Những ưu tiên chiến lược về chính sách đối ngoại Nga năm 2022

Gần đây, dự báo về các vấn đề quốc tế và chính sách đối ngoại đã trở thành một xu hướng phổ biến không chỉ ở các quốc gia phương Tây mà còn ở Nga. Dưới đây là một số nhận định của Tiến sĩ Andrey Kortunov, Chủ tịch Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga (RIAC), về một số xu hướng chính sách đối ngoại quan trọng của Nga năm 2022.

Những ưu tiên chiến lược về chính sách đối ngoại Nga năm 2022

Ảnh minh họa: Parstoday

Thứ nhất, ngăn chặn leo thang căng thẳng ở Donbass và dọc theo biên giới Nga-Ukraine. Ngày nay, nhiều chuyên gia và chính trị gia ở phương Tây cho rằng leo thang đối đầu quân sự ở Ukraine là một viễn cảnh gần như không thể tránh khỏi, với các cuộc tranh luận chỉ xoay quanh quy mô và phương thức can dự của Nga. Ngăn chặn một kịch bản như vậy sẽ là một thành công lớn trong chính sách đối ngoại của Nga năm 2022. Đây cũng sẽ là một thành tựu to lớn đối với các bên khi tuân thủ ít nhất ba điều khoản đầu tiên của Thỏa thuận Minsk về ngừng bắn lâu dài, loại bỏ vũ khí hạng nặng và giám sát hiệu quả của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cũng như giảm đáng kể căng thẳng trên khu vực biên giới Nga-Ukraine.

Thứ hai, ổn định quan hệ Nga-Mỹ. Nga và Mỹ chủ yếu vẫn coi nhau là đối thủ, như trong vài năm qua. Tuy nhiên, với các cuộc tiếp xúc giữa tổng thống của hai nước diễn ra trong suốt năm 2021, chúng ta có thể kỳ vọng cạnh tranh vẫn trong tầm kiểm soát, đặc biệt là trong những lĩnh vực nguy hiểm nhất như kiểm soát vũ khí, ổn định chiến lược và an ninh mạng. Việc Mỹ từ chối áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt chống Nga có thể được coi là một thành công. Mục tiêu quan trọng của quan hệ Nga-Mỹ trong năm 2022 là chấm dứt căng thẳng ngoại giao và khôi phục hoạt động của một số cơ quan đại diện ngoại giao hai bên, ít nhất là ở Moskvavà Washington, tiếp đó là mở cửa trở lại lãnh sự quán Nga và Mỹ ở các thành phố khác.

Thứ ba, khôi phục Đối thoại Nga-NATO. Quan hệ giữa Moskva và Brussels gần đây đã bị đóng băng và các hoạt động của Hội đồng Nga-NATO đã bị đình trệ. Tuy nhiên, cả hai bên đều bày tỏ mong muốn tiếp tục đối thoại mang tính xây dựng, không chỉ ở cấp độ chính trị mà còn ở cấp độ quân sự. Một cuộc đối thoại như vậy có thể được nối lại theo định dạng mới: ví dụ, thông qua một nhóm quản lý khủng hoảng song phương ở châu Âu. Thời gian muộn nhất để nối lại liên lạc sẽ là sau hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Tây Ban Nha vào mùa Hè năm nay.

Tuy nhiên, để hiệu quả, cuộc đối thoại này không nên chỉ giới hạn trong các cuộc tiếp xúc định kỳ giữa Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Nga và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Mỹ, mà còn phải bao gồm cả tiếp xúc giữa các quan chức quân sự hai bên ở cấp độ thấp hơn.

Thứ tư, thỏa thuận giữa Nga-EU về chuyển đổi năng lượng. Trong vài năm qua, đặc biệt là 2021, Nga đã thể hiện quan điểm về các vấn đề khí hậu bằng cách khởi động một loạt các chương trình thiết thực cho quá trình chuyển đổi năng lượng carbon thấp. Quá trình chuyển đổi năng lượng cũng có thể góp phần cải thiện quan hệ giữa Nga và EU, đặc biệt là liên quan đến quy định thuế carbon xuyên biên giới.

Rõ ràng, năm 2022 sẽ có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của hợp tác Nga - EU trong lĩnh vực năng lượng. Điều quan trọng đối với Nga là cuối cùng đã đưa đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream-2) vào hoạt động, loại bỏ được một trong những trở ngại chính trong vấn đề hợp tác năng lượng giữa Nga và các đối tác phương Tây, cùng với việc khởi động các dự án phát triển năng lượng mới.

Thứ năm, ngăn chặn Afghanistan trở thành một “quốc gia thất bại”. Tình hình kinh tế xã hội ở Afghanistan tiếp tục xấu đi, một phần do các biện pháp trừng phạt quốc tế. Thảm họa nhân đạo ở Afghanistan năm 2022 sẽ tạo ra mối đe dọa đối với các nước láng giềng liên quan đến hàng triệu người tị nạn, gây bất ổn đáng kể tình hình chính trị không chỉ ở Afghanistan mà còn ở các nước xung quanh. Việc thiết lập các cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả để hỗ trợ nhân đạo và kỹ thuật cho Afghanistan, nhất trí dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc sẽ một thành công đối với chính sách đối ngoại của Nga.

Những ưu tiên chiến lược về chính sách đối ngoại Nga năm 2022

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP

Thứ sáu, mở rộng hợp tác Nga-Trung. Hợp tác giữa Moskva và Bắc Kinh đã có những động lực tích cực ổn định. Tuy nhiên, hai năm đại dịch đã gây ra thiệt hại đáng kể, đặc biệt là ảnh hưởng đến các lĩnh vực hợp tác nhân đạo, văn hóa và giáo dục. Hợp tác kinh tế hiện tại phần lớn đã gần như hết tiềm năng phát triển. Cả Nga và Trung Quốc đang phải tìm cách phát triển chuỗi sản xuất và công nghệ chung cũng như tăng cường hoạt động đầu tư song phương. Tình hình địa chính trị đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu đòi hỏi mức độ phối hợp ngày càng tăng về chính sách của Nga và Trung Quốc trong một số lĩnh vực, khu vực và trong nhiều tổ chức quốc tế.

Thứ bảy, tạo bước đột phá trong quan hệ với Ấn Độ. Trong khi Chiến lược An ninh Quốc gia mới nhất của Nga coi trọng việc phát triển mối quan hệ với Ấn Độ và Trung Quốc ngang nhau, động lực hợp tác Nga - Ấn từ lâu đã tụt hậu so với Moskva-Bắc Kinh. Về lý tưởng, 2022 nên trở thành năm của những bước đột phá, không chỉ bao gồm thương mại và đầu tư mà còn cả khía cạnh địa chính trị trong quan hệ Moscow-New Delhi. Hai nước có cách tiếp cận khác nhau đối với Trung Quốc, đối với khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, về “Tứ giác đa phương” (Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ), hay trong việc định hình tương lai của Afghanistan, v.v. Những khác biệt này khó có thể được xóa bỏ hoàn toàn, nhưng hai bên cũng có nhiều quan điểm chung về một số vấn đề trên.

Thứ tám, củng cố vị thế của Nga ở châu Phi. Hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi lần thứ hai được lên kế hoạch tổ chức vào mùa Thu năm 2022. Hội nghị đầu tiên, được tổ chức tại Sochi tháng 10/2019, làm dấy lên nhiều hy vọng về triển vọng mở rộng sự hiện diện của Nga ở châu Phi. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nhiều đến vấn đề này. Mặc dù vậy, châu Phi hiện vẫn duy trì sự tương tác với Nga, quốc gia có thể đóng vai trò cân bằng quan trọng đối với ảnh hưởng của phương Tây và Trung Quốc tại lục địa này.

Do đó, năm 2022 có thể trở thành “Năm Châu Phi” đối với Nga, một năm chuyển đổi các thỏa thuận chính trị chung thành các dự án thiết thực mới về năng lượng, giao thông, cơ sở hạ tầng đô thị, thông tin liên lạc, giáo dục, y tế cộng đồng và an ninh khu vực.

Thứ chín, hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Thật không may, đại dịch COVID-19 vẫn chưa trở thành động lực để cộng đồng quốc tế đoàn kết vì những mục tiêu chung. Hơn nữa, nó đã làm tăng cường cạnh tranh địa chính trị toàn cầu. Mục tiêu để WHO và EU công nhận vaccine COVID-19 của Nga đã không đạt được trong năm 2021, có nghĩa là điều này đã bị hoãn lại sang năm tiếp theo.

Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Nga có thể và cần đặt ra các mục tiêu chiến lược, bao gồm mở rộng hợp tác quốc tế trong việc cung cấp vaccine toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau COVID-19, chống lại chủ nghĩa bảo hộ...

Thứ mười, tránh sự sụt giảm của giá dầu. Nga đón năm 2022 với giá dầu ở mức 70 USD/thùng. Hơn nữa, giá khí đốt tự nhiên hiện tại ở châu Âu cao hơn đáng kể so với kỳ vọng của Nga, với hơn 1.800 USD/1.000m3 vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, sự biến động thị trường năng lượng toàn cầu có nguy cơ dẫn đến sự sụt giảm giá trong năm nay, tương tự như vào đầu mùa Xuân năm 2020.

Do đó, một trong những nhiệm vụ chiến lược của Nga năm nay là giảm sự biến động của giá năng lượng thông qua khuôn khổ hợp tác OPEC+. Nhìn chung, điều rất quan trọng là phải tăng cường sự tương tác của các nước xuất khẩu hydrocacbon trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng toàn cầu đang nổi lên.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.