Ông Biden rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng: 'Thay tướng' sẽ đổi vận?

Trong bối cảnh chỉ còn hơn 3 tháng trước ngày bầu cử, việc Tổng thống Biden bất ngờ rút lui cũng đang đặt phe Dân chủ vào tình thế rất khó khăn và bị động.

Phó Tổng thống Kamala Harris (trái) ca ngợi Tổng thống Joe Biden (phải) đã đưa ra quyết định “mang tinh thần yêu nước,” đồng thời tuyên bố sẽ giành được đề cử của đảng Dân chủ và đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới. (Ảnh: White House/TTXVN)
Phó Tổng thống Kamala Harris (trái) ca ngợi Tổng thống Joe Biden (phải) đã đưa ra quyết định “mang tinh thần yêu nước,” đồng thời tuyên bố sẽ giành được đề cử của đảng Dân chủ và đánh bại ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới. (Ảnh: White House/TTXVN)

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 tiếp tục chứng kiến một khúc cua đầy bất ngờ nữa sau khi Tổng thống Joe Biden vào rạng sáng 22/7 (theo giờ Hà Nội) chính thức tuyên bố chấm dứt nỗ lực tái tranh cử nhiệm kỳ 2, đồng thời ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris thay ông gánh vác trọng trách “người thuyền trưởng” chèo lái con thuyền của đảng Dân chủ trong cuộc đua với ứng cử viên tổng thống bên phía đảng Cộng hòa Donald Trump.

Tuyên bố được ví như cú sốc mới nhất trong một chiến dịch bầu cử tổng thống mà cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều coi là quan trọng nhất trong nhiều thế hệ.

Trong lịch sử bầu cử Mỹ, chưa có bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào được coi là cầm chắc tấm vé đại diện cho đảng lại rút lui khỏi cuộc đua ở thời điểm cận ngày bỏ phiếu đến như vậy.

Trường hợp tương tự gần nhất là Tổng thống Lyndon Johnson vào tháng 3/1968.

Theo điều lệ của Ủy ban toàn quốc đảng Dân chủ, các đại biểu cam kết bầu cho ông Biden trong chiến dịch bầu cử sơ bộ giờ đây có thể bỏ phiếu cho bất kỳ ứng cử viên nào tại Đại hội toàn quốc diễn ra từ ngày 19-22/8 ở thành phố Chicago.

Thậm chí, các đại biểu có thể bầu ứng cử viên tổng thống ngay khi đảng Dân chủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc vào ngày 7/8 tới.

Giám đốc Trung tâm Chính trị thuộc Đại học Virginia, ông Larry Sabato, đánh giá điểm mấu chốt là đảng Dân chủ cần khẩn trương tìm được một gương mặt thay thế và người đó phải cho thấy rõ khả năng thách thức và đánh bại ứng cử viên Donald Trump. Đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Theo báo The Hill, Phó Tổng thống Kamala Harris hiện là ứng cử viên “sáng” nhất do bà được đích thân Tổng thống Biden tiến cử, được hàng loạt nhà lập pháp và quan chức cấp cao đảng Dân chủ ủng hộ, lại nằm trong danh sách ứng cử viên chiến thắng hồi năm 2020 và là người nhận được hàng triệu phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử sơ bộ năm nay.

Bên cạnh đó, bà đã bền bỉ vận động tranh cử trong nhiều tháng tại các bang chiến địa, và một điều vô cùng quan trọng, bà là ứng cử viên duy nhất có thể tiếp cận nguồn tài chính mà chiến dịch tranh cử đảng Dân chủ đã tích lũy được.

Chỉ vài giờ sau quyết định rút lui của ông Biden, êkíp tranh cử của đảng Dân chủ đã nhận được thêm hơn 5 triệu USD tài trợ. Đó là một tín hiệu lạc quan, một sự khích lệ rất lớn đối với đảng Dân chủ trong một cuộc đua mà họ luôn bị dẫn điểm và giờ đây lại “thay tướng giữa trận tiền” vào phút chót.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chỉ còn hơn 3 tháng trước ngày bầu cử, việc Tổng thống Biden bất ngờ rút lui cũng đang đặt phe Dân chủ vào tình thế rất khó khăn và bị động.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (thứ 2, trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris (thứ 2, phải) chứng kiến sự kiện pháo hoa mừng Ngày Độc lập ở Washington DC., ngày 4/7/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Joe Biden (thứ 2, trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris (thứ 2, phải) chứng kiến sự kiện pháo hoa mừng Ngày Độc lập ở Washington DC., ngày 4/7/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Dư luận báo giới Mỹ nhận định Phó Tổng thống Harris chưa chắc đã được lựa chọn làm ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, một phần vì tỷ lệ tín nhiệm của bà trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây không tốt hơn đáng kể so với ông Biden, một phần vì những thành tích không quá nổi bật của bà trong hơn 3 năm qua trên cương vị "phó tướng" của Tổng thống Biden.

Các chính khách hàng đầu của đảng Dân chủ như cựu Tổng thống Barack Obama, cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer cũng tỏ ý hoài nghi khả năng bà Harris có thể chiến thắng trước ông Trump.

Trong khi đó, những ứng cử viên khác như các thống đốc Gretchen Whitmer (bang Michigan), Josh Shapiro (bang Pennsylvania) và Gavin Newsom (bang California) lại chưa có đủ uy tín thực tế cũng như tính chính danh để tập hợp nội bộ đảng Dân chủ thành một khối thống nhất như bộ đôi Biden-Harris hồi năm 2020.

Giáo sư Allan Lichtman tại Đại học Mỹ, người đã dự đoán chuẩn xác kết quả của 9 trên 10 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần nhất, đánh giá việc đảng Dân chủ “thay ngựa giữa dòng” quá muộn không khác gì hành động "tự bắn vào chân mình."

Ông Lichtman chỉ ra rằng trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ từ đầu thế kỷ XX đến nay, tất cả các trường hợp mà đảng cầm quyền quyết định thay Tổng thống đương nhiệm bằng một ứng cử viên khác cuối cùng đều dẫn đến thất bại.

Diễn biến bất ngờ từ phía đảng Dân chủ có lẽ cũng sẽ khiến đảng Cộng hòa và ứng cử viên Donald Trump phải điều chỉnh chiến dịch tranh cử.

Trao đổi với tổ hợp truyền thông CNN ngay sau khi Tổng thống Biden tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua, cựu Tổng thống Trump khẳng định ông vẫn có trọn niềm tin đánh bại người thay thế ông Biden, bao gồm cả bà Harris.

Tuy nhiên, ứng cử viên Trump thừa nhận đội ngũ tranh cử của ông, vốn nhiều năm qua chỉ tập trung xây dựng các chiến lược đối đầu và đánh bại Tổng thống Biden, đang xem xét một số thay đổi mang tính chiến thuật để thích ứng với tình hình mới.

Giới phân tích cho rằng sau quyết định rút lui đầy quả cảm của Tổng thống Biden, giờ là lúc đảng Dân chủ phải nhanh chóng có phương án thay thế. Đảng Dân chủ còn đủ thời gian, có đủ danh sách ứng cử viên chất lượng để làm cho quá trình bầu cử trở nên hấp dẫn và kịch tính hơn. Bất cứ ai bước ra khỏi Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ ở Chicago với tư cách là ứng cử viên tổng thống cũng sẽ mang tới một làn gió mới, mang theo niềm hy vọng “thay tướng đổi vận.”

Bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 đang bước vào giai đoạn nước rút, các diễn biến mới sẽ khiến cuộc đua năm nay thêm thú vị và tiềm ẩn nhiều bất ngờ.

Đảng Cộng hòa và ông Donald Trump đang nắm ưu thế nhỏ, song có lẽ mọi kịch bản đều có thể xảy ra trong “Ngày phán quyết” 5/11 tới.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.