Số lượng xe ôtô con nhập khẩu tăng gấp 3 lần so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái. |
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 1/2017, Việt Nam nhập khẩu tổng cộng hơn 4.900 ôtô, giá trị tương đương 116 triệu USD. Con số này gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ 2016 cả về số lượng và giá trị nhập khẩu.
Trong đó, riêng xe 9 chỗ ngồi trở xuống có sự tăng trưởng đột biến với 3.700 chiếc, gấp hơn 3 lần mức 1.200 xe của nửa đầu tháng 1/2016. Giá trị xe cũng tăng mức tương đương.
Diễn biến này được các chuyên gia nhận định là do quy định về mức thuế mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Với Nghị định số 129/2016 được Chính phủ Ban hành về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2016-2018, mặt hàng ôtô được nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN sẽ hưởng mức thuế suất 30%. Mức này giảm 10% so với mức thuế 40% được áp dụng trước đó.
Hiện cơ quan hải quan chưa công bố số liệu cụ thể về số lượng và giá trị nhập khẩu các mặt hàng cụ thể từ các quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, trong năm 2016, riêng số lượng xe nhập khẩu từ thị trường Thái Lan - một quốc gia trong ASEAN đã có sự bứt tốc mạnh mẽ. Với hơn 34.000 chiếc, từ vị trí thứ 4 trong các quốc gia xuất khẩu ôtô vào Việt Nam, Thái Lan đã vươn lên số một, bỏ xa Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Số liệu nhập khẩu cùng những thay đổi về thuế có thể tạo ra những biến động trên thị trường ôtô trong năm 2017 và các năm sau theo xu hướng xe nhập khẩu có thể thống lĩnh thị trường.
Trước đó, thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, trong năm 2016 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực. Trong đó, lần đầu tiên, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy đứng thứ 2 về tổng vốn đầu tư (chỉ sau công nghiệp chế biến, chế tạo) với 505 dự án đăng ký mới. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước và góp vốn, mua cổ phần thì tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực này xấp xỉ 1,9 tỷ USD.
Những năm trước, lĩnh vực này chưa bao giờ lọt vào top 3 lĩnh vực thu hút vốn ngoại nhiều nhất thì 2016 đã vượt qua cả lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa và bất động sản…
Các chuyên gia cũng nhận định, việc vốn đầu tư nước ngoài đổ mạnh vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô dự báo xu hướng xe lắp ráp có thể trở thành yếu thế trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Các hãng như Honda, Toyota, Ford Việt Nam... đều thể hiện rõ chiến lược này khi lần lượt thay thế các mẫu xe chủ chốt từ lắp ráp sang nhập khẩu. Mỗi hãng sẽ hướng tới lắp ráp chỉ một 1-2 mẫu xe, còn lại nhập khẩu.
Ông Vũ Quang Tâm, Phó tổng giám đốc Honda Việt Nam cho VnExpress biết, trong tương lai gần khoảng 2-3 năm tới, hãng sẽ tập trung lắp ráp một vài sản phẩm chủ chốt. Nếu không có những biến động khác về chính sách thuế, phí, theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu về 0% vào 2018, xe nhập Thái Lan sẽ rẻ hơn so với sản xuất tại Việt Nam vì xe lắp ráp chịu thuế nhập linh kiện 10-30%. Nhiều khả năng khi đó nhiều xe sẽ được hãng nhập khẩu từ Thái Lan. Bán xe nhập giúp khách hàng dễ tiếp cận hơn, doanh số nhờ đó cao hơn.
Để phục vụ mục tiêu tăng thị phần tại Việt Nam, các hãng cũng đẩy mạnh mở rộng đại lý phân phối, trung tâm kinh doanh. Đại diện Mercedes-Benz Việt Nam chia sẻ về có kế hoạch từ nay đến năm 2020 sẽ mở rộng gấp đôi hệ thống đại lý nhằm tăng thị phần. Với việc liên tục mở rộng hệ thống, trong năm qua, Toyota cũng đã nâng tổng số đại lý và trạm dịch vụ ủy quyền lên con số 44. Ford Việt Nam trong năm qua cũng nâng số đại lý và chi nhánh lên ngưỡng 33. Ngoài các hãng và dòng xe ôtô phổ thông, hiện nhiều hãng xe sang cũng có kế hoạch mở rộng thêm chi nhánh tại Việt Nam như Porsche, Audi hay Mini Cooper...