩy quan hệ đối ngoại của Nhật Bản.
Hồi tháng 6 năm ngoái, Nhật hoàng Akihito đã khéo léo bày tỏ nguyện vọng thoái vị do tuổi tác, tình hình sức khỏe không đảm bảo cho vai trò đại diện quốc gia, trong một phát biểu truyền hình trực tiếp.
"Nhật hoàng và hoàng hậu đều suy nghĩ không mỏi mệt vì người dân. Giờ từ tận tâm mình, tôi mong ngài có thể nghỉ ngơi lúc tuổi xế chiều", Taeko Ito, một cụ già 72 tuổi, nói với Hãng tin Reuters.