Từ 20h ngày 24/5 đến 4h ngày 25/5, khu vực Hà Tĩnh đã có mưa to đến rất to. Riêng địa bàn huyện Cẩm Xuyên, lượng mưa ở khu vực hồ Kẻ Gỗ lên đến 433mm.
Mưa lớn nhiều giờ khiến lũ trên các sông lên nhanh, gây ngập lụt một số xã trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, đặc biệt là 2 xã nằm dưới vùng hồ Kẻ Gỗ: Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ.
Trước tình hình lũ lên gây thiệt hại lớn về lúa, hoa màu, gà, vịt và một số tài sản, chính quyền địa phương cùng lực lượng chức năng đã huy động nhân lực cùng bà con khắc phục hậu quả. Tính đến trưa 26/5, nước tại các vùng ngập nặng của địa bàn huyện Cẩm Xuyên đã rút bớt. Thời điểm này, người dân đang khẩn trương kiểm đếm thiệt hại, lên phương án khắc phục.
Tại xã Cẩm Duệ, nước đã bắt đầu rút hẳn, nhiều người dân tiến hành trải đều số lượng lúa còn lại ở nơi khô ráo để tránh ẩm mốc, mọc mầm. Với 5/8 sào bị ngấm nước, gia đình bà Dương Thị Thuận (thôn Phú Thượng) đang phải đợi nắng lên hoặc tìm cơ sở sấy lúa gần nhất để giảm thiệt hại ở mức tối đa.
“Nước lên quá nhanh, lại vào buổi tối khiến gia đình chúng tôi bất ngờ, không kịp thu gom hết số lượng lúa. Đến sáng nay, khi nước đã rút dần, tôi cùng chồng tiến hành hong phơi số lúa bị ngâm nước, với mong muốn vớt vát những gì còn lại” - bà Dương Thị Thuận cho biết.
Chị Nguyễn Thị Tư – chủ quán tạp hoá ở thôn Trần Phú (xã Cẩm Duệ) đang kiểm đếm lại những vật phẩm bị hư hỏng, tiến hành kê cao tủ lạnh để tránh bị chập điện và dọn dẹp bùn đất.
“Tuy cửa hàng tạp hoá nằm trên nền cao nhưng nước dâng nhanh, gây ngập khoảng 25cm phía bên trong. Chính vì thế, những mặt hàng kê ở thấp như bánh kẹo, đồ dùng học sinh… đã bị ngấm nước và hư hỏng hoàn toàn. Rất may tủ lạnh được hàng xóm hỗ trợ kê cao kịp thời nên tránh được hư hỏng, ước tính thiệt hại đợt này của cửa hàng khoảng hơn 10 triệu đồng”, chị Tư chia sẻ.
Đối với địa bàn xã Cẩm Thành, đến trưa 26/5, một số thôn như An Việt vẫn đang bị nước lũ chia cắt.
Nhiều hộ dân vẫn đang phải di chuyển từ nhà ra đường lớn bằng thuyền nhỏ, nước ngập vẫn tràn vào sân khoảng 20cm (rút gần 40cm so với hôm qua).
“Trên địa bàn thôn đa phần vẫn đang ngập trong nước lũ, nhiều người đã phải di chuyển ô tô ra đường lớn, xe máy kê cao lên nhà. Gia đình tôi có một số máy móc nặng về nghề xây dựng không kịp dời lên cao đã bị nước lũ ngấm vào, gây hư hỏng về điện, thiệt hại khoảng 15 triệu đồng. Với thực trạng này, nước rút đến đâu tôi sẽ tiến hành dọn dẹp đến đấy”, anh Trần Đình Phúc – thôn An Việt cho hay.
Nhiều người dân thôn An Việt cũng đang chờ nước rút để dọn dẹp nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống và kiểm tra, sửa chữa kịp thời những tài sản bị hư hỏng.
"Đây là đợt mưa lũ bất ngờ, gây thiệt hại cho người dân xã Cẩm Thành, đặc biệt về lúa. Tính đến nay, toàn xã có 35 ha lúa bị ngập, đổ ngã; tổng số hộ thiệt hại hơn 40 hộ. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, lên kế hoạch cụ thể để có phương án hỗ trợ trước mắt cho các vùng bị chia cắt do ngập sâu. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ người dân thu hoạch diện tích lúa còn lại, khâu nối với các điểm sấy lúa để giảm thiểu thiệt hại tối đa cho người dân", ông Nguyễn Đình Long - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thành.
Theo lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên, các địa phương nước rút sớm, người dân bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, đưa các vật dụng hư hỏng đi sửa chữa. Với những điểm nước lũ dâng cao, gây chia cắt, chính quyền đã có phương án hỗ trợ cụ thể, giúp người dân sớm khắc phục những thiệt hại, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
* Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh vừa đi giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ tại một số xã ở huyện Cẩm Xuyên.
Theo đó, trong đợt mưa lũ vừa qua, Cẩm Xuyên có nhiều xã bị ngập sâu. Qua thống kê sơ bộ, toàn huyện có trên 2.900 hộ bị ngập lụt; trên 2.700 công trình vệ sinh bị ngập lụt; trên 1.300 giếng nước, bể nước bị ngập.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh hỗ trợ hóa chất Cloramin B cho Trạm Y tế xã Cẩm Mỹ.
Qua giám sát tại các xã: Cẩm Mỹ, Cẩm Thạch, Cẩm Duệ, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Hà Tĩnh đề nghị Trung tâm Y tế huyện Cẩm Xuyên nhanh chóng tiến hành cấp phát hóa chất và chỉ đạo các trạm y tế tiến hành hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân bị ngập lụt vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước để phòng chống nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan. Việc phân bổ hóa chất phải ưu tiên tập trung cho các khu vực đang sử dụng nước mưa, nước giếng.
Cơ quan chức năng hướng dẫn người dân khử trùng nguồn nước bằng Cloramin B.
Theo rà soát sơ bộ, trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh có gần 4.000 hộ dân bị ngập, trên 3.700 công trình vệ sinh, trên 2.200 giếng nước bị ngập. Hiện nay, các địa phương đang tiến hành vệ sinh môi trường theo phương châm "nước rút tới đâu vệ sinh tới đó".
Cán bộ y tế xã Cẩm Duệ tiến hành khử trùng nguồn nước cho người dân bằng Cloramin B.
Hiện nay, trung tâm đã tiến hành cấp phát 1.400kg hóa chất Cloramin B cho các địa phương và cử lực lượng phối hợp với các trung tâm y tế vừa tiến hành hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường vừa giám sát dịch bệnh. Giải pháp cấp bách hiện nay là người dân cần chủ động vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, công trình vệ sinh bằng hóa chất cloramin B. Các địa phương bị ngập úng phải thực hiện công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, xác động vật chết tại các khu vực bị ngập để xử lý và tiêu hủy đúng quy định; chủ động phun thuốc khử trùng tại các công sở bị ngập, khu vực chợ, trường học và các địa điểm tập trung đông người.
Ông Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc CDC Hà Tĩnh