"Nhất thể hóa" cấp xã - Cần nhất là con người

Hơn 10 năm thí điểm mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã đặt ra nhiều vấn đề, nhưng quan trọng nhất vẫn là con người.

Mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã thực hiện thí điểm trong thời gian qua cho thấy, ở nhiều nơi có hiệu quả rõ nét, là động lực phát triển nhanh, toàn diện; ngược lại, ở những chỗ khác lại là lực cản, thậm chí gây hậu quả tiêu cực không nhỏ. Hơn 10 năm thí điểm đặt ra nhiều vấn đề, nhưng quan trọng nhất vẫn là con người.

Nơi tạo đột phá, đạt hiệu quả...

Quảng Ninh là địa phương tiên phong thực hiện thí điểm chủ trương Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã từ năm 2006. Đến nay, có thể khẳng định mô hình có hiệu quả rất rõ ràng, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Thành phố Hạ Long hiện đang thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở 10 phường trên tổng số 20 phường.

nhat the hoa cap xa can nhat la con nguoi

"Nhất thể hóa" cấp xã giảm thời gian triển khai công việc nhưng chọn được người đáp ứng công việc không dễ. (Ảnh: KT)

Phó Bí thư Thành ủy Hạ Long, Dương Mạnh Cường cho biết: Thực hiện mô hình này tạo sự thống nhất cao trong hoạt động, bảo đảm mọi công việc thông tin đến cấp ủy là đến UBND, khắc phục được tình trạng thiếu thống nhất giữa chủ trương và tổ chức thực hiện, tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm.

Việc “nhất thể hóa” hai chức danh, người đứng đầu cấp xã nắm chắc, kịp thời hơn các hoạt động của cả hệ thống chính trị trong quá trình triển khai thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sớm xử lý những vướng mắc, lệch lạc phát sinh. Tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở 76 trên tổng số 186 xã. Mô hình này được đánh giá phù hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

“Nhất thể hai chức danh phát huy hiệu lực trong lãnh đạo điều hành, giảm thủ tục, thời gian triển khai công việc nhưng đòi hỏi phải chọn được người tâm huyết, trách nhiệm, có trình độ, năng lực, sức khỏe, biết phân vai bí thư khi lãnh đạo, chủ tịch khi điều hành, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu” - Ông Nguyễn Việt Hùng, Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND phường Đông Vệ (TP. Thanh Hoá).

TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) hiện triển khai mô hình ở 12 phường, xã trên tổng số 37 phường, xã. Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND phường Đông Vệ, Nguyễn Việt Hùng cho biết: Một người gánh “hai vai” công việc, trách nhiệm nặng nề hơn, nhưng giảm được khoảng 40% thời gian họp.

Ông Lê Đình Mão có 4 năm làm Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND phường Đông Cương, mới được phân công về phường Điện Biên cùng trên địa bàn TP. Thanh Hóa, theo chủ trương bố trí lãnh đạo phường không phải người địa phương, cũng đảm nhiệm hai chức danh.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 20 phường, xã thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND. Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trần Quốc Huy cho rằng: Đây là mô hình tốt, nhưng cần có quy định phân định quyền, nghĩa vụ cụ thể gắn với bổn phận công vụ, thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát. Hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thí điểm thực hiện “nhất thể hóa” hai chức danh ở cấp xã, phường, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai “nhất thể hóa” ở thôn, bản tại những nơi có điều kiện.

Tỉnh Quảng Nam chọn 10 xã, phường bảo đảm yêu cầu, điều kiện để thực hiện thí điểm mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND. Đến nay, 9 xã, phường vẫn đang thực hiện mô hình này.

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam, Lê Văn Dũng cho biết: Mô hình Bí thư cấp ủy, đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã, đã góp phần nâng cao trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và sự tổ chức điều hành của chính quyền thuận lợi; việc xây dựng nghị quyết của cấp ủy sát đúng với thực tế của địa phương, có tính khả thi cao; giảm bớt khâu trung gian về hội họp, kịp thời triển khai thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đạt kết quả cao.

...Nơi khó vào cuộc sống

Tỉnh Hà Nam thí điểm thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở 6 xã, giai đoạn 2009 - 2015; đến nhiệm kỳ 2015 - 2020, còn lại duy nhất xã Thanh Tâm (huyện Thanh Liêm) duy trì mô hình này.

Bí thư Huyện ủy Thanh Liêm, Lê Hoàng Thuyên cho biết: Việc “nhất thể hóa” nếu không có những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, công tâm, am hiểu sâu sắc công việc thì khó hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những năm gần đây, nhiều địa phương thực hiện các dự án giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, bảo đảm an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, giải quyết đơn thư với khối lượng công việc lớn; Bí thư cấp ủy vừa là Chủ tịch UBND xã phải dự nhiều cuộc họp, giải quyết nhiều công việc, chịu nhiều áp lực dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao.

Ông Nguyễn Tiến Ninh, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Nam cho rằng, đây là mô hình mới, do đó cần có thêm thời gian thử nghiệm, nghiên cứu, rút kinh nghiệm.

Tỉnh Hà Tĩnh chọn 16 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND. Đến nay, tỉnh chỉ còn 2 đơn vị duy trì mô hình này. Xã Xuân Hội là địa phương dẫn đầu mọi mặt ở huyện Nghi Xuân, tuy vậy kết quả thí điểm mô hình “nhất thể hóa” ở đây không đạt mục tiêu đề ra.

Trước khi thực hiện thí điểm mô hình, Bí thư cấp ủy, đồng thời là Chủ tịch UBND ở xã này nhận được tín nhiệm rất cao, nhưng sau khi đảm nhiệm hai chức danh đã không nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao, nhiều đảng viên đã đề nghị cấp trên không bố trí đồng chí này giữ hai chức vụ.

Phó Ban Tổ chức huyện ủy Nghi Xuân, Nguyễn Văn Thắng cho biết: Khi đảm đương hai chức danh yêu cầu năng lực, phẩm chất cao hơn, trong khi ở Xuân Hội vẫn con người cũ, cách làm cũ. Bên cạnh đó, trình độ đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc ở địa phương này còn hạn chế, dẫn đến thiếu sự cân bằng.

Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) Đặng Quốc Cương cho biết: Với trình độ của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở hiện nay, về cơ bản Cẩm Xuyên không nhân rộng thực hiện mô hình “nhất thể hóa” ở cấp xã.

Tình hình tương tự cũng xảy ra tại Phú Thọ, địa phương thực hiện thí điểm mô hình này ở 8 xã, đến nay chỉ còn xã Tân Sơn (huyện Tân Sơn) tiếp tục làm.

"Mấu chốt của việc triển khai mô hình là yếu tố con người, bởi khi đảm nhiệm “hai vai” ngoài năng lực, trình độ, cần có đạo đức, phẩm chất trong sáng” - Ông Đặng Quốc Cương, Bí thư huyện ủy Cẩm Xuyên.

Theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ Nguyễn Tường Thứ, khi thực hiện mô hình này do khó phân định ranh giới giữa lãnh đạo và điều hành, trong khi trình độ, năng lực của cán bộ còn hạn chế.

Bí thư cấp ủy đồng thời Chủ tịch UBND xã có lúc tham gia quá nhiều công việc, không giải quyết hết, phải giao cho cấp phó, dẫn đến việc người được ủy quyền lại không đủ tầm để giải quyết công việc của bí thư và chủ tịch.

Một số kiến nghị

Tìm hiểu những địa phương thí điểm thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã, bước đầu cho thấy có nơi mô hình là nhân tố mới, tạo đột phá cho sự phát triển, nhưng cũng có nơi chưa phù hợp, trở thành lực cản, thậm chí gây hệ lụy. Nhưng tựu chung có thể thấy, những nơi thành công thường có sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, không ngại khó, ỷ lại, khách quan, công tâm, đoàn kết, vì lợi ích chung, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, nhanh nhạy với cái mới, nhân tố mới…

Ở những nơi này, việc tuyển dụng đội ngũ cán bộ công chức từ cấp tỉnh đến xã nhiều năm qua được các cấp ủy Đảng và chính quyền chủ động thực hiện có hiệu quả, lựa chọn và bổ sung được đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ ở cấp cơ sở.

Ngược lại, ở những nơi làm chưa được, có nơi không muốn làm nữa, có nơi đang đề nghị Trung ương hướng dẫn xây dựng quy chế làm việc, chức năng, nhiệm vụ của Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã, từ đó mới có căn cứ để quản lý điều hành tập trung, thống nhất, dân chủ, hạn chế tính gia trưởng, độc đoán, cục bộ dòng họ,... khi quyền lực tập trung vào người đứng đầu.

Do đó, sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo, hướng dẫn, uốn nắn, quyết tâm của cấp trên cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng mô hình đạt hiệu quả trong thực tiễn.

Những thành công hay thất bại trong việc này có nguyên nhân tập trung ở các yếu tố: con người, quan trọng nhất là người đứng đầu; chính sách, quy chế; bộ máy hỗ trợ, giúp việc; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên.

Do đó, để củng cố phát triển mô hình ở nơi đang phát huy tốt, hay chuẩn bị các điều kiện để áp dụng mô hình ở những nơi chín muồi, đòi hỏi các cấp ủy, nhất là cấp cơ sở cần quan tâm xây dựng đồng bộ các yếu tố này.

Việc thực hiện mô hình cần thận trọng, thống nhất, coi trọng năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và tính hiệu quả của mô hình, tổ chức bộ máy hệ thống chính trị ở cơ sở.

Theo VOV

Chủ đề Cải cách hành chính

Đọc thêm

Hà Tĩnh với cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946

Hà Tĩnh với cuộc tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946

Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tổ chức thành công. Cùng với cả nước, Hà Tĩnh đã chuẩn bị rất khẩn trương, kỹ lưỡng, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, tiến bộ.
Hà Tĩnh được vinh danh tại Giải báo chí Diên Hồng

Hà Tĩnh được vinh danh tại Giải báo chí Diên Hồng

Từ hơn 4.000 tác phẩm tham gia Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và HĐND (Giải Diên Hồng) năm 2024, ban giám khảo chấm chọn 105 tác phẩm đạt giải. Hà Tĩnh vinh dự có 1 tác phẩm của nhóm phóng viên Báo Hà Tĩnh đạt giải; Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh được nhận bằng khen tập thể xuất sắc.
Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Hà Tĩnh năm 2025

Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Hà Tĩnh năm 2025

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Hà Tĩnh năm 2025 với yêu cầu phải tiến hành đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thạch Hà kiện toàn chức danh chủ chốt HĐND và UBND huyện

Thạch Hà kiện toàn chức danh chủ chốt HĐND và UBND huyện

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thạch Hà được bầu giữ chức Chủ tịch HĐND huyện Thạch Hà; ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Bí thư Huyện ủy được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, nhiệm kỳ 2021-2026.
Vững tin bước vào kỷ nguyên của thịnh vượng và phát triển

Vững tin bước vào kỷ nguyên của thịnh vượng và phát triển

Năm 2025 về trong niềm tin và kỳ vọng! Cùng cả nước bước vào năm mới, một năm với nhiều sự kiện trọng đại; đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, Hà Tĩnh quyết tâm vượt mọi khó khăn; đổi mới, sáng tạo, bứt phá mạnh mẽ, thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025; tiếp tục thắp sáng khát vọng vươn xa trên hành trình mới.
TP Hà Tĩnh công bố các quyết định về công tác cán bộ

TP Hà Tĩnh công bố các quyết định về công tác cán bộ

Thành ủy Hà Tĩnh tổ chức công bố chủ trương, quyết định của BTV Thành ủy về công tác cán bộ; gặp mặt cán bộ lãnh đạo quản lý dự kiến nghỉ công tác trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp xã.
Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Đổi mới hoạt động, đáp ứng kỳ vọng của cử tri

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Đổi mới hoạt động, đáp ứng kỳ vọng của cử tri

2024 tiếp tục là năm thành công, ghi dấu nhiều kết quả nổi bật, toàn diện của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh với sự đổi mới, quyết tâm cao, góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, thống nhất về nhận thức và hành động, bồi đắp niềm tin, kỳ vọng trong lòng cử tri và Nhân dân tỉnh nhà.