Nguyễn Công Trứ và những giá trị bất hủ

(Baohatinh.vn) - Nguyễn Công Trứ là nhân vật kiệt xuất của lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX. Tuy sinh ra tại Thái Bình nhưng năm 10 tuổi, Nguyễn Công Trứ theo gia đình về sống tại quê cha - Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Từ nhỏ, Nguyễn Công Trứ đã bẩm thụ linh khí của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, sớm tỏ ra thông minh, dĩnh ngộ.

Nguyễn Công Trứ và những giá trị bất hủ

Tượng thờ Nguyễn Công Trứ tại đền thờ ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình

Trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XIX, khi nhà Nguyễn đang tích cực củng cố địa vị thống trị của mình, xã hội có vẻ ổn định, Nguyễn Công Trứ hăm hở dùi mài kinh sử để hiển đạt khoa danh. Mặc dù học giỏi, tài cao nhưng con đường khoa cử của ông rất lận đận, mãi đến năm 41 tuổi (1819), ông mới thi đậu Giải nguyên và được bổ đi làm quan vào năm Minh Mệnh thứ nhất (1820) với chức Hành tẩu ở Quốc sử quán và thăng đến chức cao nhất là Tham tán đại thần, Thượng thư Bộ Binh kiêm Tổng đốc Hải An. Sau nhiều lần thăng giáng, năm 1845, Nguyễn Công Trứ làm Chủ sự Bộ hình, năm sau làm quyền Án sát Quảng Ngãi, rồi đổi ra làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên, rồi năm 1847, thăng ông làm Phủ doãn phủ ấy. Cũng năm này, Nguyễn Công Trứ xin về hưu, nhưng Thiệu Trị không cho. Năm 1848, Tự Đức nguyên niên, ông mới được về hưu hẳn.

Như ông từng tự đánh giá, cuộc đời ông là cả một quá trình phấn đấu lâu dài, rất đỗi hào hùng nhưng cũng gặp nhiều thăng trầm, gian nan, cay đắng. 29 năm làm quan của ông trải qua 4 triều vua, 6 lần thăng giáng, hơn 50 lần đổi bổ, sai phái. Khi thăng, lên đến tổng đốc, thượng thư; khi giáng, đến mức bị cách hết mọi chức tước chỉ làm anh lính thú. Tuy nhiên, với một bản lĩnh phi thường và một tinh thần lạc quan hiếm thấy, ông đã kiên cường vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn để tỏ rõ tấm lòng trung trinh, nhân cách thanh cao, đem hết tài năng tận lực phục vụ quốc gia, dân tộc. Con người ông, dù trên bất cứ phương diện nào của cuộc sống, trong bất cứ giai đoạn, hoàn cảnh nào của cuộc đời; khi làm đại tướng không lấy làm vinh, khi làm lính không lấy làm nhục, khi còn phục vụ cho triều đình hay khi đã về hưu hưởng thụ cuộc vui “thảnh thơi thơ túi rượu bầu”, ông đều sống hết mình, đạt đến cực hạn của bản thân.

Khác với nhiều quan chức thời bấy giờ, Nguyễn Công Trứ là con người đa tài, cuộc đời đa đoan và có một sự nghiệp đa diện. Ông là một nhà chính trị giỏi, nhà quân sự thao lược, nhà kinh tế tài năng và là nhà văn hóa lớn. Trên tất cả các phương diện hoạt động xã hội của mình, Nguyễn Công Trứ đều lập được những công tích lớn, có những đóng góp sáng giá không chỉ cho đương thời mà còn để lại di sản quý giá cho đời sau.

Nguyễn Công Trứ và những giá trị bất hủ

Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đền thờ Nguyễn Công Trứ tại huyện Nghi Xuân (Ảnh: Đậu Hà)

Về chính trị, Nguyễn Công Trứ là một ông quan thực sự “phụ mẫu chi dân”, hết lòng “bảo quốc an dân”. Ông đề nghị “đặt nhà học” cho con em nhân dân được học hành “đặt xã thương” ở các làng để quản lý thóc gạo, “khi nào giá cao thì bán, giá hạ thì mua, gặp lúc thủy hạn bất thường, đem thóc chiếu cấp cho từng người, năm nào được mùa sẽ theo số đã cấp thu lại để chứa trữ”... Ông tố cáo “cái hại cường hào làm cho đến nỗi con mất cha, vợ mất chồng, tính mệnh phải thiệt hại, tài sản phải sạch không” và đề nghị triều đình “trị tội rất nặng”...

Về quân sự, Nguyễn Công Trứ là vị văn võ toàn tài, không chỉ tinh thông thao lược mà còn thấm nhuần đạo làm tướng. Ông xông tên đột pháo đánh dẹp từ Bắc chí Nam cũng vì mục đích “bảo quốc an dân”. Ông lập công đầu trong việc dẹp loạn Lê Duy Lương, Phan Bá Vành, Nùng Văn Vân; tích cực tiễu trừ giặc cướp vùng Quảng Yên khi làm Tổng đốc Hải An; dẹp loạn Chân Lạp, đập tan ý đồ xâm lược của Xiêm La. Những hiển hách của ông không chỉ “làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ” mà chủ yếu là “thượng vị quốc, hạ vị dân”.

Về kinh tế, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã chứng tỏ tài năng, tâm huyết của mình trong việc lãnh đạo nhân dân quai đê lấn biển, dẫn thủy nhập điền để khai hoang phục hóa mở ra một vùng đất rộng lớn phía Đông Nam châu thổ sông Hồng từ Nam Định, Thái Bình đến Ninh Bình. Công cuộc dinh điền của ông gắn liền với việc dẹp loạn. Sau khi trực tiếp cầm quân đánh dẹp cuộc nổi dậy của Phan Bá Vành, ông biết rõ sở dĩ dân bị xúi giục nổi loạn là do “bần cùng sinh đạo tặc” và ông đã dâng sớ tâu rõ với triều đình, xin được ở lại khẩn hoang, chiêu dân lập ấp để ổn định cuộc sống cho loạn dân. Nghĩa là đối với ông, “dinh điền” hay đánh dẹp cũng chỉ vì mục đích yên dân.

Nguyễn Công Trứ và những giá trị bất hủ

Đền thờ Nguyễn Công Trứ được xây dựng tại xã Quang Thiện- Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình (Ảnh: Đậu Hà)

Về văn hóa, từ lúc xuất chính cho đến khi đã nghỉ hưu, dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nhiệm vụ gì, ông đều quán triệt một cương lĩnh trị nước đã được manh nha từ Thái bình thập sách:

Giữ lòng trung ái,

Chăm đạo dâu con,

Phát triển nông trang,

Trừ bỏ dị đoan,

Sửa đổi phong tục,

Thanh thải tham tàn,

Tiến cử tài đức,

Giữ nghiêm luật lệ.

Những mục tiêu chính trị nói trên, tự nó đã là những mục tiêu văn hóa - xã hội. Hay nói cách khác, chính trị, việc trị nước, trị dân của bộ máy nhà nước, theo Nguyễn Công Trứ là phải mang bản chất văn hóa. Không chỉ bằng các hành vi chính trị mà trong thơ văn của mình, dù là thơ tỏ chí, thơ phê phán thói đời hay thơ hành lạc, trực tiếp hoặc gián tiếp, Nguyễn Công Trứ đều có ý thức giáo hóa người đời, răn dạy mọi người. Về mặt văn chương, Nguyễn Công Trứ có những đóng góp nổi bật cho sự phát triển của dân tộc. Có thể nói, ông là người sáng tác ca trù nhiều nhất, có nhiều tác phẩm hay nhất và do đó cũng là người có công lớn nhất trong việc hoàn thiện thể thơ hát nói. Vì vậy, các nhà nghiên cứu sau này đã xưng tụng Nguyễn Công Trứ là “ông hoàng hát nói”.

Dù thi thố tài năng ở bất cứ lĩnh vực nào, Nguyễn Công Trứ cũng đều hướng đến một mục đích duy nhất: “Trên vì nước, dưới vì dân”. Di sản phong phú mà Nguyễn Công Trứ để lại chứa đựng nhiều giá trị to lớn mà các đời sau khai thác, phát huy không bao giờ hết.

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Chủ đề KỶ NIỆM NGÀY SINH DANH NHÂN NGUYỄN CÔNG TRỨ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast