Trong làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư, trên 2.000 cán bộ, nhân viên ngành y tế Hà Tĩnh đã gác lại niềm riêng, trắng đêm truy vết, lấy mẫu và xét nghiệm, góp phần quan trọng cùng cả hệ thống chính trị kiểm soát, ngăn dịch trong cộng đồng…
Nhiều ca bệnh Covid-19 xuất hiện trong cộng đồng ở đợt dịch thứ tư đã đặt ra cho Hà Tĩnh những nguy cơ và thách thức lớn trong công tác phòng, chống dịch, nhất là công tác xét nghiệm. Trong làn sóng dịch mới này, ngoài các đối tượng F1, F2, người cách ly do về từ vùng dịch, Hà Tĩnh còn phải tiến hành xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng. Điều này đồng nghĩa với số mẫu phải xét nghiệm mỗi ngày từ hàng trăm tăng lên hàng nghìn và hàng chục nghìn, đặt ra không ít gian nan, thử thách cho đội ngũ làm công tác xét nghiệm.
Chị Trần Thị Thùy Dương - Phó Trưởng khoa Cận lâm sàng - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh.
Từ khi xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng đến nay, hầu hết cán bộ, nhân viên Khoa Cận lâm sàng - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh ở lại cơ quan nhiều hơn ở nhà. Ở đây hầu hết là chị em và đều phải gác lại việc gia đình cho người thân quán xuyến. Chị Trần Thị Thùy Dương - Phó Trưởng khoa Cận lâm sàng chia sẻ: “Trong cuộc chiến đầy cam go này, các lãnh đạo phòng chuyên môn phải tiên phong gương mẫu, truyền năng lực tích cực cho cán bộ, nhân viên. Trong rất nhiều nhiệm vụ cấp bách, chúng tôi luôn giữ được bình tĩnh, làm chủ mọi tình huống, mọi công đoạn. Từ hoạch định kế hoạch, quy mô lấy mẫu đến việc đảm bảo chất lượng xét nghiệm cũng như an toàn sinh học đều được thực hiện chính xác, phòng tránh lây nhiễm chéo. Nhờ đó, dẫu nhiều thời điểm, khối lượng công việc khổng lồ, áp lực lớn nhưng chúng tôi luôn đảm bảo tính chính xác và tiến độ công việc”.
Video: CDC Hà Tĩnh trắng đêm xét nghiệm “150 ngàn mẫu mở rộng”.
Trong cuộc chiến với “giặc dịch” này, những chiến sỹ trong “binh chủng xét nghiệm” đều biết cách giữ tinh thần mạnh mẽ, kiên trì và luôn xác định phải hy sinh niềm riêng cho công việc chung. Hơn 50 con người là những kỹ thuật viên xét nghiệm giỏi được huy động từ nhiều cơ sở y tế về CDC Hà Tĩnh đã làm việc quên ăn, quên ngủ, nhiều ngày liền không rời các labo xét nghiệm để cho ra kết quả của hàng trăm, hàng nghìn mẫu, cung cấp kịp thời cho BCĐ Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh.
Trong những lần tác nghiệp tại CDC Hà Tĩnh, mỗi nữ cán bộ xét nghiệm đều trở thành những điển hình với rất nhiều câu chuyện cảm động. Đó là chị Nguyễn Thị Phương Thanh ở Cẩm Xuyên, tuy sức khỏe kém nhưng với tinh thần trách nhiệm cao vẫn kề vai, sát cánh cùng đồng chí, đồng đội của mình hoàn thành gần 300 ngàn mẫu xét nghiệm. Đó là chị Nguyễn Thị Huyền ở Lộc Hà, 2 vợ chồng đều làm ở CDC nên việc chăm lo cho con cái phải nhờ cả vào ông bà. Gần như không có thời gian để nhớ về gia đình, vợ chồng chị Huyền ngày ngày căng mình cùng đồng nghiệp tỉ mẩn với những mẫu xét nghiệm đảm bảo kết quả nhanh nhất, chính xác nhất.
Từ ngày 5/6 đến nay, “binh chủng xét nghiệm” của CDC Hà Tĩnh cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận và xét nghiệm trên 114 nghìn mẫu với các trường hợp F1, F2, mẫu xét nghiệm trong các khu phong tỏa và trong cộng đồng trên địa bàn TP Hà Tĩnh. Ngoài ra, trên 154 nghìn mẫu xét nghiệm của 8 nhóm đối tượng ưu tiên được các địa phương gửi lên cũng đã được đội ngũ xét nghiệm CDC Hà Tĩnh hoàn thành, trả kết quả chỉ trong 4 ngày.
“Đây là những con số biết nói về sức làm việc phi thường của “binh chủng xét nghiệm” trong những ngày qua. Khi 154 ngàn mẫu xét nghiệm của 8 đối tượng ưu tiên được hoàn thành, kết quả không có trường hợp dương tính, chúng tôi mới nhẹ nhõm phần nào” - chị Trần Thị Thùy Dương chia sẻ thêm.
Video: Chị Trần Thị Thùy Dương - Phó Trưởng khoa Cận lâm sàng, CDC Hà Tĩnh chia sẻ về sức mạnh, niềm tin của những "chiến sỹ" ngành y trong cuộc chiến chống dịch.
Song hành với đội ngũ làm công tác xét nghiệm là lực lượng truy vết, lấy mẫu. Việc xuất hiện các ca bệnh trong cộng đồng đặt ra yêu cầu truy vết, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm cấp bách cho đội ngũ cán bộ y tế. Chị Dương Thị Huế - Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà chia sẻ: “Trong đêm phát hiện các ca bệnh đầu tiên, tôi về chưa kịp vào nhà đã ngay lập tức trở lại cơ quan và từ đó bắt đầu bước vào guồng quay chống dịch liên tục, không ngừng nghỉ. Con còn nhỏ, chồng làm công an cũng không có thời gian, tôi phải nhờ cả bên nội và ngoại cùng hỗ trợ. Thạch Hà là địa phương có số lượng ca bệnh lớn và chúng tôi triền miên nhiều đêm thức trắng, sáng sớm mới chợp mắt được vài chục phút lại phải trở dậy với công việc. Công việc lấy mẫu thường rất rủi ro, lúc nào chúng tôi cũng phải đặt mình trong tâm thế đang tiếp xúc với F0. Bởi vậy, dù đã chủ động phòng hộ đầy đủ nhưng vẫn rất ngại về nhà, mặc dù nhiều khi nhớ con quay quắt. Một đêm, sau 5 ngày liên tục không về nhà, nhớ con quá, tôi chạy xe máy về đến nhà ở Thạch Xuân nhưng không dám vào, lại lặng lẽ trở lại cơ quan”.
.....
Video: Chị Dương Thị Huế - nhân viên xét nghiệm Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà chia sẻ về những nỗ lực bền bỉ trong những ngày lấy mẫu xét nghiệm khi ca bệnh tăng nhanh.
Không riêng chị Huế, từ ngày xuất hiện ca bệnh, ở Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà ai cũng làm việc bằng đôi, bằng ba ngày thường. Ngoài cán bộ trung tâm, các cán bộ có tay nghề khá từ các trạm y tế xã, thị trấn được điều động về thành đội quân xét nghiệm với 37 người. Nhận nhiệm vụ mới, ai cũng lo lắng nhưng rồi quen dần và càng làm càng nhuần nhuyễn, dẻo dai. Chị Huế kể, do Thạch Hà là địa bàn rộng, phân tán, trong những tình huống khẩn cấp, nhân viên y tế dùng xe máy để vận chuyển mẫu từ điểm lấy về CDC tỉnh nhằm đảm bảo kịp tiến độ. Vất vả, áp lực là thế nhưng không ai “cho phép” mình ốm trong lúc thực thi công việc.
Tham gia thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu trong đợt này còn có 50 cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh. Đối với các em sinh viên, đây chính là trận địa mới mẻ, tuy nhiều khó khăn nhưng cũng là cơ hội thử sức. Em Biện Văn Hiếu - sinh viên năm thứ 3 bộc bạch: “Khi quyết định tình nguyện tham gia vào đội lấy mẫu, em đã cân nhắc rất nhiều, vì lúc bấy giờ bố mẹ em đều làm y, bác sỹ nên cũng đang ở tuyến đầu chống dịch. Trong khi đó, em trai đang chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Tuy vậy, em vẫn quyết định đăng ký tham gia với mong muốn góp sức cùng tỉnh nhà sớm kiểm soát, khống chế dịch bệnh”.
Đợt dịch lần thứ tư này, mức độ nguy hiểm cao hơn, trên 200 cán bộ, nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tại các khu cách ly tập trung đều xác định nguy cơ chuyển hóa F1 thành F0 là rất cao. Vì vậy, phải có trách nhiệm cao và tuân thủ nghiêm quy trình làm việc tại khu cách ly thì các “chiến sỹ áo trắng” mới vượt qua nguy cơ lây nhiễm khi ngày ngày cận kề để chăm lo, theo dõi tình hình sức khỏe và động viên, chia sẻ với người cách ly.
Chị Trần Thị Hằng - nhân viên Trạm Y tế xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) làm nhiệm vụ ở khu cách ly Trường Mầm non và Tiểu học xã chia sẻ: “Trong số 4 người trực tiếp theo dõi sức khỏe, chăm sóc công dân ở khu cách ly tập trung xã Thạch Hưng, có 3 người là phụ nữ. Mỗi ngày, ngoài việc đo thân nhiệt, nắm bắt yếu tố dịch tễ của các F1, giám sát, nhắc nhở công dân thực hiện nghiêm quy định cách ly, chúng tôi còn làm vệ sinh, xử lý rác thải sinh hoạt của 38 công dân. Đợt dịch lần này diễn biến phức tạp, ngành chuyên môn cảnh báo nguy cơ lây lan lớn nên mỗi cử động, mỗi thao tác của người phục vụ vòng trong phải hết sức cẩn thận, đúng quy trình”.
Trong câu chuyện chị Hằng kể về những ngày làm nhiệm vụ đặc biệt ở đây, hình ảnh một cháu trai khoảng 13, 14 tuổi mới vào khu cách ly lúc chiều tối thì 9h đêm nhận kết quả xét nghiệm dương tính, khiến những nhân viên làm việc ở khu cách ly nhớ mãi. Hôm đó, họ quên cả ăn uống, lo lắng các thủ tục để cháu chuyển đến bệnh viện điều trị và khi xe cứu thương đi rồi, dọn cơm ra không ai nuốt nổi nữa.
Chị Vương Thị Ngọc Hà - cán bộ Trạm Y tế phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Do lực lượng mỏng nên ở khu cách ly Trường Mầm non Trần Phú chỉ một mình tôi đảm nhận nhiệm vụ vòng trong. Hằng ngày, tôi phải thực hiện tất cả các nhiệm vụ từ theo dõi sức khỏe cho 21 người đang cách ly, xử lý rác, tiêu độc, khử trùng môi trường toàn bộ khu vực khu cách ly. Nhiều thời điểm cảm thấy kiệt sức, nhưng nhìn thấy những em bé chỉ mới 11 tháng tuổi, 6 tuổi phải vào cách ly, sinh hoạt trong điều kiện thời tiết nắng nóng nên tôi lại tự nhủ mình phải tiếp tục cố gắng”.
Là lực lượng phải đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm nhất trên tuyến đầu chống dịch, các nhân viên y tế Hà Tĩnh trên các mặt công tác như: lấy mẫu, xét nghiệm, phục vụ công dân cách ly tập trung, vẫn luôn vững vàng vượt lên những khó khăn, gian khổ. Từ tuyến đầu với những gian khó, hy sinh, những chiến sỹ ngành y gửi gắm đến mỗi người dân hãy thực sự ý thức nguy cơ và những tổn thất do dịch bệnh gây ra để nghiêm ngặt thực hiện các giải pháp phòng dịch, bảo vệ mình và cả cộng đồng.
thiết kế: huy tùng