Nhớ ngày tổng tuyển cử đầu tiên

(Baohatinh.vn) - Ngày tổng tuyển cử 6/1/1946, tôi mới 11 tuổi, mới biết đọc, biết viết, chưa đủ tuổi để đi bầu cử. Thế nhưng, những ngày hội họp tuyên truyền bầu cử và ngày bầu cử, tôi vẫn đi theo người lớn để xem. Đã hơn 70 năm, nhưng những kỷ niệm về ngày bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ở quê tôi vẫn còn đọng mãi trong ký ức.

Trước ngày bầu cử ít hôm, ông cán sự xóm với chiếc mõ tre mang trước ngực, một tay cầm cái loa mo cau cuộn tròn, khoảng bảy tám giờ tối, đi rao khắp xóm để loan báo cho tất cả nam, phụ, lão, ấu... nhóm họp tại nhà hội quán để nghe cán bộ Liên Việt về phổ biến ngày tổng tuyển cử. Thanh, thiếu niên rước đuốc hô khẩu hiệu rầm hộ quanh xóm. Khi cán bộ xóm điểm mục các hộ gia đình trong xóm đã đến đầy đủ, ông cán bộ Liên Việt xã phổ biến về ngày tổng tuyển cử 6/1/1946, bầu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Nhân dân nô nức đi bỏ phiếu trong ngày tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I. Ảnh từ Internet

Thời gian đó, chưa có bản in tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên phân phát rộng rãi cho các cử tri như bây giờ; mặt khác, đại bộ phận bà con đang bị mù chữ, nên cán bộ đọc tiểu sử tóm tắt của 7 ứng cử viên để bà con nghe. Để dễ nhớ tên của 7 ứng cử viên, họ đã ghép thành 2 câu thơ lục bát, ông đọc trước và bà con đọc theo sau nhiều lần như tập hát, cho đến khi mọi người đã thuộc lòng. Hai câu thơ đó là:

Trọng Nhạ, Lê Lộc, Hồ Ninh,

Đình Lương, Hựu Duyệt, Trần Bình, Tạ Quang...

Chẳng những số người dự họp học thuộc mà họ còn đọc lại cho người ở nhà đọc theo cho đến khi thuộc lòng. Chúng tôi chăn trâu, chăn bò ngoài đồng cũng đọc cho nhau nghe. Bằng hình thức tuyên truyền miệng theo kiểu “vết dầu loang” như thế nên mọi người ai cũng thuộc lòng họ tên của 7 ứng cử viên.

Ngày 6/1/1946, tại đình làng, nơi tổ chức bầu cử của toàn xã, từ ngoài cổng, người ta dựng một dãy nong tre phơi lúa, phía sau của mỗi mên nong là một từ viết bằng vôi trắng của câu khẩu hiệu tuyên truyền về ngày tổng tuyển cử. Ở gian giữa đình làng, thứ tự trên là cờ Tổ quốc, dưới là bức chân dung rất gầy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh cờ và ảnh Bác Hồ, có dựng một bảng đen viết bằng phấn trắng họ tên đầy đủ của 7 ứng cử viên.

Những người đã đủ 18 tuổi, đến bầu cử được nhận một thẻ cử tri. Thẻ này còn có giá trị như một loại giấy tờ tùy thân, sau đó mới có thẻ căn cước và giấy chứng minh thư thay thế. Tỷ lệ cử tri đi bầu cử ngày hôm đó rất cao.

Cùng với thẻ cử tri, mỗi người đi bầu cử được nhận một phiếu bầu cử có đóng dấu của tổ bầu cử. Những người biết đọc, biết viết thì tự làm thủ tục bầu cử theo danh sách đã ghi ở bảng đen. Những người không biết chữ thì đọc 2 câu thơ lục bát đó đã có đầy đủ họ tên của 7 ứng cử viên, theo kiểu “bầu cử bằng miệng” rồi nhờ người biết chữ làm thủ tục hộ. Bằng hình thức linh hoạt, sáng tạo, thời kỳ ấy, một số lượng lớn cử tri đang bị mù chữ nhưng họ vẫn làm tròn nghĩa vụ công dân của mình.

Những cử tri đó, nếu còn sống đến bây giờ cũng đã trên dưới 90 tuổi. Mọi sinh hoạt hàng ngày của mình có cái nhớ, cái quên, nhưng nhờ học thuộc lòng 2 câu thơ lục bát mà nhiều người vẫn còn nhớ vanh vách họ tên của 7 đại biểu Quốc hội khóa I thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh. Đã hơn 70 năm, qua 13 kỳ bầu cử Quốc hội, nhưng những kỷ niệm về công tác tuyên truyền, ngày tiến hành bầu cử Quốc hội khóa I (6/1/1946) của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ở quê tôi vẫn còn đọng mãi trong ký ức.

(Xã Thạch Tiến, Thạch Hà)

TP Vinh, 19/5/2015

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói