Những cách chống nóng ôtô ngày hè

Hơi nóng bên ngoài có thể truyền vào xe thông qua các tấm kính, sau đó bị giữ lại bên trong khiến nhiệt độ trong xe tăng cao, đặc biệt là trong những ngày hè.

Sử dụng ôtô dưới cái nóng gần 40 độ C trong thời gian gần đây cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe người dùng cũng như các bộ phận của “xế cưng”. Nếu thường xuyên phải di chuyển vào ban ngày, đặc biệt là trong thời điểm hè như hiện nay, người lái cần biết được những cách chống nóng cho phương tiện để tạo sự thoải mái cũng như giảm nguy cơ hư hỏng xe.

Dưới đây là những cách “giải nhiệt” cho khoang lái ôtô với mức chi phí từ đắt đến rẻ. Chủ xe có thể cân nhắc kết hợp nhiều biện pháp để mang đến hiệu quả tốt nhất.

Lựa chọn phim cách nhiệt chất lượng

Nếu như một bộ phim cách nhiệt kém chất lượng chỉ có tác dụng chính là đổi màu để tăng thêm sự riêng tư cho người dùng, dòng phim chất lượng còn giải quyết được vấn đề cản nhiệt từ bên ngoài truyền vào khoang lái và ngược lại.

Dán phim cách nhiệt là một trong nhiều cách giúp khoang lái chống nóng

Hầu hết dòng phim đều được quảng cáo có khả năng cản 99% tia cực tím, tuy nhiên chỉ số bức xạ hồng ngoại lại là yếu tố chính tạo cảm giác nóng, người dùng khi lựa phim cần quan tâm nhiều hơn đến chỉ số bức xạ hồng ngoại.

Lý do khiến nhiều người lầm tưởng khả năng cách nhiệt của phim phụ thuộc phần lớn vào độ xuyên sáng là nếu cùng một loại phim cách nhiệt với chỉ số cản tia hồng ngoại bằng nhau, phim có độ xuyên sáng thấp sẽ cho khả năng cách nhiệt tốt hơn.

Trên thị trường hiện nay có khá nhiều dòng phim cách nhiệt đến từ những thương hiệu như Cool N Lite, 3M, Xpel... Hầu hết dòng phim cao cấp của các thương hiệu đều có khả năng cách nhiệt tương đương với nhau, lúc này người dùng nên quan tâm đến các chính sách hậu mãi.

Mức giá cho một bộ phim cách nhiệt chất lượng dao động từ hơn 10 triệu đồng đối với dòng sedan và hơn 12 triệu đồng cho các mẫu xe lớn hơn như SUV.

Dùng các sản phẩm che nắng ôtô

Nếu đỗ xe ngoài nắng thời gian dài, nhiệt từ bên ngoài vẫn truyền được vào khoang lái kể cả khi xe đã trang bị phim cách nhiệt, lúc này người dùng cần đến những phụ kiện che nắng.

Ô (dù) hay rèm che kính lái được xem là trang bị nên mua đầu tiên, vị trí này là nơi đón nhận nhiều nhiệt lượng nhất khi đỗ xe dưới ánh nắng mặt trời. Người dùng nên lựa chọn các dòng sản phẩm có lớp phủ phản xạ ánh nắng để hạn chế nhiệt truyền vào khoang lái.

Vị trí cửa hông xe có thể tìm các loại rèm dạng lưới tối màu. Nên mua loại có nam châm để lắp đặt dễ dàng và không bị rơi và xê dịch khi di chuyển.

Một số dòng xe được trang bị sẵn rèm che nắng.

Ngoài 2 món phụ kiện trên, bạt phủ bên ngoài xe cũng là lựa chọn đáng cân nhắc. Sử dụng trang bị này giúp bảo vệ cả lớp sơn ngoại thất, tuy nhiên dễ bị mất nếu đỗ ở các khu vực công cộng.

Những sản phẩm che nắng ôtô có giá khá rẻ, dao động từ vài chục nghìn đồng đến khoảng 600.000 đồng/bộ. Đây có thể xem như lựa chọn chống nóng ôtô tiết kiệm nhất.

Tìm nơi đỗ xe hợp lý

Bên cạnh những trang bị như phim cách nhiệt hay rèm che nắng, các bộ phận trên “xế cưng”, người dùng có thể chủ động tìm nơi đỗ xe phù hợp để hạn chế nắng chiếu vào phương tiện. Các trang bị trên xe cũng sẽ hoạt động bền bỉ hơn khi không tiếp xúc với nguồn nhiệt từ mặt trời.

Nên lựa chọn vị trí đỗ có bóng mát cho ôtô.

Ngoài việc giúp khoang lái giảm nóng, đỗ xe nơi bóng râm còn giúp lớp sơn ngoại thất giữ được độ mới lâu hơn, giảm hiện tượng sơn bị phai màu hay phồng, rộp.

Chi thêm tiền để gửi xe ở các bãi đỗ dưới hầm hay có mái che được xem là một cách bảo vệ phương tiện đáng cân nhắc. Mức chi phí bỏ ra khi gửi xe ở những địa điểm này vẫn rẻ hơn số tiền phải chi để làm đẹp xe sau một thời gian sử dụng.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói