Nữ điều dưỡng người Hà Tĩnh hát động viên F0 trong bệnh viện dã chiến ở TP Hồ Chí Minh

(Baohatinh.vn) - Dù rất nhớ bố mẹ, thương con nhưng điều dưỡng Nguyễn Kim Phượng (SN 1993, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) vẫn quyết tâm tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 1 (TP Hồ Chí Minh). Lúc rảnh rỗi, cô mang tiếng hát của mình để tặng các F0 đang điều trị.

Clip: Nữ điều dưỡng Nguyễn Kim Phượng hát "Mẹ yêu" tặng các bệnh nhân F0. (Nguồn: Zing.vn)

Điều dưỡng Nguyễn Kim Phượng chia sẻ, bản thân cô là điều dưỡng tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (tiền thân là Bệnh viện Quận 2, TP Hồ Chí Minh). Sau khi thành phố bùng phát dịch, số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 tăng lên thì nữ điều dưỡng được điều chuyển sang Bệnh viện dã chiến số 1 tại ký túc xá của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Nữ điều dưỡng người Hà Tĩnh hát động viên F0 trong bệnh viện dã chiến ở TP Hồ Chí Minh

Kim Phượng đang tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 1 (TP Hồ Chí Minh).

Với số lượng bệnh nhân lớn, mỗi ngày, Kim Phượng và các đồng nghiệp cần xử lý một khối công việc “khổng lồ” như: lấy mẫu xét nghiệm; nếu bệnh nhân trở nặng, khó thở thì đặt oxy; bệnh nhân đã được chữa khỏi thì làm thủ tục xuất viện để tiếp tục tiếp nhận các bệnh nhân mới...

Để điều trị tốt nhất cho người bệnh, các cán bộ y tế luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm làm nghề.

“Ngay từ khi bước chân vào Bệnh viện dã chiến số 1, bản thân tôi đã tự nhủ phải luyện đi thật nhanh. Đừng bao giờ đi chậm. Trong môi trường đặc biệt, đang tiếp nhận và điều trị cho cả ngàn ca bệnh này, khi có bất cứ thông tin nào bất thường về bệnh nhân thì phải di chuyển thật nhanh. Nếu không nhanh người bệnh có thể chuyển biến nặng hơn...” - nữ điều dưỡng Kim Phượng cho biết.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, Kim Phượng gặp rất nhiều bệnh nhân COVID-19 có tinh thần lạc quan, vui vẻ nhưng cũng có những người ý thức kém, thường xuyên dùng lời lẽ nặng nề để xúc phạm các nhân viên y tế. Tuy nhiên, thay vì lấy đó làm buồn, nữ điều dưỡng sẽ gọi điện để giải thích cho bệnh nhân hiểu rằng: cố gắng điều trị là bảo vệ sức khỏe cho mình và những người xung quanh.

Mỗi khi bệnh nhân thiếu gì thì cô cùng đồng nghiệp sẽ mặc đồ bảo hộ mang đến tận giường bệnh, thậm chí sẵn sàng nhường đồ dùng hoặc phần ăn của mình cho bệnh nhân dùng trước.

Nữ điều dưỡng người Hà Tĩnh hát động viên F0 trong bệnh viện dã chiến ở TP Hồ Chí Minh

Mỗi ngày, Kim Phượng cùng các đồng nghiệp phải đối mặt với khối công việc “khổng lồ”.

Thế nhưng, điều làm Kim Phượng gặp khó khăn nhất là mỗi lần đi chuyển viện cho bệnh nhân hoặc chuyển mẫu xét nghiệm. Vì bị say xe nên cô thường rất mệt trong mỗi chuyến đi như vậy. Có khi Kim Phượng phải nhịn luôn bữa ăn vì chuyển bệnh nhân hoặc chuyển mẫu xét nghiệm quá giờ cơm.

Quay cuồng trong công việc là vậy, nhưng động lực để Kim Phượng tiếp tục cố gắng “chiến đấu” cùng các bệnh nhân COVID-19 chính là lời dặn của mẹ. Nữ điều dưỡng tâm sự: “Mẹ tôi từng động viên tôi cố gắng lên, những người khác làm được thì tôi cũng làm được. Đứa con sinh thiếu tháng của tôi cũng gửi về quê cho bố mẹ chăm bẵm, vì vậy, mẹ mong tôi không phải suy nghĩ gì để toàn tâm ý cho cuộc chiến chống dịch”.

Nữ điều dưỡng người Hà Tĩnh hát động viên F0 trong bệnh viện dã chiến ở TP Hồ Chí Minh

Các nhân viên y tế thường xuyên chia sẻ, động viên nhau, cùng bệnh nhân F0 chiến thắng bệnh tật.

Mỗi khi nhớ bố mẹ, chồng con, Kim Phượng thường hay hát để vơi đi nỗi nhớ nhà. Vì vậy, khi Bệnh viện dã chiến số 1 tổ chức ca nhạc, cô đã xung phong để hát tặng cho các bệnh nhân F0 đang điều trị. Tự nhận mình hát không hay, còn sai lời nhưng với cô đó còn là “liều thuốc tinh thần” tạo ra những giây phút thư giãn trong công việc.

“Nếu hỏi chúng tôi có mệt không, đúng là mệt, nhưng không vì thế mà được chùn bước, nản chí. Chúng tôi đã quyết tâm cùng bệnh nhân chiến thắng đại dịch thì chúng tôi sẽ làm được. Mong ngày bình yên sẽ sớm trở lại cùng tất cả chúng ta” - nữ điều dưỡng bộc bạch.

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.
Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Người Hà Tĩnh trên quê hương Bình Thuận

Trải qua 30 năm thành lập (1994-2024) dù ở đâu, làm việc gì, ở cương vị nào, những người con của Hà Tĩnh tại Bình Thuận cũng luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Nhà vô địch thế vận hội Lê Văn Công: “Tôi muốn tự làm đẹp cuộc đời mình”

Khép lại một năm thi đấu thành công, đô cử Lê Văn Công giữ vững vị thế thống trị ở hạng cân 49 kg xuyên suốt 7 kỳ ASEAN Para Games liên tiếp từ năm 2007 đến nay. Trong niềm vui đón xuân mới, người đàn ông được mệnh danh là “lực sĩ thép” đặt ra những mục tiêu tiếp tục được khẳng định mình và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Những “cánh chim bằng” ở hai ngôi trường bách khoa nổi tiếng

Trong những ngày mùa đông phương Nam nắng mưa khoan nhặt, chúng tôi đã có dịp gặp hai “cánh chim bằng” người Hà Tĩnh, là thủ lĩnh những ngôi trường bách khoa ở 2 đầu đất nước. Đó là GS.TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội và PGS.TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh.
Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết Việt trong lòng người Hà Tĩnh xa quê

Tết cổ truyền luôn là dịp lễ trọng đại và thiêng liêng để những người Việt sống, lao động, học tập trên khắp thế giới nói chung và những người con Hà Tĩnh xa quê nói riêng hướng lòng mình về quê cha đất tổ.