Ông Macron không cho Thủ tướng Attal từ chức giữa khủng hoảng chính trị

Tổng thống Emmanuel Macron đã từ chối đơn từ chức của Thủ tướng Gabriel Attal trong ngày 8-7, nhằm cố gắng duy trì sự ổn định sau cuộc bầu cử Quốc hội đưa nước Pháp vào tình thế bế tắc chính trị.

Ông Macron bác đơn từ chức của Thủ tướng Pháp Gabriel Attal (trái) - Ảnh: AFP
Ông Macron bác đơn từ chức của Thủ tướng Pháp Gabriel Attal (trái) - Ảnh: AFP

Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) đã giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bỏ phiếu vòng hai của Quốc hội trong ngày 7-7, đánh bại các đảng trung dung của ông Macron và Đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen.

Tuy nhiên, không nhóm nào nắm giữ đa số tuyệt đối và chưa có ứng viên cho vị trí thủ tướng.

Nhiều người ở Pháp cảm thấy nhẹ nhõm trước kết quả này, thể hiện qua đám đông tập trung tại Paris để ăn mừng.

Thách thức mới

Theo Hãng tin AFP, vấn đề lúc này là đàm phán để thành lập chính phủ mới, trong khi chỉ còn 3 tuần nữa là Paris đăng cai Thế vận hội.

Thủ tướng Gabriel Attal đã nộp đơn từ chức lên Tổng thống Macron, nhưng được yêu cầu ở lại với vai trò tạm quyền để đảm bảo sự ổn định và trấn an cộng đồng quốc tế, cũng như thị trường rằng Pháp vẫn có chính phủ.

Văn phòng của ông Macron cho biết, tổng thống đã cảm ơn ông Attal vì đã lãnh đạo liên minh trung dung trong các cuộc bầu cử châu Âu và lập pháp, và yêu cầu ông ở lại "tạm thời để đảm bảo sự ổn định của đất nước".

Lãnh đạo Đảng Xã hội Olivier Faure cho biết các đảng liên minh của NFP sẽ chọn một ứng cử viên để thay thế ông Attal, "bằng đồng thuận hoặc bằng bầu cử", trong tuần này.

Lo ngại khủng hoảng kinh tế

Trong bối cảnh lo ngại về tác động tài chính của khủng hoảng chính trị ở nền kinh tế lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU), Nghiệp đoàn các tập đoàn giới chủ của Pháp (MEDEF) kêu gọi bất kỳ chính phủ mới nào cũng cần đưa ra "chính sách kinh tế rõ ràng và ổn định".

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P cảnh báo rằng điểm tín nhiệm của Pháp sẽ "chịu áp lực" nếu Paris không giảm thâm hụt ngân sách công, chỉ chưa đầy hai tháng sau khi bị hạ bậc xếp hạng lần gần nhất vào tháng 6.

Khi đó, S&P hạ mức xếp hạng tín nhiệm của nước Pháp từ "AA" xuống "AA-". Lý do được đưa ra là vị thế ngân sách của Pháp suy giảm.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2013, S&P hạ bậc xếp hạng tín nhiệm với nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu.

Phản ứng quốc tế

Các đối tác EU của Pháp thở phào nhẹ nhõm khi phe cực hữu của bà Le Pen không lên nắm quyền.

Nếu phe cực hữu giành chiến thắng, điều này có thể đe dọa tính hội nhập châu Âu và sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với báo giới rằng ông "cảm thấy nhẹ nhõm" và hy vọng "tổng thống và các nghị sĩ được bầu sẽ thành lập một chính phủ mang tính xây dựng".

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga thích chiến thắng của một đảng "sẵn sàng nỗ lực để khôi phục quan hệ song phương của các bên", nhưng giờ đây không có "hy vọng đặc biệt nào về vấn đề này".

tuoitre.vn

Đọc thêm

Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Suốt nhiều năm qua, các cơ quan chống khủng bố ví việc theo sát các tổ chức khủng bố trên không gian số và mạng xã hội như một trò “đuổi bắt bất tận” – xử lý xong chỗ này thì chỗ khác lại nổi lên. Vấn đề này ngày càng rối rắm do sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI).
Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Trước thời điểm ngày 1/8 - mốc áp thuế mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra - nhiều quốc gia châu Á và Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút đàm phán với Mỹ nhằm tránh các mức thuế quan cao kỷ lục có thể “giáng đòn” mạnh vào xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hezbollah tuyên bố không giải giáp

Hezbollah tuyên bố không giải giáp

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 5/7, Tổng thư ký nhóm vũ trang Hezbollah Sheikh Naim Qassem đã bác bỏ lời kêu gọi của Chính phủ Liban về việc giải trừ vũ khí, đồng thời ông cũng kêu gọi Israel rút khỏi lãnh thổ nước này.