Đã qua cái thời nhiều ngọn đồi trên dãy núi Hồng Lĩnh trơ trọi, chim muông xao xác bỏ đi, bởi cái đói, cái nghèo khiến người dân rủ nhau lên rừng đốn củi, săn bắn mưu sinh. Ngày nay, khắp làng quê quanh chân núi, nhà cửa khang trang, phố làng hiện đại, núi đồi ngày càng thắm xanh…
Ngắm nhìn khu dân cư nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu trù phú thôn Quan Nam (xã Hồng Lộc, Lộc Hà), ít ai biết rằng, nhiều năm trước, làng quê này nghèo nhất xã. Từ cuộc sống bám vào đồi núi mưu sinh qua ngày, năm 2020, với 260 hộ dân, hơn 900 nhân khẩu, thu nhập bình quân đầu người của thôn đã vươn lên đạt 32 triệu đồng/năm. Bà Hồ Thị Hà (60 tuổi) cho biết: “Ngày xưa, thôn chúng tôi nổi tiếng với các nghề “ăn đong” rừng núi, kiếm sống qua ngày như lên rừng đốn củi, đào cát chở xe bò đi bán cho các xã lân cận… Dù quanh năm suốt tháng vất vả, lam lũ nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Rừng núi cũng đến lúc cạn kiệt tài nguyên, đã có thời, nhiều người rời làng đi miền Nam lập nghiệp. Tuy nhiên, khoảng 10 năm lại nay, phong trào xây dựng NTM đã khiến cuộc sống người dân ngày càng no ấm, thịnh vượng”.
Vợ chồng bà Hồ Thị Hà bên vườn mẫu xanh tốt cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.
Hào hứng về những đổi thay của quê hương, bà Hà kể cho tôi nghe câu chuyện vui mà bà chứng kiến. Đó là 3 năm trước, khi một người chị thân thiết của bà trở về thăm quê sau 20 năm đi xa lập nghiệp. Đi taxi từ sân bay Vinh về, không ngờ quãng đường hơn 40 km mà 3 tiếng đồng hồ vẫn chưa đến nơi, sốt ruột bà Hà vội gọi điện thì tá hỏa vì người này đi lạc. Sau đó, người chị của bà Hà tâm sự rằng, 20 năm xa quê, khi ra đi, trong làng đa số là nhà tranh vách đất, đường ngõ quanh co, nhỏ hẹp, cây cối, bụi bờ rậm rịt. Giờ về, đường lớn phong quang rộng rãi, nhà cửa khang trang, những khu vườn cây trái sum suê… nên dù bà về đến đầu làng mà vẫn không nhận ra. Bà chẳng thể hình dung làng quê mình thay đổi nhiều đến thế.
Những khu vườn giống, vườn mẫu trồng rau, củ, quả xanh tốt giúp nông dân thôn Hồng Lĩnh (Vượng Lộc, Can Lộc) thay đổi cuộc sống
Đối với thế hệ những người dân đầu tiên đến lập nghiệp tại vùng heo hút dưới chân núi Hồng, nay là thôn Hồng Lĩnh, xã Vượng Lộc (Can Lộc) cũng không thể ngờ rằng, sẽ có một ngày cuộc sống của mình bước sang trang mới đầy tươi sáng. Ông Nguyễn Xuân Trung (70 tuổi) chia sẻ: “Đi qua những năm tháng đói nghèo, chúng tôi không nghĩ đến một ngày làng mình nhà nhà đều no đủ, nhiều người có nhà lầu, xe hơi như hôm nay”.
7 năm trước, thôn Hồng Lĩnh bắt tay vào xây dựng NTM, bên cạnh các tiêu chí, 70 hộ dân nơi đây đã mạnh dạn xây dựng vườn mẫu, thay đổi cơ cấu cây trồng, biến những khu vườn tạp thành vựa rau giống và rau - củ -quả thương phẩm, thu nhập bình quân mỗi hộ từ 80-120 triệu đồng/năm. Từ một làng quê heo hút dưới chân núi, thôn Hồng Lĩnh đã trở thành khu dân cư NTM kiểu mẫu tiêu biểu của Hà Tĩnh, từng đón hàng trăm đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi.
Từng có thời gian sống ở một số thành phố lớn nên hình ảnh những chiếc xe đưa đón công nhân ở các khu công nghiệp hằng ngày không còn xa lạ với tôi. Tuy nhiên, gần đây, hình ảnh này xuất hiện trên những con đường ở các vùng quê ven chân núi Hồng, như: tỉnh lộ 548 (qua Lộc Hà và Can Lộc), đường ven biển (qua Nghi Xuân)… cho tôi một cảm nhận mới mẻ và hào hứng. Đó là những chuyến xe chở công nhân của các công ty, nhà máy ở khu công nghiệp TX Hồng Lĩnh, Nghi Xuân…
Đường ven biển Lộc Hà - Nghi Xuân. Ảnh: Khôi Nguyễn
Là thị xã mang tên của ngọn núi thiêng, từ vùng đất heo hút một thuở, nay TX Hồng Lĩnh đã phát triển thành một đô thị trẻ đầy sức sống và năng động. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp đang có những bước tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện, tại đây có 2 cụm công nghiệp với hơn 60 doanh nghiệp và 610 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Việc đầu tư vào công nghiệp không chỉ giúp TX Hồng Lĩnh ngày càng phát triển mà còn giải quyết việc làm cho con em các địa phương lân cận ven chân núi Hồng, như: Lộc Hà, Can Lộc, Nghi Xuân… Dịp này, với việc đăng tuyển dụng số lượng lao động lớn, các nhà máy ở TX Hồng Lĩnh đã mở ra cơ hội việc làm cho hàng nghìn lao động ảnh hưởng dịch COVID-19 thất nghiệp trở về từ miền Nam.
Công nghiệp giúp TX Hồng Lĩnh ngày càng phát triển. Trong ảnh: Toàn cảnh TX Hồng Lĩnh (ảnh trên). Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh (ảnh trái) và Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh (ảnh phải) tạo nhiều việc làm cho con em trên địa bàn và các địa phương lân cận. Ảnh: PV-CTV
Bên cạnh TX Hồng Lĩnh, nhiều miền quê khác quanh núi Hồng thuộc huyện Nghi Xuân cũng đang làm nên những bức tranh tươi sáng về sự no ấm, thịnh vượng. Đó là xã Cương Gián được mệnh danh là “xã giàu nhất nước”; Cổ Đạm, Xuân Mỹ, Xuân Viên, thị trấn Xuân An… đều là những miền quê có thành tích nổi bật về xây dựng NTM, đô thị văn minh. Đặc biệt, Xuân Lĩnh đã có sự đột phá trong quá trình phát triển đi lên.
Quốc lộ 1 tuyến tránh TX Hồng Lĩnh mở ra sự thay đổi cho người dân Xuân Lĩnh (Nghi Xuân). Trong ảnh: Cụm Công nghiệp Xuân Lĩnh - Nghi Xuân.
Nằm trên một địa hình khá đặc biệt, dân cư sinh sống trải dài hai bên sườn núi, ở giữa chỉ có một cánh đồng hẹp, xã Xuân Lĩnh gặp nhiều bất lợi trong sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề khác… Do vậy, đời sống của người dân Xuân Lĩnh gặp rất nhiều khó khăn, trong một thời gian dài luôn đối diện với nghèo đói. Tuy nhiên, từ năm 2013, khi đường tránh quốc lộ 1 đi qua địa bàn xã cùng với sự đổi mới tư duy của cấp ủy, chính quyền và người dân, Xuân Lĩnh ngày càng khởi sắc. Năm 2016, Xuân Lĩnh về đích xã NTM, phấn đấu sẽ hoàn thành xây dựng xã NTM nâng cao vào năm 2022. Với hơn 3.700 nhân khẩu, thu nhập bình quân đầu người của Xuân Lĩnh năm 2020 là gần 43 triệu đồng.
Khu đô thị mới ở thị trấn Xuân An ngày nay (ảnh trên) và một góc nông thôn mới xã Xuân Lĩnh (Nghi Xuân).
Ông Nguyễn Trọng Đường - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lĩnh cho biết: “Việc mở đường tránh quốc lộ 1 đi qua địa bàn xã, sau đó là cụm công nghiệp được xây dựng kéo theo các hình thức kinh doanh, dịch vụ… đã tạo thêm nhiều việc làm cho người dân nơi đây. Bên cạnh sự cần cù, chịu khó thì các chủ trương và chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước đã mở ra cơ hội thay đổi cuộc sống cho người dân Xuân Lĩnh như hôm nay”.
Video: Ngắm Hương Tích tự thanh tịnh, huyền ảo giữa lưng chừng núi. Thực hiện: Đình Nhất - Ngân Giang
Ca trù và dân ca ví, giặm là những nét văn hóa độc đáo của Hà Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Đậu Hà - Trần Chung
Song song với sự khởi sắc về kinh tế, đời sống văn hóa của người dân các vùng quê quanh núi Hồng cũng ngày càng đi lên. Các di tích lịch sử, văn hóa ngày càng được quan tâm tôn tạo, gìn giữ, như: chùa Hương Tích (Thiên Lộc, Can Lộc), chùa Chân Tiên (Thịnh Lộc, Lộc Hà), khu di tích Đại Hùng (TX Hồng Lĩnh); các hình thức văn nghệ dân gian cũng được khôi phục như ví, giặm (TX Hồng Lĩnh, Nghi Xuân), ca trù (Xuân Giang, Xuân Liên, Nghi Xuân)… Đời sống vật chất và tinh thần dồi dào của cư dân xung quanh đã tô điểm cho núi Hồng ngày càng xanh thắm.
Ảnh: Thiên Vỹ - PV - CTV
thiết kế: Huy Tùng