Những đứa con của rừng

(Baohatinh.vn) - Chuyến đi của đoàn khảo sát thác Vũ Môn ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vào tháng 8 vừa qua với chặng đường tính bằng hàng giờ đi bộ sẽ chẳng thể thành công nếu thiếu đi những người dân bản địa dẫn đường... Họ - những hướng dẫn viên thực thụ đưa đoàn khảo sát về với “ngôi nhà” lớn đầy thân thuộc.

Chuyện người dẫn đường

Nguyễn Văn Mai là một trong 7 người dẫn đường và gùi đồ giúp đoàn, cậu cũng là người nhỏ tuổi nhất trong đoàn. Mới 18 tuổi, nhưng Mai đã có kinh nghiệm hơn 5 năm đi rừng.

nhung dua con cua rung

Dẫu gùi đồ trên lưng rất nặng nhưng họ vẫn hăng hái tiên phong làm người dẫn đường.

Người bé cỏn, trên vai gánh đồ nặng đến vài chục kg nhưng Mai chẳng nề hà. Lúc trong đoàn có người cần dìu, Mai cũng luôn sẵn sàng giúp. Cậu bé hay cười, nhưng ít nói… chỉ đến khi hỏi tên loại cây nào trong rừng, cậu đều đọc vanh vách và hào hứng nói về một vài công dụng của cây. Chuyến đi bắt đầu thú vị hơn, hành trình chinh phục Vũ Môn dường như ngắn lại với những kiến thức mới mẻ mà Mai chia sẻ.

Thi thoảng lúc đi, thấy cậu bẻ cành, khắc dấu lên cây, tôi cứ nghĩ đó chỉ là trò nghịch ngợm, nhưng không hẳn thế, đó là một cách để làm dấu cho người đi sau và cho chính bản thân mình; cũng là một cách để lưu lại kỷ niệm nơi cậu đi qua. “Đi rừng chỉ cần một con dao và một cái bật lửa là không sợ đói, sợ rét. Cứ nhìn hướng mặt trời mọc mà đi thì không sợ lạc” - Mai nói.

nhung dua con cua rung

Khắc tên lên thân cây - một cách để đánh dấu đường và lưu lại kỉ niệm

Hơn một ngày đi rừng, với tiết trời mưa nắng thất thường, mọi người đã mệt, nhưng cậu vẫn phăm phăm hướng về phía trước với một ba lô nặng trĩu trên vai. Mai bộc bạch: “Đi đường thành phố em mới sợ lạc, nhưng đi đường rừng chẳng bao giờ sợ”.

Thậm chí, đến những chỗ chẳng có đường, có lối, cả đoàn phải tự xẻ cây lấy lối đi thì Mai cũng như con sóc nhỏ tinh anh, len lỏi khắp các bụi rậm, tiên phong dẫn đường.

Còn anh Lê Thanh Hóa (thôn Phú Lâm, xã Phú Gia), hơn nửa cuộc đời gắn bó với núi rừng, dấu chân anh đã in khắp các mỏm đá, hốc cây, những lối vào ra khắp khu rừng này. Nhà gần núi, tuổi thơ anh Hóa lớn lên với thiên nhiên, cây cỏ. “Từ nhỏ, tui đã theo cha, theo thanh niên trong làng lên rừng đi kiếm cái ăn. Chặt củi, lấy mật, có khi bẫy thú…”, anh kể.

Đi riết rồi quen, dấu chân anh len lỏi khắp núi rừng, chui vào những khu rậm rạp nhất để đặt bẫy, trèo lên những cây cao chót vót để kiếm mật ong, hay leo lên những mỏm đá cao, cheo leo, hiểm trở nhất để quan sát, tìm hướng đi. Và với những người như Mai, như anh Hóa... đi rừng chính là trở về rừng! Như đứa con nhỏ tìm về với mẹ thiên nhiên trong ngôi nhà rộng lớn.

Bảo vệ mẹ thiên nhiên

Ở thôn Phú Lâm của xã Phú Gia, hầu hết những thanh niên ở bản đều đi rừng từ lúc 15-17 tuổi. Cả bản hơn 100 hộ dân thì cũng hơn 50 hộ thường xuyên vào rừng. Trong bản, có những người đã 50-60 tuổi vẫn đi rừng rất dẻo dai như ông Ninh, ông Biên, ông Đăng… Tiếp nối “cao niên” là những người như các anh: Thêm, Thìn, Hóa, Mão...

nhung dua con cua rung

Với họ - bảo vệ rừng là bảo vệ sự sống

Nếu với lực lượng chức năng, chuyên môn, việc đánh dấu, phân loại địa giới khu vực trên rừng thường bằng tọa độ, tiểu khu thì với những người như anh Hóa, như Mai, nó in sâu trong trí nhớ bằng những địa điểm thân quen và thuộc nằm lòng bàn tay.

Thậm chí, những con dốc, những đoạn đường ở đây còn được người đi rừng đặt tên theo tên người dân - những người đã khai sinh, mở lối con dốc, con đường đó. Đường Hưng Huỳnh, Anh Đa, Trường Trọng hay dốc ông Cầm Huề, Hải Đạo… là những cái tên mà nếu không phải người con của bản, không quá thân thuộc với rừng sẽ ít ai biết được. Và vào rừng không còn mang suy nghĩ giản đơn đưa sản vật của rừng về nhà nữa mà với nhiều người dân họ đã có suy nghĩ khác.

“Bây giờ, dân bản vào rừng lấy mật ong, lấy lá thuốc, lá tơi… không ai đi phá rừng mô. Các chú biên phòng nói với bà con nhiều rồi, chúng tôi hiểu chứ, phá cây, phá rừng thì lấy gì sống, rừng chết mà nguồn nước cũng hết. Phải giữ rừng cho con cháu, nếu không muốn rừng bị hoang hóa” – anh Lê Văn Mão, một người dân bản tâm sự.

“Không làm được gì cho rừng nhưng cũng sẽ không bao giờ phá rừng. Là con của dân bản Phú Lâm, không ai mà đi phá rừng cả, phá rừng là phá nhà mình rồi” - anh Lê Thanh Hóa phụ họa thêm. Và đó cũng là tiếng nói chung của những người dân bản địa dẫn chúng tôi lên thác Vũ Môn.

Gần đây, một số người dân bản địa sành sõi về rừng còn có thêm một “nghề” mới đó là nghề dẫn đường. Họ dẫn đường cho các đoàn khảo sát lên thác Vũ Môn. Thi thoảng mới có một vài chuyến đi, mỗi chuyến kéo dài ít nhất 2 ngày, có khi đến nửa tháng, đường đi gập ghềnh và xa xôi nhưng họ chẳng bao giờ oán thán bởi niềm tin rằng, “hòn ngọc xanh” sẽ được chở che, bảo vệ và khai thác thỏa đáng, hữu ích.

Mong sao không chỉ người dân bản Phú Lâm mà những ai đã, đang được mẹ thiên nhiên bao dung ưu đãi hãy biết bảo vệ, giữ gìn để tạo nguồn sống cho muôn đời sau, như lời người dân nơi đây từng truyền đạt cho nhau qua nhiều thế hệ: “Không bao giờ được phá rừng”.

Đọc thêm

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.
Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống.
Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 cũng quy định 3 trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng bị tạm dừng hưởng chế độ như luật hiện hành nhưng có một số điều chỉnh.
5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.