Y tế

Những “chiến sỹ” nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh

Họ là y, bác sỹ, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh - những người chấp nhận đối mặt với hiểm nguy, thầm lặng hy sinh trên tuyến đầu chống dịch bệnh. Trong rất nhiều trận tuyến cam go, phải kể đến những ngày căng mình cùng cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh ngăn dịch Covid-19 vào địa bàn.

Giám đốc CDC Hà Tĩnh Nguyễn Lương Tâm, người “đứng mũi chịu sào” trong “chiến dịch” chặn bước lây lan của virus Corona kể lại: Dù trước tết, dịch chưa ảnh hưởng đến nước ta, nhưng nhận định nguy cơ cao dịch sẽ xâm nhập, lãnh đạo đơn vị đặt mình vào tình thế cần có những quyết định quan trọng trong công tác phòng chống dịch. Đầu tiên là tiến hành thành lập 3 đội cơ động phòng chống dịch Covid-19 ngay khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Biết rằng nhiều người sẽ vì nhiệm vụ mà không có tết, thế nhưng, “chống dịch như chống giặc”, vì sức khỏe nhân dân, sự an toàn của cộng đồng, không được phép chần chừ, chậm trễ”.

Những “chiến sỹ” nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh

Trong thời điểm tập trung cao cho nhiệm vụ chống dịch, những cuộc họp đột xuất, họp ngày nghỉ, họp xuyên đêm, xuyên trưa đều trở nên quá đỗi bình thường đối với cán bộ phòng chống dịch của CDC. Cuộc giao ban bàn các giải pháp chống dịch của CDC Hà Tĩnh diễn ra sôi nổi ngay trong đêm 30 tết.

“Dù ngày nghỉ hay ngày thường, dù đêm khuya hay trưa buổi, cứ nghe cơ sở báo lên có trường hợp nghi ngờ là anh em lập tức lên đường, có mặt ngay để điều tra, giám sát dịch tễ. Căng thẳng chờ đợi những kết quả xét nghiệm từ Trung ương gửi về, đến lúc nguy cơ về dịch được loại bỏ thì anh em mới thở phào nhẹ nhõm” - bác sỹ Tâm chia sẻ.

Những “chiến sỹ” nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh

Lực lượng kiểm dịch giám sát, đo thân nhiệt và triển khai khai báo y tế cho người nhập cảnh tại Cảng Vũng Áng - Sơn Dương.

Trực tiếp tham gia chống dịch tại “mặt trận” cảng Vũng Áng - Sơn Dương từ ngày 25 tết đến nay, bác sỹ Lê Xuân Thuyết - Tổ trưởng Tổ Kiểm dịch chia sẻ: Lực lượng mỏng nên anh em phải làm căng hết sức. Phương tiện đều phải tự túc, có ngày anh em chia nhau chạy đi chạy lại hàng chục lần giữa 2 cảng. Khi tàu cập cảng là lực lượng kiểm dịch phải có mặt ngay, nếu mình chưa lên tàu kiểm tra, đo thân nhiệt các thuyền viên thì các lực lượng khác đều chưa dám lên. Khi việc điều tra dịch tễ loại bỏ được những nguy cơ thì các lực lượng khác mới lên tàu để thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, anh em phải luôn gồng mình đảm bảo tiến độ công việc”.

Những “chiến sỹ” nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác phòng chống dịch tại KKT Vũng Áng và Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo (ảnh 1,2). BVĐK tỉnh chuẩn bị chu đáo trang thiết bị phục vụ cho công tác cách ly, điều trị khi có trường hợp nghi ngờ (ảnh 3). Công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trung được CDC chỉ đạo tuyến y tế cơ sở thực hiện quyết liệt. (ảnh 4)

Nhiệm vụ cấp bách, trách nhiệm nặng nề trên vai nên nhiều cán bộ kiểm dịch phải gác lại việc riêng, âm thầm chấp nhận những hy sinh. Đó là câu chuyện cảm động của bác sỹ Thuyết khi ở trong tình huống mẹ ốm nặng, rất cần anh túc trực, chăm sóc những ngày cuối đời. Dẫu lòng như lửa đốt nhưng vì nhiệm vụ, đến tối ngày 7/2, bác sỹ mới xuống tàu, vội vã chạy về với mẹ. Hai ngày sau mẹ mất, khi lo xong công việc hậu sự, anh nén nỗi đau, trở lại cảng Vũng Áng - Sơn Dương để cùng các thành viên trong tổ tiếp tục bám trụ ở tuyến trọng điểm chống dịch.

Tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, với lượng người và phương tiện nhập cảnh hằng ngày rất lớn nên công tác kiểm dịch y tế ở đây luôn căng như dây đàn. “Từ ngày mùng 3 Tết Nguyên đán đến nay, tất cả anh em trên này đều chưa về nhà. Trong tổ có một đồng chí vừa mổ tim trước tết, đến nay đã qua lịch hẹn tái khám nhưng do công việc quá căng nên chưa thể dứt ra mà đi được” - bác sỹ Trần Nhật Quang, Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế chia sẻ.

Những “chiến sỹ” nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh

Chuỗi ngày dồn sức trên tuyến đầu chống dịch, những nữ y, bác sỹ đành chấp nhận tạm quên đi thiên chức trong gia đình, dành toàn tâm toàn ý cho công việc. Là một trong 2 bác sỹ nữ hằng ngày tham gia trực tiếp kiểm dịch tại cảng Vũng Áng - Sơn Dương, bác sỹ Đặng Thị Mai Thúy bộc bạch: “Nhà mình ở thị trấn Thạch Hà, phải làm nhiệm vụ chống dịch trong này nên không thể về nhà được. Chồng công tác ở huyện miền núi xa xôi nên hầu hết mọi công việc ở nhà đều nhờ cậy mẹ chồng. Nhiều khi con ốm, bà cháu phải đưa nhau đi khám nhưng vẫn không thể về chăm sóc con được”.

Những “chiến sỹ” nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh

Tiến hành lẫy mẫu xét nghiệm virus Corona du khách người Trung Quốc tại Hà Tĩnh gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (ngày 8/2/2020).

Cũng theo chia sẻ của bác sỹ Thúy, anh em cắm ở địa bàn này đều chung quyết tâm vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ. Có nhiều thời điểm tổ 5 người phải làm công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng tất cả các cầu cảng, khu vực sân ở 2 cảng. Lực lượng mỏng, diện tích lớn nên 12h đêm, anh em vẫn phải phun thuốc khử trùng ở cảng. Công việc được hoàn thành là lúc ai cũng mệt rã rời. Song, không một lời phàn nàn, kêu ca, tất cả anh em lại lên dây cót cho những ngày làm việc mới với quyết tâm cao nhất, bằng mọi giá không để dịch bệnh nguy hiểm này xâm nhập vào địa bàn; bằng mọi giá bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân”.

Những “chiến sỹ” nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh

Trong gần 2 tháng dồn sức chống dịch Covid-19, các đội cơ động phòng chống dịch của CDC tập trung thực hiện đầy đủ các bước giám sát và phòng chống dịch cho hàng chục ngàn người nhập cảnh ở Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và hàng trăm thuyền viên đến từ nhiều quốc gia cập cảng Vũng Áng. Tổ chức cách ly theo dõi 21 trường hợp, giám sát, theo dõi, đo thân nhiệt, hướng dẫn cách ly tại nhà, nơi lưu trú 301 trường hợp đi từ vùng có dịch về. Chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng các huyện, thị xã, thành phố triển khai chiến dịch phun hóa chất khử khuẩn Cloramin B cho 712 trường học, cơ sở giáo dục; 480 chợ, đền, chùa, các điểm tập trung đông người, cơ quan, doanh nghiệp…

Những “chiến sỹ” nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 ở Hà Tĩnh

Bộ Y tế hướng dẫn cách ly, điều trị dịch Covid-19 tại gia đình và cộng đồng

Ảnh: Phúc quang - tuấn dũng

thiết kế: huy tùng

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.
Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh lựa chọn sinh con ở độ tuổi sau 35. Điều này có thể kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe cho cả mẹ và con cũng như giảm chất lượng dân số.