Bèo tây “bức tử” bàu Bạc ở xã Sơn Bằng với chiều dài gần 2,5 km suốt nhiều năm nay ...
Hơn 7 năm nay, cuộc sống của hàng trăm hộ dân 3 thôn: Thanh Bằng, Trung Bằng và Thịnh Bằng ở xã Sơn Bằng (Hương Sơn) phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến phát triển nuôi trồng thủy sản do ruồi, muỗi, chuột phát triển, gây hôi thối vì bèo tây đặc kín cả bàu Bạc, kéo dài gần 2,5km.
...gây ô nhiễm môi trường và phát triển nuôi trồng thủy sản
Ông Nguyễn Đình Tùng – Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thịnh Bằng cho biết: Trước đây, bàu Bạc có nguồn nước trong xanh, người dân hàng ngày ra đây tắm, gặt... Ngoài ra, có 5 hộ dân ký hợp đồng với xã khoanh nuôi cá lồng bè, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, càng ngày bèo tây càng phát triển dày đặc; lớp bèo này sinh sôi, lớp khác chết thối rữa dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm, đục ngầu, hôi tanh... ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe của nhân dân và phát triển nuôi trồng thủy sản.
Việc xử lý bèo tây tại bàu Bạc rất được người dân đồng tình, hưởng ứng đóng góp kinh phí
“Thực trạng trên, hiện tại đã và đang được chính quyền xã Sơn Bằng triển khai xử lý nhằm trả lại nguồn nước trong xanh cho bàu Bạc, đảm bảo tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM, đồng thời phát triển kinh tế.
Không chỉ người dân thôn Thịnh Bằng chúng tôi mà người dân trên địa bàn xã đều rất hoan nghênh khi chính quyền địa phương giải quyết được tình trạng bèo tây tại đây ” – ông Tùng bày tỏ.
Sau hơn 1 tháng triển khai, bèo tây tại bàu Bạc cơ bản đã được xử lý
Hơn một tháng nay, tại bàu Bạc đơn vị thi công tập trung máy móc, nhân lực để xử lý bèo tây. Cho đến thời điểm này đã giải quyết được một lượng bèo tây khá lớn, với chiều dài gần 2 km.
Theo ông Phạm Kim Tuyến – Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bằng, tình trạng bèo tây phủ kín bàu Bạc nhiều năm nay chưa được xử lý là do ngân sách xã hạn hẹp, không có kinh phí để thực hiện. Sau khi đề xuất theo nguyện vọng của cử tri xã nhà, huyện đã hỗ trợ 150 triệu đồng từ nguồn xây dựng NTM về xử lý môi trường.
Ngoài ra, xã cũng giao cho Ủy ban MTTQ xã chủ trì đã và đang kêu gọi, vận động người dân và con em xa quê đóng góp số tiền 150 triệu đồng (đồng xử lý trị giá 300 triệu đồng). Mỗi người dân trong xã đóng góp từ 50 - 100 nghìn đồng, đến nay đã góp được gần 50 triệu đồng.
Bèo tây sau khi được vớt sẽ được tiến hành tiêu hủy làm sạch môi trường
“Hiện chính quyền địa phương đang tích cực giám sát, chỉ đạo nhà thầu huy động nhân lực tiếp tục vớt sạch bèo tây, có giải pháp tiêu hủy số lượng bèo khi đã được vớt lên, tạo cảnh quan, môi trường sạch, đẹp.
Dù chưa xử lý xong nhưng đã có nhiều hộ dân trong xã đăng ký để nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế tại bàu Bạcy” – ông Tuyến cho hay.