Người dân dầm mình dưới nước để vớt bèo tây, kiếm thêm thu nhập.
Dầm mình dưới nước vớt bèo tây
Những ngày nông nhàn, bà Nguyễn Thị Vệ (tổ dân phố Hồng Vinh, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) có thêm một công việc để kiếm thêm thu nhập, đó là cùng các chị em có mặt tại sông Nghèn để vớt bèo tây (hay còn gọi bèo lục bình) .
Sau khi chặt bỏ gốc, lá, phần thân bèo được buộc lại thành từng bó to và chuyển lên bờ. Cuối mỗi buổi thu hoạch, thương lái sẽ đến thu mua và thanh toán tại chỗ với giá 60 nghìn đồng/tạ bèo tươi.
“Mỗi ngày chị em chúng tôi đi hái bèo có thể kiếm được từ 100 - 150 nghìn đồng/người. Có thêm thu nhập trong những ngày nông nhàn và dịch bệnh diễn biến phức tạp thế này khiến ai cũng phấn khởi”- bà Vệ bày tỏ.
Dù phải dầm mình dưới nước, có nơi ngập đến ngang bụng để vớt bèo nhưng vì đã quen với công việc này nên bà Vệ chỉ mất khoảng 30 phút đã cắt đầy một bó.
Bèo được chặt bỏ gốc, lá, phần thân buộc lại từng bó to trước khi chuyển lên bờ.
Số tiền công từ vớt bèo tây có thể giúp nhiều người dân đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày trong lúc bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hiện rất nhiều con sông, ao hồ trên địa bàn thị trấn Nghèn đều bị bèo tây phủ kín. Vì vậy, nhiều người dân còn bày tỏ niềm vui khi vừa có thể kiếm thêm thu nhập vừa làm lợi cho môi trường.
Chị Trần Thị Hiền (tổ dân phố Hồng Vinh, thị trấn Nghèn) cho biết: “Lâu nay bèo tây mọc dại trên các đồng ruộng làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của nhiều người. Đặc biệt, bèo tây còn là chỗ cho chuột bọ trú ngụ gây ô nhiễm nguồn nước, cây lúa... Vì vậy, ngoài có thêm thu nhập, chúng tôi còn giải quyết được nhiều vấn nạn từ loài thực vật xâm hại này”.
Bèo tây phơi khô được Công ty Xây dựng & Thương mại Huy Phong thu mua.
Bèo tây “xuất ngoại”
Là người trực tiếp đến tận các sông, hồ, đồng ruộng thu mua bèo tây từ bà con nông dân, đem về chế tác thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, anh Nguyễn Huy Anh (Công ty Xây dựng & Thương mại Huy Phong, huyện Cẩm Xuyên) cho biết, hoạt động này được anh triển khai từ nhiều năm nay.
Sau khi tìm hiểu, khảo sát các làng nghề truyền thống đan lát tại Ninh Bình, Nghệ An... anh Huy Anh quay trở về Hà Tĩnh để gây dựng một làng nghề sản phẩm thủ công từ bèo tây bởi quê nhà có sẵn nguồn nguyên liệu dồi dào.
Được đào tạo nghề, nhiều chị em phụ nữ tại Cẩm Xuyên, Can Lộc... đã làm ra những sản phẩm thủ công đẹp mắt, đáp ứng tiêu chuẩn.
Anh Huy Anh cho biết: Sau khi quyết định dùng bèo tây làm nguyên liệu cho các sản phẩm thủ công xuất khẩu chúng tôi đã tiến hành thu mua loại nguyên liệu này. Ở quê mình, bèo tây được xem như “kẻ thù” của người nông dân bởi diệt mãi không hết. Vì thế, khi công ty tiến hành thu mua thì nhận được sự ủng hộ của người dân và chính quyền địa phương, một số nơi còn chia sẻ ý tưởng sẽ khoanh trồng, giữ nguồn nguyên liệu để bán lâu dài.
Sau khi nhập bèo tây phơi khô, anh Huy Anh liên kết với một nghệ nhân ở Thanh Hóa đồng thời liên hệ với hội phụ nữ ở một số địa phương tại Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà... để bắt tay vào sản xuất các sản phẩm thủ công từ loại cây này.
Tưởng như vô dụng, bèo tây trở thành các mặt hàng rổ rá, khay đựng... có giá trị xuất khẩu.
Đây cũng là lần đầu tiên tại Hà Tĩnh cây bèo tây được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm rổ rá, khay đựng... xuất khẩu. Theo kế hoạch, 1 tuần nữa lô hàng đầu tiên là sản phẩm thủ công từ cây bèo tây ở Hà Tĩnh của công ty sẽ xuất khẩu sang Hàn Quốc thông qua một doanh nghiệp liên kết, hứa hẹn mở ra một lối đi mới cho nghề đan lát tại địa phương.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát thực tế và chào hàng tại các nước đang có nhu cầu sử dụng hàng thủ công mỹ nghệ làm từ thân bèo tây. Đồng thời sản xuất nhiều mẫu mã lạ, đẹp mắt để xuất khẩu, nhằm giới thiệu sản phẩm hàng Việt Nam tới nhiều quốc gia trên thế giới. Nếu thị trường xuất khẩu ổn định, chúng tôi mong sẽ nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, hội... để người dân Hà Tĩnh có thêm thu nhập lâu dài từ cây bèo tây” - anh Huy Anh bày tỏ.