Xuất hiện nhiều vụ lừa tiền, ngân hàng Hà Tĩnh tiếp tục lưu ý 7 chiêu trò “móc túi”

(Baohatinh.vn) - Nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã được ngân hàng Hà Tĩnh phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Tuy vậy, các chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi, không ít khách hàng vẫn “sập bẫy” .

Mới nhất, vào chiều 9/7/2021, ông Lê Văn Th. (xã Đức Giang, huyện Vũ Quang) đã được cán bộ Chi nhánh Agribank Đức Thọ (thuộc Chi nhánh Agriank tỉnh Hà Tĩnh) “cứu nguy” kịp thời trước khi thuận lòng chuyển 50 triệu đồng cho kẻ lừa đảo.

Chỉ vì “nhẹ dạ”, ông Th. tin rằng người mình nói chuyện qua messenger là đứa con trai đang làm việc tại Nhật Bản mà không hề hay biết tài khoản mạng xã hội này đã bị đối tượng lừa đảo “hack”. Nghe con cần tiền, ông đã đến Agribank Đức Thọ để rút 2 sổ tiết kiệm trước thời hạn và để chuyển số tiền 50 triệu đồng vào một tài khoản lạ.

Nhận thấy dấu hiện bất thường, giao dịch viên Lê Thị Thanh Nga đã giải thích và giúp khách hàng dừng giao dịch, tránh “sập bẫy” đối tượng lừa đảo.

Xuất hiện nhiều vụ lừa tiền, ngân hàng Hà Tĩnh tiếp tục lưu ý 7 chiêu trò “móc túi”

Giao dịch viên Lê Thị Thanh Nga giúp khách hàng Lê Văn Th. tránh được vụ lừa đảo qua mạng.

Sáng 25/6/2021, khách hàng H.T.L (xã Sơn Lộc, Can Lộc) đến Agribank Đồng Lộc chuyển tiền vào tài khoản số 1038XXXXXXX (mở tại Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh) với số tiền 18 triệu đồng. Trước đó 3 ngày, bà L. cũng đã chuyển 23 triệu đồng vào tài khoản trên.

Chiều cùng ngày, khách hàng này tiếp tục đến tất toán sổ tiết kiệm để tiếp tục chuyển 47 triệu đồng cùng thông tin trên. Anh Nguyễn Trọng Tuấn - Phó Giám đốc kiêm giao dịch viên Agribank Đồng Lộc đã phát hiện dấu hiệu nghi ngờ và kịp thời ngăn chặn.

“Qua tin nhắn do khách hàng cung cấp, chúng tôi xác định đây là một vụ lừa đảo dưới hình thức “dụ” khách hàng chuyển tiền vào tài khoản. Hai lần chuyển trước, khách hàng đã bị mất tiền, rất may là lần thứ 3, cán bộ ngân hàng kịp thời phát hiện và ngăn chặn. Đây là một chiêu trò khá phổ biến mà các đối tượng thường sử dụng để chiếm đoạt tiền của khách hàng, nhất là các khách hàng lớn tuổi, có tâm lý cả tin hoặc ở vùng nông thôn" - ông Trần Đình Chiến, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Can Lộc, Hà Tĩnh cho biết.

Xuất hiện nhiều vụ lừa tiền, ngân hàng Hà Tĩnh tiếp tục lưu ý 7 chiêu trò “móc túi”

Mỗi năm, Agribank chi nhánh Hà Tĩnh ngăn chặn hàng chục vụ lừa đảo, tránh thiệt hại cho khách hàng.

Mỗi năm, Agribank chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện, kịp thời ngăn chặn hàng chục vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tiền của khách hàng, trong đó, có những vụ lên 200 triệu đồng.

Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn như 2 khách hàng kể trên. Theo các tổ chức tín dụng mặc dù chưa ghi nhận khách hàng bị lừa đảo khi giao dịch trực tiếp ở ngân hàng, song ở giao dịch online thì không ít người đã “sập bẫy”. Cho đến khi nhận biết ra thì tiền trong tài khoản đã “không cánh mà bay”.

Xuất hiện nhiều vụ lừa tiền, ngân hàng Hà Tĩnh tiếp tục lưu ý 7 chiêu trò “móc túi”

Nhân viên Vietcombank Hà Tĩnh hướng dẫn khách hàng giao dịch online.

Phổ biến nhất là bằng thủ đoạn hack facebook, zalo, tạo nick ảo facebook để mạo danh người nhà, bạn bè thân thiết hoặc các dịch vụ tặng quà để lừa khách hàng chuyển tiền; giả danh công an để hù dọa khách hàng có liên quan đến các vụ án ma túy; chỉnh sửa hóa đơn chuyển tiền ngân hàng….

Bà Bùi Thị Huệ - Trưởng phòng Tổng hợp, Nhân sự và Kiểm soát nội bộ, NHNN chi nhánh Hà Tĩnh cho biết: “NHNN chi nhánh Hà Tĩnh liên tục yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền kỹ năng giao dịch tài chính an toàn; kịp thời cảnh báo rủi ro trên các kênh thông tin, giúp khách hàng cảnh giác trước những thủ đoạn tội phạm mới và thực hiện giao dịch tài chính an toàn".

Xuất hiện nhiều vụ lừa tiền, ngân hàng Hà Tĩnh tiếp tục lưu ý 7 chiêu trò “móc túi”

Đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều chiêu trò “móc túi” khách hàng, nhất là kênh giao dịch điện tử.

Theo khuyến cáo của ngân hàng, khách hàng không tiết lộ thông tin định danh cá nhân (tên đăng nhập, mật khẩu, mã khóa bí mật dùng một lần – OTP) cho bất cứ ai; chỉ đăng nhập qua các thiết bị đáng tin cậy; đăng xuất ngay sau khi kết thúc phiên giao dịch hoặc khi không sử dụng; không nên sử dụng các thông tin cá nhân cơ bản (ngày, tháng, năm sinh, số điện thoại, tên...) đặt mật khẩu; đổi mật khẩu khi nghi ngờ bị lộ.

Với khách hàng sử dụng dịch vụ thẻ, cần đổi mã số cá nhân (PIN) ngay sau khi nhận thẻ; không tiết lộ số PIN, số thẻ cho bất kỳ ai; đăng ký dịch vụ nhận thông báo biến động số dư để được thông báo khi phát sinh bất kỳ các giao dịch thẻ...

Ngày 6/7/2021, NHNN Việt Nam ban hành văn bản số 4893/NHNN-TT về việc đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

Trong đó, chỉ rõ 7 chiêu trò “móc túi” khách hàng của các đối tượng lừa đảo:

1. Đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho khách hàng với lý do hỗ trợ kiểm tra số dư và giao dịch của khách hàng bằng cách đề nghị cung cấp dãy số trên thẻ ghi nợ và. tiếp tục yêu cầu khách hàng đọc mã 6 số trong tin nhắn (thực chất là OTP để thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến). Trường hợp khách hàng thực hiện theo yêu cầu thì có thể mất tiền trong tài khoản thẻ của khách hàng.

2. Đối tượng chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản khách hàng, sau đó mạo danh ngân hàng thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link trong tin nhắn để tra soát giao dịch… nhằm lừa đảo khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử, sau đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản của khách hàng.

3. Đối tượng gửi thư điện tử giả mạo ngân hàng thông báo khách hàng nhận được một khoản tiền và yêu cầu khách hàng xác nhận giao dịch bằng cách truy cập vào file hoặc đường link có chứa mã độc.

4. Khách hàng nhận được một khoản tiền chuyển vào tài khoản thanh toán tại ngân hàng với nội dung cho vay. Sau đó, đối tượng gọi điện cho khách hàng báo vừa chuyển nhầm và yêu cầu khách hàng chuyển trả lại tiền. Sau một thời gian, người chủ tài khoản chuyển nhầm sẽ đòi khách hàng cùng với tiền lãi vay. Trong một số trường hợp, đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng hướng dẫn thủ tục hoàn trả. Theo đó, gửi đường link yêu cầu khách hàng điền thông tin cá nhân và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

5. Đối tượng gửi tin nhắn mạo danh thương hiệu ngân hàng để thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường và hướng dẫn khách hàng xác nhận thông tin, thay đổi mật khẩu… thông qua truy cập đường link giả mạo gửi kèm trong tin nhắn; qua đó lừa đảo khách hàng tiết lộ các thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

6. Đối tượng mạo danh mời công ty tài chính mời khách hàng vay vốn, hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động để giải ngân một khoản tiền “ảo” kèm theo việc hiển thị hợp đồng tín dụng với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền của công ty tài chính nhằm lừa đảo khách hàng chuyển khoản đặt cọc để chiếm đoạt.

7. Đối tượng mạo danh nhân viên nhà mạng liên hệ và đề nghị hỗ trợ chuyển đổi sim 3G thành sim 4G qua điện thoại bằng cách nhắn tin theo cú pháp nhưng thực chất là yêu cầu chuyển đổi sim của đối tượng lừa đảo. Nếu khách hàng làm theo hướng dẫn, đối tượng sẽ chiếm đoạt được quyền sử dụng số điện thoại. Trường hợp số điện thoại được khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và nhận thông tin giao dịch, mã OTP thì có thể gây rủi ro mất tiền trên tài khoản của khách hàng.

Tin liên quan:

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast