Hiểu hơn về pháp luật từ việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, lực lượng Công an Hà Tĩnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, góp phần đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn.

Hiểu hơn về pháp luật từ việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ

Công an xã Sơn Kim 1 (Hương Sơn) vận động người dân trên địa bàn giao nộp vũ khí.

Sơn Kim 1 là xã biên giới thuộc huyện Hương Sơn với 1.420 hộ, gần 6.000 nhân khẩu. Trước đây, một số người dân thường có tập quán săn bắn, bẫy bắt các loài động vật nên đã cất giấu vũ khí, vật liệu nổ. Công an xã Sơn Kim 1 đã đến tận các gia đình để tuyên truyền, giúp bà con hiểu rõ tác hại của việc tàng trữ các loại vũ khí, vật liệu nổ trái phép.

Anh Trần Văn Tuấn (thôn Hà Trai) cho biết: “Được công an xã tuyên truyền, tôi nhận thức đây là hành vi vi phạm pháp luật nên đã tự nguyện giao nộp 1 khẩu súng tự chế. Ngoài ra, tôi còn vận động người thân giao nộp thêm 1 khẩu súng tự chế”.

Hiểu hơn về pháp luật từ việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ

Công an huyện Hương Sơn xây dựng thêm pano tuyên truyền về vũ khí, vật liệu nổ để phát cho người dân và học sinh các trường học.

Thiếu tá Phan Mạnh Long - Trưởng Công an xã Sơn Kim 1 cho biết: “Đơn vị xem việc tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ trên địa bàn xã là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện. Từ cuối tháng 11/2023 đến nay, người dân trên địa bàn đã tự giác giao nộp 10 khẩu súng tự chế, 5 dao kiếm, 7 hộp pháo hoa nổ...”.

Triển khai đợt cao điểm về tuyên truyền, đấu tranh với tội phạm vi phạm về pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, từ ngày 15/11/2023 đến nay, công an toàn huyện Hương Sơn đã phối hợp với các địa phương, lực lượng chức năng vận động người dân giao nộp 17 khẩu súng, 5 linh kiện súng, 19 viên đạn quân dụng, 7 dao kiếm, 7 hộp pháo hoa loại 36 quả, 1 hộp pháo hoa loại 9 quả...

Hiểu hơn về pháp luật từ việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ

Lực lượng chức năng huyện Nghi Xuân tiếp nhận vũ khí từ người dân giao nộp.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, từ ngày 15/11/2023 tới nay, lực lượng chức năng huyện Nghi Xuân đã thu hồi được 17 khẩu súng các loại, gần 150 viên đạn, 6 dao kiếm, 2 linh kiện dùng để chế tạo súng và 7 ống nhòm tự chế, 185 quả pháo tự chế; 216 ống pháo tự chế và một số tiền chất thuốc pháo.

Thiếu tá Đậu Việt Cường - Phó Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Nghi Xuân) cho biết: “Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tập trung điều tra, nắm tình hình địa bàn, rà soát lên danh sách những trường hợp nghi chế tạo, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trái phép. Từ đó, xây dựng phương pháp, cách thức vận động thu hồi phù hợp; kiên quyết đấu tranh với loại tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ”.

Hiểu hơn về pháp luật từ việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ

Công an xã Hương Trạch (Hương Khê) tiếp nhận vũ khí, pháo nổ từ người dân và học sinh giao nộp.

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, từ 15/11/2023 đến nay, Công an Hà Tĩnh đã vận động toàn dân giao nộp 71 khẩu súng, 49 vũ khí thô sơ, 5 linh kiện lắp ráp súng, 11 công cụ hỗ trợ, 1 lựu đạn, 525 viên đạn các loại. Về pháo nổ, lực lượng công an đã thu giữ 16,5 kg pháo, 208 quả pháo tự chế và 5,6 kg thuốc pháo, 0,6 kg tiền chất thuốc pháo.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số đối tượng cố tình vi phạm, tham gia sản xuất, mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép. Lực lượng chức năng đã bắt 5 vụ/9 đối tượng; thu giữ 12 khẩu súng; 2.272 viên đạn và 31 linh kiện lắp ráp súng.

Hiểu hơn về pháp luật từ việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ

Công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về vũ khí và các loại vật liệu nổ.

Thượng tá Trần Hữu Cảnh - Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết: “Lực lượng công an trong toàn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để Nhân dân hiểu, chấp hành, không tham gia chế tạo, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép và tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là các loại súng săn, súng tự chế, thuốc nổ, pháo nổ, thuốc pháo. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các lực lượng, tấn công trực diện, bắt giữ các đối tượng cố tình vi phạm”.

Cũng theo Thượng tá Trần Hữu Cảnh, hiện nay, Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Theo dự thảo luật, các loại súng săn, súng hơi nén, súng tự chế là vũ khí quân dụng. Khi dự thảo được thông qua, đồng nghĩa với việc người nào sản xuất, chế tạo, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, chiếm đoạt các loại súng nêu trên đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 Bộ luật Hình sự.

Chủ đề Vũ khí quân đội Việt Nam

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast