Phản ứng trái chiều sau cuộc họp khẩn của HĐBA LHQ về Triều Tiên

Rạng sáng 17/5 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tiến hành phiên họp khẩn về vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên hôm 14/5.

Tuy nhiên, cuộc họp kín kéo dài gần 2 giờ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã không đạt được kết quả cụ thể nào. Các bên liên quan đã ngay lập tức có phản ứng về kết quả cuộc họp.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley (phải) cùng Đại sứ Hàn Quốc tại LHQ Tae-yul Cho chia sẻ với báo giới sau cuộc họp khẩn về Triều Tiên. Ảnh: AP.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, thay vì công bố kết quả cuộc họp, Đại sứ Elbio Rosselli của Uruguay - nước hiện giữ chức chủ tịch luân phiên HĐBA chỉ nói rằng, các nước thành viên HĐBA đã nhất trí lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên. HĐBA vẫn đang thảo luận về một loạt biện pháp nhằm gây áp lực buộc Triều Tiên phải chấm dứt các vụ thử hạt nhân và tên lửa.

Tuyên bố trên của Đại sứ Uruguay đã phần nào cho thấy, các nước thành viên HĐBA LHQ vẫn bất đồng trong vấn đề trừng phạt Triều Tiên.

Phản ứng về kết quả cuộc họp, trong tuyên bố trước báo giới, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho biết, Mỹ tin rằng có thể thuyết phục Trung Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới của LHQ nhằm vào Triều Tiên. Bà Haley cũng cho biết, Mỹ cũng sẽ chỉ đích danh các quốc gia hỗ trợ Triều Tiên cũng như trừng phạt các quốc gia này để các biện pháp trừng phạt Triều Tiên đạt kết quả cao nhất.

Đại sứ Mỹ tại LHQ cũng nhấn mạnh, Mỹ sẽ chỉ đàm phán với Triều Tiên chỉ khi Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân của nước này.

“Chúng tôi đã làm việc với phía Trung Quốc”, bà nêu rõ. “Họ thực sự muốn hỗ trợ chúng tôi giao tiếp với Triều Tiên. Nhân đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, nếu một quốc gia cung cấp hoặc hỗ trợ Triều Tiên chúng tôi sẽ chỉ đích danh tên quốc gia đó để mọi người đều biết và chúng tôi cũng sẽ trừng phạt cả quốc gia đó.”

Đồng quan điểm với Mỹ, Đại sứ Pháp tại LHQ François Delattre đã nói rằng, cộng đồng thế giới không thể đợi chờ và quan sát tình hình cho đến khi Triều Tiên tiếp diễn hành động gây hấn tiếp theo.

Trong khi đó, trong cuộc họp báo sáng nay, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc sẽ nối lại các kênh liên lạc với Triều Tiên, vốn bị cắt đứt sau các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hồi tháng 2/2016.

Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Duk Haeng nhấn mạnh: “Quan điểm của Hàn Quốc là Hàn Quốc không chỉ giao tiếp mà còn ủng hộ việc duy trì mối quan hệ ổn định giữa hai miền Triều Tiên. Chúng tôi sẽ nỗ lực để khôi phục lại các kênh liên lạc giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.”

Giới phân tích nhận định, tuyên bố trên của Hàn Quốc đã phần nào phản ánh chính sách “cây gậy và củ cà rốt” mà tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang muốn áp dụng với Triều Tiên.

Triều Tiên cũng ngay lập tức phản ứng trước sự chỉ trích của HĐBA LHQ về các vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên, đồng thời khẳng định quyền phòng vệ của nước này.

Phát biểu trước báo giới hôm qua tại một hội thảo LHQ về giải trừ vũ khí hạt nhân, nhà ngoại giao Triều Tiên Ju Yong Choi nhấn mạnh: “Tất cả các biện pháp quân sự mà Triều Tiên tiến hành trên lãnh thổ Triều Tiên đều là sự thực thi quyền phòng vệ đối với các nguy cơ và đe dọa mà Mỹ áp đặt với Triều Tiên.

“Triều Tiên sẽ tăng cường các biện pháp thúc đẩy quyền phòng vệ hạt nhân. Triều Tiên sẵn sàng phản ứng đầy đủ với các biện pháp của Mỹ trừ phi Mỹ hủy bỏ chính sách thù địch nhằm vào Triều Tiên.” – ông Ju Yong Choi cho biết.

Về phía Trung Quốc, nước này chưa có phản ứng chính thức về kết quả cuộc họp. Tuy nhiên, Trung Quốc từ lâu vốn không ủng hộ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Thay vào đó, Trung Quốc chủ trương kêu gọi đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp cho tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Theo VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói