Những đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam trên đất Lào

(Baohatinh.vn) - Đến Lào, ta sẽ dễ nhận ra giữa trung tâm mỗi tỉnh lỵ từng là chiến trường khốc liệt thời chống Mỹ đều được nước bạn xây dựng đài tưởng niệm chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam.

Những đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam trên đất Lào

Cựu chiến binh Việt Nam thăm Khu tưởng niệm liệt sĩ Việt - Lào tại Ban Kon thuộc huyện Phone Hong, tỉnh Vientiane.

Khu tưởng niệm liệt sĩ Việt - Lào tại Ban Kon thuộc huyện Phone Hong, tỉnh Vientiane, cách Thủ đô Vientiane 70 km. Ít ai biết nơi đây là địa điểm giặc Pháp đã chôn tập thể 26 chiến sĩ liên quân Việt - Lào hy sinh năm 1946. Tại địa điểm này, Trung ương Hội Cựu chiến binh Lào phối hợp với Tổng Hội người Việt Nam tại Lào và chính quyền tỉnh Vientiane đã xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ trong một khuôn viên rộng hơn 3.000 m2.

Trung tâm của khu tưởng niệm là đài tưởng niệm cao 11m, rộng 9m, có ba bậc lên xuống. Bên trong có bia đá ghi tên 11 liệt sĩ, gồm 2 liệt sĩ Lào, 8 liệt sĩ Việt Nam và một tình nguyện viên người Nhật. Khu tưởng niệm liệt sĩ Việt - Lào Ban Kon được xây dựng giao thoa kiến trúc Việt - Lào, vừa có hình rồng sơn thếp vàng bốn phía, mái hình lọng che trên bốn cột. Chính giữa là bia đá đen khắc tên các liệt sĩ bằng chữ màu vàng theo danh bia truyền thống Việt Nam cùng hai lá cờ Tổ quốc hai nước Việt Nam và Lào.

Đài tháp nằm gọn dưới tán cây cổ thụ uy nghiêm. Bên cạnh đài tưởng niệm cách khoảng 20m là cái giếng mà kẻ địch đã ném xác liệt sĩ xuống vùi chung thành ngôi mộ tập thể. Tại miệng giếng, nay được xây bao quanh và có bia đá đen khắc chữ Việt và Lào màu vàng với dòng chữ: “Tổ quốc ghi công”.

Những đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam trên đất Lào

Giếng trong khuôn viên Khu tưởng niệm liệt sĩ Việt - Lào tại Ban Kon là nơi kẻ địch đã ném xác liệt sĩ xuống vùi chung thành ngôi mộ tập thể.

Theo tài liệu được lưu giữ ở nhà trưng bày thì khu tưởng niệm này còn ghi nhớ trận chiến thắng Ban Kon ngày 1/1/1946 của Liên quân Lào - Việt đã làm thay đổi cục diện quân sự của giặc Pháp lúc bấy giờ trên chiến trường Lào, nhất là tại tỉnh Vientiane và Thủ đô Vientiane.

Ông Trần Hanh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ đồng hương Xiengkhuang tại Thủ đô Vientiane cho biết, mỗi năm, cứ đến ngày 27/7 - Ngày Thương binh - liệt sĩ Việt Nam là bà con Việt kiều tại Lào lại hành hương về đây thắp nén tâm nhang tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nguyện cùng nhau hướng về Tổ quốc, giáo dục con cháu giữ gìn thành quả cách mạng mà các anh hùng liệt sĩ đem lại, giúp nhau trong cuộc sống, chấp hành tốt chủ trương chính sách và pháp luật nước sở tại.

Đến tỉnh Xiengkhuang, giữa trung tâm thị xã Phonsavan, một thị xã đã thay da đổi thịt đang từng ngày phát triển và đổi mới, đứng nơi đâu tôi cũng nhìn thấy tượng đài chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam sừng sững vì được nước bạn xây dựng trên đồi cao. Tượng đài rực rỡ thếp vàng càng rực sáng khi nắng lên, điểm tô thêm vẻ đẹp cho thị xã cao nguyên này và gợi nhớ cho du khách về một thời oanh liệt.

Những đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam trên đất Lào

Lực lượng vũ trang tỉnh Xiengkhuang dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở thị xã Phonsavan.

Ông Maikham - nguyên Giám đốc Sở Lao động và Phúc lợi xã hội tỉnh Xiengkhuang cho biết: "Mỗi khi có các đoàn công tác Việt Nam hoặc Ngày Quốc khánh nước CHDCND Lào thì lãnh đạo chính quyền tỉnh Xiengkhuang và các địa phương trong tỉnh đều đến đây dâng hương, dâng hoa dưới chân tượng đài. Đặc biệt, mỗi năm hai lần, khi tỉnh Xiengkhuang tổ chức bàn giao, tiễn đưa hàng trăm hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các cuộc kháng chiến trước đây về với đất mẹ thì dưới chân tượng đài này là lễ dâng hương, hoa với lễ nghi trang trọng nhất theo phong tục Lào”.

Tại tỉnh Oudomxay ở miền Bắc của Lào, giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), cách Thủ đô Vientiane gần 700 km, ngay giữa trung tâm thị xã Muangxay của tỉnh này, bạn cũng sẽ nhìn thấy uy nghi tượng đài chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam trên đồi cao. Nếu muốn quan sát toàn bộ thị xã đang trên đà phát triển này thì bạn hãy đứng bên chân tượng đài.

Nơi đây cũng thường diễn ra các lễ nghi dâng hương, hoa các liệt sĩ mỗi khi có đoàn công tác của Việt Nam sang hoặc các chuyến công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Bắc Lào và Hội người Việt Nam các tỉnh Bắc Lào.

Tại tỉnh Xaysomboun nằm lọt giữa tỉnh Vientiane, Xiengkhuang và Bolikhamxay, nơi từng được biết đến là thủ phủ của phỉ Vàng Pao trước đây cũng vừa khánh thành Đài tưởng niệm quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam. Đài tưởng niệm nằm giữa trung tâm thị xã Anuvong, có quy mô 4.300 m2, gồm khu trung tâm tượng đài diện tích 2.600 m2, bãi đỗ xe, nhà điều hành diện tích 1.700 m2 và các công trình phụ trợ chiếu sáng, cấp thoát nước khác. Trung tâm tượng đài gồm nhiều hạng mục như: tượng chính cao 11m; tượng hai chiến sĩ cao 3,2m; hai bức phù điêu đặt ở hai cánh gà.

Còn ở huyện Paksong, tỉnh Champasak thuộc miền Nam Lào trên cao nguyên Bolaven nổi tiếng với nhiều chiến dịch Nam Lào trước đây, Chính phủ Lào cũng vừa xây dựng Đài tưởng niệm chiến sĩ Lào - Việt Nam trên diện tích hơn 4 ha, bao gồm 13 hạng mục, gồm: 2 trụ tháp cao 11m đường kính 13m; một cụm phù điêu cao 4,5m, rộng 9m; 1 nhà điều hành; 1 nhà trưng bày cùng nhiều hạng mục sân vườn, hệ thống điện nước…

Bên các đài tưởng niệm đều có tượng hai chiến sĩ Việt Nam và Lào sát cánh bên nhau, ôm súng xốc tới, được đặt trên ụ cao và phía dưới là lư hương lớn.

Những đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam trên đất Lào

Đài tưởng niệm liệt sĩ Việt - Lào tại tỉnh Savannakhet.

Các khu tưởng niệm, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã được xây dựng ở hầu khắp các tỉnh, thành, những nơi trước đây từng là mặt trận ác liệt trong thời kỳ hai nước chung chiến hào đánh kẻ thù chung, nổi bật là tại các tỉnh Bắc và Trung Lào như: Oudomxay, Huaphanh, Vientiane, Xiengkhuang, Xaysomboun, Khammuan, Bolikhamxay và các tỉnh Nam Lào như: Savannakhet, Sekong, Champasak và Attapeu.

Những tượng đài, khu lưu niệm tại Lào nhằm ghi nhớ công ơn to lớn và tri ân các anh hùng liệt sĩ. Trong những năm tháng chống giặc ngoại xâm, đã có hơn nửa triệu lượt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam sát cánh cùng quân và dân Lào và đã có hơn 50.000 người bị thương và 40.000 liệt sĩ hy sinh anh dũng.

Dừng chân tại Khu tưởng niệm liệt sĩ Việt - Lào tại Ban Kon thuộc huyện Phone Hong, tỉnh Vientiane, ông Phan Anh Thuần (90 tuổi, trú TP Hồ Chí Minh, nguyên là chiến sĩ Đoàn 83 Vientiane) xúc động chia sẻ: "Lúc nào tôi cũng muốn về lại nơi này, nơi có các đồng đội của mình đã ngã xuống. Khi đồng chí, đồng đội của mình hy sinh tại đây được Nhân dân Lào tri ân ghi nhớ. Không biết nói gì hơn, khi nhớ đến đồng đội đã hy sinh vì sự tồn vong của 2 dân tộc. Chúng tôi tuy tuổi đã cao nhưng lúc nào cũng ghi nhớ công ơn của các đồng chí, noi theo các đồng chí để phục vụ đất nước Việt Nam cũng như góp phần xây dựng đất nước Lào ngày càng phồn vinh và xây dựng mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào ngày càng nở hoa kết trái”.

Cựu chiến binh Nguyễn Phi Thường (trú TP Hải Phòng) nguyên là lính đơn vị 410 thuộc Đoàn 959, chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào. Kết thúc chiến tranh, ông trở về với thương tật đặc biệt, chỉ còn một chân cùng cây nạng.

"Thời đó, chúng tôi không quản ngại gian khổ hy sinh, vừa chiến đấu chống địch càn quyét, lấn chiếm, vừa bảo vệ vùng giải phóng Lào, tăng cường lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích trên khắp đất nước Lào. Sau 55 năm trở lại, tôi xúc động vô cùng, nhận thấy thành quả cách mạng đã đền đáp công sức của những người lính Pathet Lào và những người lính Việt Nam đã từng hy sinh xương máu trên mảnh đất này để giành độc lập tự do và luôn chúc cho tình hữu nghị Việt - Lào bền vững thắm tình anh em”, ông Nguyễn Phi Thường nhớ lại.

Đại tướng Chansamone Chanyalath - Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, mỗi lần tiếp xúc, hay các cuộc giao lưu Lào - Việt, đều nhấn mạnh: “Ở tất cả mỗi ngọn núi, cánh rừng, các con sông, con suối đều có dấu chân, mồ hôi và sự hy sinh xương máu của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Sự hy sinh đó là sự hy sinh cao cả, thiêng liêng không gì có thể sánh được. Họ đã dành cho đất nước, Nhân dân Lào cũng như đất nước, Nhân dân Việt Nam anh em có cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc hôm nay. Nhân dân các dân tộc Lào luôn ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ quý giá không có gì có thể so sánh được này”.

Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongloun Sisoulith từng ghi sổ vàng khi dâng hương tại một khu lưu niệm, viết: “Chúng ta xây dựng các tượng đài chiến sĩ Lào và Việt Nam tại trung tâm các tỉnh lỵ nhằm thường xuyên tuyên truyền giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên cũng như các tầng lớp nhân dân các dân tộc Lào, đặc biệt là thế hệ trẻ luôn nhận thức sâu sắc hơn nữa về truyền thống của mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào - Việt Nam.

Đảng, Nhà nước và Nhân dân các dân tộc Lào nguyện tiếp tục bảo vệ, gìn giữ, nâng niu, vun đắp, làm cho mối quan hệ đặc biệt đó mãi mãi trường tồn và được truyền tiếp cho các thế hệ muôn đời sau. Truyền thống liên minh chiến đấu, quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào là di sản lịch sử quý báu, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân hai nước trong những năm tháng kháng chiến chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Souphanouvong, Chủ tịch Caysone Phomvihane đã đặt nền móng xây dựng và các thế hệ hai nước luôn gìn giữ và phát huy”.

Em Keo Malain - sinh viên Trường Đại học Vinh, quê tỉnh Xiengkhuang cho biết: “Lúc nào em về quê em cũng đến thắp hương, dâng hoa lên đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam. Em luôn ý thức rằng Lào - Việt Nam chúng ta từng chung sức, chung lòng, hy sinh xương máu vì hai đất nước. Qua đó, góp phần giáo dục các thế hệ chúng em hiểu thêm lịch sử hai nước chúng ta đã từng sát cánh bên nhau, thà hy sinh để giành lại cuộc sống hôm nay”.

Đài tưởng niệm chiến sĩ Việt Nam trên đất Lào là biểu tượng trực quan sinh động nhất nhằm giáo dục các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Lào luôn khắc ghi lịch sử đấu tranh giải phóng thống nhất đất nước, của Nhân dân hai nước Việt Nam và Lào, nhằm không ngừng vun đắp cho tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào mãi mãi xanh tười, đời đời bền vững mà các thế hệ lãnh đạo và Nhân dân hai nước đã dày công dựng xây, vun đắp

GS-TS Saikhong Xayasine
Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Hữu nghị Lào - Việt Nam
Giám đốc Đại học Quốc gia Lào

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.