“Rõ ràng, yếu tố tiêu cực chính đối với nền kinh tế gần đây là áp lực trừng phạt bổ sung từ các nước phương Tây”, Tổng thống Vladimir Putin ngày 18/4 nói tại một cuộc họp về các vấn đề kinh tế xã hội của Nga. “Nhưng chúng tôi có thể tự tin nói rằng chính sách này đối với Nga đã thất bại. Chiến lược kinh tế chớp nhoáng đã thất bại”.
“Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt còn tác động tới chính những người khởi xướng ra chúng”, ông cho biết thêm. “Tôi muốn nói đến vấn đề gia tăng lạm phát và thất nghiệp, đà suy giảm động lực kinh tế ở Mỹ và các nước châu Âu, thực trạng suy giảm mức sống ở châu Âu hay tình trạng mất giá tiền tiết kiệm của họ”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự một cuộc họp trực tuyến với các thành viên chính phủ hôm 23/3. Ảnh: Reuters.
Cùng lúc, theo Tổng thống Putin, tình hình nền kinh tế Nga đang ổn định với việc tỷ giá đồng ruble quay trở lại mức hồi đầu tháng hai. “Nga đã chống đỡ được áp lực chưa từng có này”, ông chủ Điện Kremlin tuyên bố.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng thừa nhận giá tiêu dùng ở Nga đã tăng mạnh, lên đến 17,5% vào tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Ông đã chỉ đạo chính phủ lập chỉ số tiền lương và lên phương án các khoản thanh toán khác để giảm bớt tác động của lạm phát đối với thu nhập.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ đã dẫn dắt các đồng minh áp nhiều vòng trừng phạt với Nga, như loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu nhiều nguồn hàng từ Nga và bỏ quy chế tối huệ quốc với nước này. Mỹ cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga.
Nga đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022. Moskva cũng yêu cầu các nước “không thân thiện” phải mua năng lượng Nga bằng đồng ruble và có thể mở rộng thêm các mặt hàng phải giao dịch bằng đơn vị tiền tệ này.