Nỗi day dứt muộn màng của người đàn bà buôn “cái chết trắng”

(Baohatinh.vn) - Chọn con đường kiếm tiền bằng cách gieo rắc “cái chết trắng” cho xã hội, Nguyễn Thị Việt (SN 1984, trú phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) không chỉ đẩy bản thân rơi vào vòng lao lý, mà còn tự mình tước đi quyền được chăm sóc, dạy dỗ con của một người mẹ.

Nỗi day dứt muộn màng của người đàn bà buôn “cái chết trắng”

Bị cáo Nguyễn Thị Việt tại phòng xét xử trực tuyến Trại tạm giam, Công an tỉnh.

Nguyễn Thị Việt (SN 1984, trú phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) từng có một gia đình hạnh phúc, song hiện tại, tổ ấm ấy đã tan vỡ. Sau ly hôn, Việt trở thành mẹ đơn thân, một mình nuôi nấng hai con. Để có tiền nuôi con, Việt theo con đường bán hàng online nhưng cuộc sống của 3 mẹ con vô cùng chật vật.

Một mình gồng gánh trách nhiệm vừa là cha, vừa là mẹ trong lúc khốn khó bủa vây, Việt không còn giữ được bản lĩnh, đã gây ra một vụ trộm cắp tài sản và bị TAND TP Hà Tĩnh xử phạt 24 tháng tù vào năm 2018. Tuy nhiên, do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng, bị cáo được hoãn chấp hành án.

Nỗi day dứt muộn màng của người đàn bà buôn “cái chết trắng”

Thẩm phán Nguyễn Hà Ngân tóm tắt bản án sơ thẩm của TAND TP. Hà Tĩnh.

Sau 3 năm kể từ lần “nhúng chàm” đầu tiên, Nguyễn Thị Việt tiếp tục sa lưới pháp luật. Lần này, thị lựa chọn kiếm những đồng tiền “đen” từ con đường mua bán ma túy. Đầu tháng 8/2021, Việt đón xe buýt ra TP Vinh (Nghệ An) mua 11,1126g methamphetamine mang về chia thành nhiều gói nhỏ với mục đích bán lại kiếm lời.

Đến 12h25 ngày 29/8/2021, tại đường Nguyễn Huy Oánh (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh), khi Nguyễn Thị Việt mang 1 gói nilon đựng 9,6948g methaphetamine đi bán thì bị Công an TP Hà Tĩnh bắt quả tang. Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Việt, lực lượng chức năng thu giữ 1,4178g methamphetamine.

Nỗi day dứt muộn màng của người đàn bà buôn “cái chết trắng”

Đại diện Viện kiểm sát làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến hành vi phạm tội bị cáo.

Sau khi bị bắt, việc đầu tiên Việt làm là liên hệ với chị gái ruột để gửi các con nhờ chăm sóc, nuôi dưỡng. Những ngày tạm giam, Việt nhớ con đến quay quắt, cả tháng ròng rã trôi qua trong nước mắt. Hàng đêm, Việt lại chìm ngập trong nỗi nhớ nhung và mặc cảm khi để con phải chịu cảnh thiệt thòi (đứa bé nhất hiện mới chỉ lên 4 tuổi)…

Chị gái của Việt cũng đã ly hôn chồng và đang nuôi con nhỏ, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Cùng là mẹ đơn thân, Việt hiểu rõ hơn ai hết bao khó khăn, nhọc nhằn phải trải qua. Việc làm sai trái của Việt đã gián tiếp tạo thêm gánh nặng cho người thân, đây là điều khiến người phụ nữ này hết sức day dứt, phiền muộn.

Ngày 21/2/2022, TAND TP Hà Tĩnh đưa vụ án Nguyễn Thị Việt phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy” ra xét xử sơ thẩm và tuyên án bị cáo 8 năm 6 tháng tù. Tổng hợp cùng hình phạt 24 tháng của năm 2018, mức án chung bị cáo phải chịu là 10 năm 6 tháng.

Sau phiên tòa sơ thẩm, Nguyễn Thị Việt đã có đơn kháng cáo xét xử phúc thẩm.

Nỗi day dứt muộn màng của người đàn bà buôn “cái chết trắng”

Toàn cảnh phiên xử phúc thẩm Nguyễn Thị Việt.

Tại phiên tòa phúc thẩm trực tuyến do TAND tỉnh tổ chức vào sáng 5/4/2022, bị cáo Nguyễn Thị Việt nhiều lần rơi nước mắt khi nhắc đến hoàn cảnh của bản thân.

Trình bày với Hội đồng xét xử, Nguyễn Thị Việt thừa nhận mình đã mắc sai lầm quá lớn. Bị cáo biết rất rõ tác hại của ma túy đối với sức khỏe con người, là nguyên nhân gốc rễ phát sinh nhiều loại tội phạm nhưng vì đồng tiền, vì lợi nhuận, vẫn chấp nhận lầm đường lạc lối. Việt biện minh, hành vi phạm tội của bản thân xuất phát từ hoàn cảnh quá khó khăn.

“Bị cáo một mình nuôi 2 con, trong khi công việc buôn bán hàng online thu nhập thấp nên đã túng quá làm liều” - Việt nghẹn ngào.

Nỗi day dứt muộn màng của người đàn bà buôn “cái chết trắng”

Hội đồng xét xử tuyên án đối với bị cáo.

Không đồng tình với kẻ phạm tội, Hội đồng xét xử cho rằng, bị cáo có thể làm giàu chính đáng từ những việc làm được pháp luật cho phép. Việc mua bán trái phép ma túy không chỉ đẩy bản thân bị cáo vào con đường tù tội mà giờ đây, chính các con và người thân của bị cáo lại phải gánh chịu hậu quả từ lựa chọn sai lầm ấy. Bị cáo từng bị kết án về tội “Trộm cắp tài sản” và được hoãn chấp hành hình phạt do nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nay lại tiếp tục phạm tội. Điều đó thể hiện, dù được hưởng sự khoan hồng của pháp luật nhưng bị cáo không có ý thức cải tạo, giáo dục để trở thành công dân tốt.

Tuy nhiên, xét thấy Nguyễn Thị Việt có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị cáo thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, tòa tuyên Nguyễn Thị Việt 8 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”; tổng hợp hình phạt 24 tháng tù giam của năm 2018, buộc bị cáo chịu mức án chung là 10 năm tù giam.

Khi được chủ tọa phiên tòa hỏi về mức phán quyết cuối cùng, Nguyễn Thị Việt nhắn nhủ: “Chỉ vì cuộc sống khó khăn, bị cáo đã không vượt qua được cám dỗ của những đồng tiền phi pháp. Bị cáo sẽ cố gắng cải tạo tốt, mong hưởng sự khoan hồng của pháp luật để có thể trở về đoàn tụ với con cái, chuộc lại phần nào lỗi lầm…”.

Chủ đề Tòa tuyên án

Chủ đề Chuyện vụ án

Đọc thêm

Án mạng từ chuyện chiếc lưới bát quái

Án mạng từ chuyện chiếc lưới bát quái

Suốt phiên xử, bị cáo Trịnh Văn Sơn (trú huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) tỏ ra hối hận do không làm chủ được hành vi và mong được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về làm lại cuộc đời.
Bài 2: Thiết lập hệ thống ngăn chặn, bảo vệ vững chắc

Bài 2: Thiết lập hệ thống ngăn chặn, bảo vệ vững chắc

Người chưa thành niên trên cả nước cũng như ở Hà Tĩnh phạm tội đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn. Số lượng các vụ phạm tội do nhóm độ tuổi này gây ra đang có xu hướng gia tăng, đi kèm với đó là tính chất, mức độ nghiêm trọng. Để hạn chế thực trạng đáng buồn này, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của toàn xã hội.
Bài 1: Gia tăng số vụ và mức độ

Bài 1: Gia tăng số vụ và mức độ

Người chưa thành niên trên cả nước cũng như ở Hà Tĩnh phạm tội đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn. Số lượng các vụ phạm tội do nhóm độ tuổi này gây ra đang có xu hướng gia tăng, đi kèm với đó là tính chất, mức độ nghiêm trọng. Để hạn chế thực trạng đáng buồn này, đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của toàn xã hội.