Những chuyến xe rong ruổi khắp các phố phường là hành trình mưu sinh ẩn chứa bao nỗi niềm của những người làm nghề “đồng nát”...
Quệt vội những giọt mồ hôi đang thi nhau lăn trên má, chị Phan Thị Giang (37 tuổi) quê ở Thanh Hóa vào Hà Tĩnh theo nghề đồng nát hơn 8 năm tâm sự: “Người Thanh Hóa vào Nghệ An, Hà Tĩnh buôn đồng nát nhiều lắm. Cứ tranh thủ thời gian nhàn rỗi, chị em lại rủ nhau xa quê đi làm. 2 hôm nay, tôi “trúng đậm” nhưng cũng có hôm về nhà tay trắng...".
Dãy trọ của chị Giang có tất cả 12 phòng ở phường Trần Phú hiện là nơi ăn chốn nghỉ của chị em từ khắp các vùng quê đổ về.
Hết mùa gặt, vợ chồng chị Giang gửi lại hai con, đứa lớn 5 tuổi, đứa bé mới lên 3 cho ông bà nội dắt díu nhau vào Hà Tĩnh.
Thu nhập của chị từ nghề đồng nát được 3 triệu, trừ tiền thuê trọ và điện nước (600 ngàn đồng) còn lại 2,4 triệu đồng. Công việc của chồng cũng không cố định, nhưng có thêm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống.
Nghỉ hè là thời gian “bội thu” đối với những người thu mua phế liệu bởi lúc đó, lượng giấy loại mua được rất lớn
Giá trị các mặt hàng khi thu mua rất đa dạng. Đồng có lẽ là thứ đáng giá nhất khi được bán với giá từ 90.000-140.000/kg; vỏ lon bia 200 đồng/lon, sắt vụn được định giá 5 nghìn đồng/kg...
Dù giá trị thu được chẳng đáng là bao nhưng nghề đồng nát lại lắm nỗi vất vả, nhọc nhằn.
“Công việc của chúng tôi nay đây mai đó, sáng ở TP Hà Tĩnh, trưa vòng xuống Lộc Hà hay thậm chí ra Nghi Xuân là chuyện thường. Mỗi ngày đạp xe từ 30-50km hay thậm chí cả đi cả về ngót ngét gần 100km...
Cay đắng nhất là tôi lần mua được nhiều bìa các tông nhưng đường về, trời bỗng đổ cơn mưa rào, áo mưa che không kịp, thế là ướt hết...”, chị Bùi Thị Thịnh (34 tuổi, quê ở Triệu Sơn, Thanh Hóa) ngậm ngùi.
Chiếc cân là vật dụng không thể thiếu giúp người mua cân phế liệu chính xác để ra giá đối với từng mặt hàng
Là nghề ít vốn, chỉ cần tỉ mỉ, chịu khó là làm được nên những năm gần đây số lượng nông dân Thanh Hóa tranh thủ lúc nông nhàn vào Nghệ An, Hà Tĩnh làm nghề đồng nát ngày càng nhiều.
“Ở quê, nhà tôi chỉ có mấy sào ruộng làm đầu tắt mặt tối một năm chỉ được 4-5 triệu đồng, còn ở đây thu gom phế liệu chịu khó chắt bóp cũng có tiền gửi về cho gia đình. Vợ chồng ăn uống kham khổ, chi tiêu tiết kiệm chỉ mong mong nuôi cuộc sống các con không phải vất vả như mẹ”, chị Phan Thị Giang tâm sự.
Niềm vui lớn nhất đối với người theo nghề đồng nát là ngày nào cũng bội thu số phế liệu
Mặc nắng mưa, vòng xe của những phụ nữ làm nghề thu mua phế liệu cứ thể rong ruổi khắp từ nông thôn đến thành thị. Tất cả những vật dụng không còn giá trị sử dụng đối với người khác chính là nguồn sống của họ.
Vất vả, nhọc nhằn để gom góp cho cuộc sống họ chẳng quản, chỉ lo ngại là phải đối mặt với nguy cơ tai nạn giao thông, nguy cơ mắc bệnh về hô hấp, bệnh ngoài da...