Gia đình 4 thế hệ đam mê ví, giặm

Tình yêu với câu hát ngàn đời của quê hương được trao truyền, gìn giữ qua 4 thế hệ để cùng nhau phát huy giá trị di sản văn hóa của quê hương, đó là gia đình Nghệ nhân ưu tú Phạm Thế Nhuần và Nghệ nhân nhân dân Vũ Thị Thanh Minh ở xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên).

Gia đình 4 thế hệ đam mê ví, giặm

Trong căn nhà của vợ chồng Nghệ nhân ưu tú Phạm Thế Nhuần (SN 1950) - Nghệ nhân nhân dân Vũ Thị Thanh Minh (SN 1954) ở thôn Mỹ Sơn - xã Cẩm Mỹ, bức ảnh đen trắng chụp tập thể Đoàn Văn công Nhân dân Hà Tĩnh những năm 70 của thế kỷ trước được treo trang trọng cùng rất nhiều bằng khen, giấy chứng nhận thành tích hoạt động nghệ thuật của các thế hệ.

Nghệ nhân Thanh Minh cho biết: “Bức ảnh là kỷ vật vô cùng quý giá đối với gia đình tôi. Cha tôi là biên đạo múa Vũ Minh Ngọc và em gái của ông - bà Vũ Minh Hoa đều là diễn viên của đoàn, cùng có mặt trong tấm hình kỷ niệm. Họ cũng là những người đầu tiên trong gia đình tôi đến với nghệ thuật chuyên nghiệp, trở thành nguồn cảm hứng, động lực cho các thế hệ sau chuyên tâm cùng câu hát”.

Gia đình 4 thế hệ đam mê ví, giặm

Gia đình Nghệ nhân Thanh Minh - Thế Nhuần có nhiều thế hệ cùng làm nghệ thuật.

Trong dòng hồi ức về truyền thống nghệ thuật của gia đình, nghệ nhân Thanh Minh kể rằng, cụ Võ Minh Ngọc (cha đẻ nghệ nhân Thanh Minh) là người rất đa tài và đặc biệt đam mê nghệ thuật múa. Năm 1961-1962, khi cuộc sống còn khó khăn, vất vả, chiến tranh ác liệt, cụ vẫn đạp xe ra tận Hà Nội để “tầm sư học đạo” nghệ thuật múa chuyên nghiệp.

Sau khi học xong, cụ tham gia đội tuyên truyền văn hóa lưu động của Hà Tĩnh. Năm 1959, Đoàn Văn công Nhân dân Hà Tĩnh được thành lập, cụ Minh Ngọc chính thức trở thành biên đạo múa của đoàn. Cụ đã cùng các đồng nghiệp đi khắp các chiến trường, hậu phương để biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân, cổ vũ tinh thần đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước.

Em gái cụ Minh Ngọc là bà Võ Minh Hoa (cô ruột nghệ nhân Thanh Minh) cũng là diễn viên của Đoàn Văn công Nhân dân Hà Tĩnh. Năm 1965, bà Minh Hoa có được niềm vinh dự lớn lao khi cùng với một số nghệ sỹ biểu diễn tại Phủ Chủ tịch cho Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước xem.

Gia đình 4 thế hệ đam mê ví, giặm

Nghệ nhân Thế Nhuần - Thanh Minh cùng nhau gắn bó qua nhiều vai diễn trên sân khấu.

May mắn sinh ra trong gia đình có truyền thống đó, niềm đam mê nghệ thuật dường như đã ngấm vào máu thịt của nghệ nhân Thanh Minh. Từ nhỏ, nghệ nhân đã theo chân cha trong từng buổi tập; mỗi kỳ nghỉ hè lại rong ruổi theo đoàn văn công đi biểu diễn ở nhiều địa phương. Hầu hết những bài hát, những tác phẩm kịch mà đoàn tập luyện và biểu diễn, cô bé Thanh Minh đều thuộc và hát theo rất duyên dáng, nhập tâm. Nhận thấy những tố chất đó, lãnh đạo Đoàn Văn công đã quyết định nhận cô vào đoàn. Năm đó, cô vừa tròn 16 tuổi.

Nhân duyên đã để cho nghệ nhân Thanh Minh gặp gỡ và nên duyên chồng vợ cùng nghệ nhân Phạm Thế Nhuần. Dù không có nhiều người thân theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp như vợ mình nhưng nghệ nhân Thế Nhuần cũng được sinh ra, lớn lên trong những làn điệu dân ca sâu lắng, lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ. Bằng tài năng và đam mê cháy bỏng với từng câu hát, dù là kỹ sư ngành giao thông vận tải, ông Nhuần vẫn miệt mài tìm hiểu, thực hành các làn điệu dân ca ví, giặm.

Gia đình 4 thế hệ đam mê ví, giặmNghệ sỹ Công Hoàn - Phương Thảo và con gái đều tiếp nối truyền thống nghệ thuật của gia đình

Tình yêu và niềm đam mê ca hát của các thế hệ cha ông đã được truyền lại vẹn nguyên cho thế hệ con cháu trong gia đình. Hai con trai của ông bà là anh Phạm Công Hoàn (SN 1982), Phạm Công Định (SN 1990) và con dâu Trần Thị Phương Thảo (SN 1985 - vợ anh Phạm Công Hoàn) hiện là diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh. Đây là những nghệ sỹ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật tỉnh nhà. Cháu Phạm Trần Linh Đan (SN 2011 - con gái nghệ sỹ Công Hoàn - Phương Thảo) còn nhỏ tuổi nhưng đã bộc lộ tố chất nghệ thuật. Linh Đan thường xuyên tham gia biểu diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật tại các sự kiện trong tỉnh; nhiều lần được đứng chung sân khấu với ông bà, bố mẹ mình.

Nghệ nhân Thanh Minh chia sẻ: “Nhìn các cháu theo nghiệp của ông bà, cha mẹ và hoạt động nghệ thuật một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp, vợ chồng tôi rất tự hào. Đó cũng là cách chúng tôi hướng về nguồn cội, phát huy truyền thống văn hóa của gia đình”.

Gia đình 4 thế hệ đam mê ví, giặm

Bên cạnh việc nổi danh với truyền thống nghệ thuật của gia đình, câu chuyện tình yêu đẹp, gắn liền với những câu hò, điệu ví của vợ chồng nghệ nhân Thế Nhuần - Thanh Minh cũng được nhiều người trong giới nghệ sĩ nhắc đến với sự yêu mến, ngưỡng mộ.

Clip: Nghệ nhân Thanh Minh biểu diễn.

Năm 1977, vợ chồng nghệ nhân có duyên gặp gỡ khi bà đang là diễn viên của Đội Thể nghiệm dân ca Nghệ Tĩnh, còn ông Nhuần là cán bộ Công ty Vật tư thiết bị (Bộ GTVT) Chi nhánh Vinh (Nghệ An). Vì mê lời ca, tiếng hát, đồng cảm với nhau mà tối tối, ông lại đến đoàn hát để được xem bà tập luyện, biểu diễn và giao lưu văn nghệ. Tình yêu đôi lứa lớn dần theo tình yêu của những câu hò, điệu ví. Năm 1979, ông bà nên duyên chồng vợ.

Để góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, bà Thanh Minh cùng các đồng nghiệp của mình đã đạp xe rong ruổi khắp các địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh để sưu tầm lời cổ, phát hiện nhân tố tuyển sinh cho đội. Ông Nhuần dù bận việc chuyên môn nhưng luôn hỗ trợ vợ sưu tầm, ghi chép các làn điệu cổ. Ông cũng không ngại trở thành “học trò” để được bà chỉ dạy kiến thức và kỹ thuật hát dân ca. Cứ như thế, ông bà luôn kề vai sát cánh bên nhau, nuôi dạy con cái trưởng thành và sống hết mình với đam mê.

Gia đình 4 thế hệ đam mê ví, giặm

Vợ chồng nghệ nhân “đồng lòng” nuôi câu hát.

Sự nghiệp của bà ghi dấu trong lòng khán giả bằng những vai chính trong các vở diễn vang bóng một thời như: Đốm lửa núi Hồng, Cô Tám, Hoa đất, Mai Thúc Loan, Trắng hoa mai, Bão táp Kỳ Hoa... “Những vai diễn không chỉ đem lại cho tôi nhiều huy chương trong các hội diễn mà còn là cơ hội để tôi được đứng trên sân khấu biểu diễn phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bà con nhân dân các tỉnh, thành trên cả nước, góp phần lan tỏa giá trị của nghệ thuật truyền thống quê nhà” - nghệ nhân Thanh Minh chia sẻ.

Sau năm 1990, hai vợ chồng Thế Nhuần - Thanh Minh nghỉ hưu, trở về quê hương Cẩm Mỹ sinh sống, tích cực tham gia hoạt động văn nghệ quần chúng. Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông bà vẫn luôn gắn bó với nhau như hình với bóng cả trong đời sống hằng ngày lẫn trên sân khấu. Nếu như bà Thanh Minh mang đến cho khán giả giọng hát hay, nét diễn trẻ trung, duyên dáng thì ông Thế Nhuần cũng được biết đến là một người tài hoa, đàn ngọt, thổi sáo hay trong các liên hoan nghệ thuật không chuyên.

Gia đình 4 thế hệ đam mê ví, giặm

Nghệ nhân Thanh Minh biểu diễn trên sân khấu trò Kiều.

Năm 2012, khi dân ca ví, giặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, CLB Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ cũng chính thức được ông bà thành lập. Từ 8 thành viên ban đầu, đến nay, CLB đã có hàng chục thành viên. CLB thường xuyên tham gia biểu diễn tại nhiều sân khấu chuyên và không chuyên trong và ngoài tỉnh; gặt hái nhiều giải thưởng tại các cuộc thi hát dân ca. Ông bà cũng mở lớp dạy miễn phí dân ca cho nhiều thế hệ con em trong vùng ngay tại nhà mình.

Video: CLB Dân ca Cẩm Mỹ biểu diễn dân ca ví, giặm.

Với người làm nghệ thuật, đam mê là yếu tố quan trọng nhất, nhưng đam mê thôi thì chưa đủ, bởi như nghệ nhân Thế Nhuần chia sẻ “Có thực mới vực được đạo, cũng phải có tiền mới duy trì, nuôi lớn được đam mê”. Hầu hết kinh phí các buổi tập; phục trang, đạo cụ biểu diễn của CLB đều do ông bà bỏ tiền túi. Đồng lương hưu eo hẹp không đủ trang trải, ông bà đã mạnh dạn vay vốn đầu tư làm trang trại để có thu nhập cho gia đình và chuyên tâm cho niềm đam mê ca hát của mình. “Làm kinh tế để nuôi câu hát” là cách mà nghệ nhân Thanh Minh gọi tên những nỗ lực của hai vợ chồng khi tuổi đã xế chiều.

Gia đình 4 thế hệ đam mê ví, giặm

Nghệ nhân Thanh Minh trong buổi đón nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.

Với những đóng góp cho việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản, năm 2012, ông bà được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Huy chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian. Năm 2015, bà Thanh Minh được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Ông Thế Nhuần cũng được phong tặng danh hiệu này vào năm 2019. Niềm vui lớn tiếp tục đến với gia đình khi tháng 9/2022, nghệ nhân Thanh Minh được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân.

“Với chúng tôi, những phần thưởng cao quý này là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, hồn cốt của dân tộc. Vợ chồng tôi vẫn nhắc nhau, răn dạy cháu con phải đem hết tài năng, tâm huyết của mình, cùng nhau đồng lòng “nuôi câu hát” dân ca cho đời sau” - Nghệ nhân nhân dân Thanh Minh chia sẻ.

Gia đình 4 thế hệ đam mê ví, giặm

thiết kế: công ngọc

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast