Những cảnh báo của Mỹ nhằm vào Nga có nguy cơ làm căng thẳng leo thang

Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo Moskva phải trả giá đắt nếu có động thái quân sự, điều mà Nga luôn bác bỏ. Ngay sau đó, Điện Kremlin đã có động thái đáp trả.

Những cảnh báo của Mỹ nhằm vào Nga có nguy cơ làm căng thẳng leo thang

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov phát biểu tại cuộc họp báo ở Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc Mỹ cảnh báo Nga về những hậu quả tiềm tàng sẽ không giúp giảm tình trạng căng thẳng đang gia tăng xung quanh vấn đề Ukraine và thậm chí có thể càng làm trầm trọng thêm tình hình.

Đây là tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khi phát biểu với báo giới ngày 20/1.

Ông Peskov nhấn mạnh Nga đã nhận được những cảnh báo như trên trong ít nhất 1 tháng qua, đồng thời cho rằng động thái này sẽ không góp phần xoa dịu căng thẳng hiện đã nảy sinh ở châu Âu và hơn nữa có thể khiến tình hình thêm bất ổn.

Quan chức Nga cũng cho biết Moskva quan ngại rằng những cảnh báo áp đặt trừng phạt nhằm vào Nga của Mỹ có thể thúc đẩy Ukraine giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông vốn đã kéo dài 8 năm qua bằng vũ lực.

Điện Kremlin ra tuyên bố trên sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden một ngày trước đó, cho rằng Nga sẽ có hành động trong vấn đề Ukraine và cảnh báo Moskva phải trả giá đắt nếu có động thái quân sự, điều mà Nga luôn bác bỏ.

Tuy nhiên, Nga cũng cảnh báo sẽ phải sử dụng biện pháp kỹ thuật-quân sự nếu phương Tây không nghiêm túc xem xét những vấn đề về bảo đảm an ninh mà Moskva đã đề xuất, trong đó có việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngừng mở rộng về phía Đông.

Trong khi đó, về phía Ukraine, Cố vấn Văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, ông Mykhailo Podolyak cho rằng “điều quan trọng là phải hiểu rằng những nỗ lực ngoại giao ở các cấp khác nhau đang tiếp tục, và những bước đi nhằm giảm leo thang (căng thẳng) hiện nay là mục tiêu chính của các nỗ lực đó.”

Cùng ngày 20/1, một quan chức ngoại giao tại Berlin (Đức), nơi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiến hành các cuộc thảo luận về vấn đề Ukraine, cho biết Washington đã chấp thuận yêu cầu của các quốc gia Baltic (gồm Estonia, Latvia và Litva) vận chuyển vũ khí do Mỹ sản xuất từ các nước đồng minh khác đến Ukraine để hỗ trợ nước này. Tuy nhiên, số lượng và loại vũ khí gì không được tiết lộ.

Trước đó một ngày, Mỹ cũng xác nhận đã thông qua khoản tiền bổ sung 200 triệu USD để viện trợ an ninh cho Ukraine.

Quan hệ Nga-Ukraine hiện là nội dung trọng tâm trong chương trình nghị sự của nhiều cuộc đối thoại giữa Nga và Phương Tây.

Hồi tháng 12/2021, Nga đã đưa ra các đề xuất với phía Mỹ và NATO về đảm bảo an ninh ở châu Âu.

Đề xuất này đã được thảo luận tại các cuộc đàm phán giữa Nga với Mỹ và NATO trong tuần trước. Mỹ muốn Nga rút các binh sỹ được triển khai ở vùng lãnh thổ giáp biên giới với Ukraine.

Chính quyền Ukraine và phương Tây cho rằng việc Nga tăng cường binh sỹ gần biên giới Ukraine đồng nghĩa với ý định tiến hành một cuộc tấn công quân sự.

Tuy nhiên, Moskva đã phủ nhận những lập luận này, đồng thời nêu rõ Nga có thể triển khai lực lượng trên lãnh thổ của mình theo cách mà nước này lựa chọn mà không gây ra mối đe dọa nào./.

Theo Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.