Dùng thuốc nam bừa bãi dễ dẫn đến dị ứng, ngộ độc. Ảnh minh họa.
Nhiều người cho rằng thuốc nam là lành tính nên đã vô tư sử dụng chúng, tuy nhiên, tại buổi tọa đàm "Kiểm soát chất lượng dược liệu", TS.BS Phạm Huy Thông - Phó giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai cho biết, trong suốt quá trình công tác ở chuyên ngành dị ứng miễn dịch lâm sàng, ông đã từng gặp những bệnh nhân sau khi sử dụng thuốc nam có biểu hiện dị ứng nặng, thậm chí có trường hợp có biểu hiện nhiễm độc da dị ứng (TEN) điều trị rất khó khăn, có những bệnh nhân đã tử vong.
"Phần lớn các trường hợp dị ứng chỉ có biểu hiện sẩn ngứa và mày đay. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp biểu hiện ngoài da của dị ứng nặng nề hơn như nổi bóng nước, hoại tử thượng bì da, loét các góc tự nhiên và ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng, như gan, thận,… cho dù tỷ lệ mắc các trường hợp này rất ít.
Đa số bệnh nhân bị biểu hiện nặng là do đây là loại hình dị ứng chậm, bệnh nhân sử dụng thuốc trong một thời gian dài có thể tới vài tuần, thậm chí có bệnh nhân uống thuốc cả tháng rồi mới xuất hiện biểu hiện dị ứng và khi xuất hiện thì dị ứng tiến triển rất nhanh, do lượng thuốc bệnh nhân đã sử dụng khá nhiều”- TS. Thông cho hay.
Cũng theo TS. Thông, trước đây trong dân gian vẫn có những bài thuốc sử dụng các lá cây để chữa các bệnh dị ứng như sẩn ngứa, nổi mày đay, phù mạch (sưng húp mắt, môi…). Những bài thuốc này thường được lấy từ những lá cây tự nhiên, sử dụng ngay không qua bảo quản, nên ít gây ra những tác dụng không mong muốn với người bệnh. Tuy nhiên, không loại trừ hoàn toàn vẫn có những người bệnh sử dụng những thuốc này vẫn có thể biểu hiện dị ứng xảy ra. Đối với Tây y, những thuốc được sử dụng để chữa dị ứng vẫn có thể gây dị ứng cho người bệnh, mặc dù tỷ lệ rất thấp.
“Không ít người nghĩ rằng thuốc từ lá cây vốn không độc như thuốc tây thì theo quan điểm của tôi là không đúng. Chúng ta chưa thể biết được hết trong thuốc lá cây có những hoạt chất gì, nhiều loại lá cây được đun với nước thành thuốc, trong quá trình sắc thuốc các hợp chất hữu cơ ở trong các lá cây có thể bị thuỷ phân ở nhiệt độ cao hoặc nhiệt phân thành những chất khác mà bạn không thể biết được. Do đó, không thể nói thuốc từ lá cây là không độc. Hiện nay, đối với thuốc sản xuất từ lá cây chưa có một phương pháp nào để xác định chính xác là thuốc đó có gây dị ứng cho người bệnh không”- TS. Thông nói.
Không lạm dụng thuốc để phòng tránh dị ứng
TS. Thông cho rằng, dị ứng thuốc xảy ra đối với người bệnh, bất kể tự dùng thuốc hay dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, đúng bệnh, đúng liều lượng thì dị ứng thuốc vẫn có thể xảy ra. Bởi nguyên nhân cơ bản của dị ứng thuốc là do người bệnh có cơ địa dị ứng. Những người bệnh này khi tiếp xúc với thuốc (dị nguyên), cơ thể sẽ sản xuất ra các kháng thể, khi người bệnh tiếp xúc với dị nguyên lần thứ hai, kháng thể sẽ kết hợp với kháng nguyên trên bề mặt tế bào mastocyte làm giải phóng ra các hoạt chất trung gian hoá học tác động vào các cơ quan, gây ra các biểu hiện dị ứng trên lâm sàng.
Để phòng tránh dị ứng thuốc, người bệnh cần phải tránh lạm dụng thuốc, đặc biệt là những người có cơ địa dị ứng, chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ trước khi kê đơn thuốc cho người bệnh cần phải khai thác kỹ tiền sử dị ứng, tránh sử dụng lại những thuốc đã gây dị ứng cho người bệnh.
Người dân cũng nên tránh sử dụng thuốc đông dược được bán kèm với các gói bột trắng có thể chứa corticoid. Những bệnh nhân sử dụng thuốc đông dược mà bị các biểu hiện mọc râu, mặt to ra, mỡ dưới da bụng dày, tay chân teo nhỏ là do có sự rối loạn phân bố mỡ dưới da, có thể do corticoid được trộn trong thuốc đông dược gây ra. Vì các biểu hiện trên là các tác dụng phụ không mong muốn của corticoid.
Trên thực tế, có rất nhiều các cá nhân đã quảng cáo việc mua bán dược liệu trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là những dược liệu có giá trị cao trong điều trị hoặc bảo vệ sức khỏe, PGS.TS Trần Hồng Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân khi sử dụng cần quan tâm đến nguồn gốc của dược liệu đó. Để tìm hiểu thông tin, người dân có thể vào website của Cục Quản lý Y Dược cổ truyền để tìm hiểu những cơ sở được nhập khẩu chính ngạch. Ngoài ra, đối với thuốc đông dược (những thành phẩm từ dược liệu) thì khi lưu hành bắt buộc phải có số đăng ký của Bộ Y tế nên những thuốc đông dược mà không có số đăng ký thì không sử dụng.
Người dân lâu nay lo ngại về dược liệu chứa các hóa chất chống nấm mốc nhưng hóa chất đó lại có thể gây độc cho người dùng. Về việc này, Cục Quản lý Y dược cổ truyền luôn đặt lên hàng đầu trong việc quản lý chất lượng dược liệu. Bởi, những chất bảo quản không những gây độc cho người sử dụng mà về lâu dài cũng có thể dẫn tới bị ung thư. Hiện nay, theo dược điển Trung Quốc 2015, các chất bảo quản như lưu huỳnh bị cấm sử dụng trong việc bảo quản dược liệu. Vì vậy, để đảm bảo dược liệu không bị nấm mốc và an toàn cho người sử dụng, Bộ Y tế đã có quy định cơ sở kinh doanh dược liệu phải có kho đạt tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc theo khuyến cáo của WHO.
Ngoài ra, các dược liệu sau khi được thu hái thì phải sơ chế, đóng gói theo quy định của Bộ Y tế. Tại các cơ sở khám chữa bệnh, các kho bảo quản dược liệu cũng phải đặt tại nơi khô thoáng, có điều hòa nhiệt độ và theo dõi nhiệt độ, độ ẩm đối với dược liệu và các vị thuốc y học cổ truyền. Trong quá trình bảo quản, cơ sở phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện ra những nấm mốc để xử lý kịp thời. Trong trường hợp dược liệu bị nấm mốc, cơ sở phải hủy dược liệu theo đúng quy định.