Phía đó là nhà

(Baohatinh.vn) - Khanh làm sao mà mệt được, nhìn bố mẹ và em Thao, Khanh như thấy cả bầu trời nắng thu xanh ngắt, những vất vả của mẹ, tình yêu của bố như gánh hết mọi muộn phiền giông bão đời Khanh...

Chiếc Wave lắc lư tránh những vệt ổ gà lỗ chỗ trên mặt đường nhựa làm Khanh cũng lắc lư theo.

- Bác ơi, ta đi chậm thôi.

Khanh vừa nói với người lái xe ôm vừa đưa tay vào túi rút điện thoại. Đã hơn năm giờ chiều nhưng trời vẫn còn nắng. Cái nắng mùa thu không dữ dội mà dịu dàng, dai dẳng, đặc sánh như rót mật vàng.

Khanh cất điện thoại trở lại, không tin nhắn, không cuộc gọi. Có lẽ hết thật rồi, Quang chẳng còn nhớ tới cô dù chỉ là một chút, thậm chí mấy dòng tin cô đăng anh cũng chẳng buồn ghé vào xem. Như khi anh đột ngột ngừng hút thuốc lá vì hết vui, bỗng dưng bỏ câu cá vì thấy chán, rồi một ngày anh nhắn, mình chia tay đi, Khanh hỏi tại sao, anh bảo: hết yêu.

Vậy cứ chia tay thôi, Khanh biết thế là hết, chẳng cần lý do nào. Sự tự trọng và tổn thương khiến cô không níu kéo, nhưng cảm giác đau đớn là thật, nó bám lấy Khanh, vần quanh Khanh trong thành phố mùa thu sớm mai chớm lạnh. Thêm một dự án sắp hoàn thiện bỗng bị đối tác từ chối. Tất cả đến cùng lúc khiến Khanh muốn gục ngã. Nhiều lúc bước chân liên tiếp dẫm lên gai mà cứ phải đi. Đêm qua, gọi cho mẹ, Khanh cố tỏ ra mình ổn, một giọt nước mắt sẽ kéo theo những vỡ òa. Nhưng sáng nay thức dậy nhìn bức tường vàng bám những hạt sương li ti qua ô cửa kính phòng trọ, Khanh thấy đơn độc và chênh chao đến lạ. Cô gửi email xin nghỉ phép vài ngày rồi xếp vội ít quần áo ra bến xe.

Rặng tre già hiện ra sau khúc cua báo hiệu đã sắp về tới làng.

Lòng Khanh rộn lên một cảm giác nao nao. Con dốc này, bụi tre này trong kí ức của Khanh sao thân thương quá đỗi, đôi khi giữa giấc mơ nào đó Khanh thấy mình đang chạy, chạy mải miết trong sương mù rây rây phủ mênh mang trắng xóa, chạy cho đến khi cái bóng xanh sừng sững của bụi tre chắn ngay cửa làng đột ngột hiện lên làm Khanh bừng tỉnh.

- Sắp tới chưa cô nhỉ?

- Sắp rồi đó bác. Xuống con dốc này lên con dốc kia, chạy qua tầm mười ngõ là nhà cháu.

data-news-2020-12-133849-mien-que.jpg
Con dốc này, bụi tre này trong kí ức của Khanh sao thân thương quá đỗi... (Ảnh minh họa).

Bác xe ôm lặng lẽ nhấn ga, xe chạy qua cánh đồng xanh ngăn ngắt. Những thửa đỗ đang vào vụ thu hoạch, ngọn trĩu quả còng xuống hai bên vệ cỏ.

Thơm quá, cơn gió thổi ngang mang theo mùi ngai ngái ngòn ngọt của đỗ xanh lẫn mùi cỏ nắng. Xe lên dốc thì cánh đồng cũng khuất, lối này chỉ có nhà ở một bên, bên còn lại là rặng tre, phía dưới rặng tre là đồng cỏ trải dài mênh mông, vài chú trâu bò đang thong thả gặm cỏ trong nắng chiều.

- Mười nhà mà lâu thế cô?

- Dạ, đây vườn rộng, dân thưa hơn ngoài thị trấn nhiều bác à.

- Rộng rãi như này tôi thích lắm.

Bác xe ôm nói xong thì cũng vừa tới. Chiếc cổng sắt sơn xanh hiện ra dưới vòm hoa giấy, hai cột cổng phủ rêu khuất sâu vào phía sau.

Hình như không có ai ở nhà, Khanh chào bác xe ôm rồi bước xuống. Một cảm giác ấm áp quen thuộc dâng lên khiến Khanh thấy bồi hồi khó tả.

- Về rồi. Con về rồi đây.

Dường như những hạt bụi nỗi buồn đã nằm lại phía sau con dốc. Khanh lần tay xuống viên đá nằm úp vào gốc bụi hoa giấy rờ rẫm, nó sẽ ở đây thôi, Khanh tự nhủ. Một vật lạnh buốt chạm vào tay Khanh: chiếc chìa khóa. Cô lấy ra tra vào ổ rồi mở cổng bước vào nhà.

Căn nhà sạch sẽ và vuông vắn nằm cách cổng một lối đi bằng gạch đỏ, hai bên um tùm cây trái. Những quả mít lúc lỉu trông thật vui mắt. Khanh vỗ vỗ vào chúng trên lối đi như thói quen, chờ tiếng kêu bồm bộp. Sát với sân là hàng cau sai trĩu, mấy khóm hoa mồng gà lác đác nằm xen bụi hồng khoe sắc rực rỡ. Có tiếng sủa lách chách từ sau bếp vọng đến, tiếp theo là một đàn chó con ùa ra nhảy loạn xị ngậu, con kêu gừ gừ, con nhe nanh sủa.

- Chà, bé Milu nhà ta có con rồi cơ à. Milu! Milu!

Khanh quờ tay định bế một chú cún nhưng bọn chúng vội vàng tản mất, lúc này, con chó mẹ mới lững thững đi ra, nó nhìn Khanh vẫy đuôi, chưa kịp làm gì thì đàn con đã sán lại đòi bú.

- Mày hay lắm nha Milu, chả chịu trông nhà gì, tao vào đến đây còn chờ kêu nữa, lỡ có trộm thì sao?

Khanh mắng vốn con chó rồi bước lên thềm. Một cảm giác mát lạnh ùa vào lòng khiến Khanh thấy bình yên quá. Cô đặt túi lên chiếc ghế dài kê ngoài hiên bố vẫn thường ngồi hóng gió, đi ra bể nước cạnh giếng vặn vòi nước, vốc một vốc ấp lên mặt.

Nước mới mát làm sao. Khanh dạo vòng quanh ngôi nhà, cửa nhà trên đã khóa chỉ còn bếp đang mở, chắc mọi người đi làm đồng chưa về. Khanh vào bếp. Cô mở thùng gạo, cắm cơm. Trong cũi còn nồi thức ăn, Khanh định nhóm bếp đun chợt nhìn thấy trời còn sớm lại thôi.

Khanh rảo bước ra vườn. Đàn gà lục tục kiếm ăn bên gốc chuối. Cạnh giếng những vạt rau dền đã trổ bông sắp lụi, vạt mồng tơi và rau muống vẫn xanh um. Gần đó vài thửa nhỏ, mẹ đã đánh luống, đất bông lên xốp mịn li ti chuẩn bị trồng rau cải vụ thu đông sắp tới.

Trời dần ngả bóng hoàng hôn. Trên khắp đường làng rộn ràng tiếng người đi làm đồng về cười nói, tiếng xe máy, xe lôi, lẫn với tiếng xe bò lăn lộc cộc. Không biết bố mẹ làm ở đồng nào, còn cái Thao giờ này đi đâu cũng chưa về nữa. Ở nhà chờ cũng chộn rộn, Khanh bước theo con đường dẫn xuống đồng cỏ chăn nuôi gia súc, xuyên qua đồng cỏ là lối đi dẫn tới bờ sông. Hồi còn nhỏ Khanh được mẹ giao giữ bò ăn cho no khỏi chạy sang phá lúa, phá hoa màu trồng gần bãi; cái Thao nhỏ hơn quét dọn sân ngõ, trông nhà. Ấy thế mà bố mẹ đi làm đồng là Khanh hí hửng chạy theo đám con trai trong xóm đi đổ dế. Săn dế mùa thu này thì còn gì bằng, con nào con nấy béo mộng, bắt xong chọn con cứng cựa nhất thi đá với nhau, đến khi tụi con trai đem dế chiến binh ra nướng thì Khanh khóc lăn khóc lóc, nghĩ lại chuyện đó bất giác Khanh cười mỉm. Có hôm cái Thao cũng chạy theo bắt dế, hai chị em mê mải đổ nước thì bò ăn mất vạt ngô nhà bà Lũng, trận ấy bố cho hai đứa chục roi, mẹ phải chạy ra xin mãi.

- Kìa, cái Khanh về khi nào thế kia?

Bà Mân tay nách cái mủng to, quần xắn bên cao bên thấp vừa đi vừa hỏi lớn.

- Dạ, cháu mới về bà ạ.

Biết bà cụ hơi nặng tai nên Khanh nói rõ to.

- Đấy đấy, dân thành phố về biết mò ra đồng ngay. Lại đây, lại đây bà cho mấy củ sắn mới đào, đất ven sông trồng sắn này ngọt lắm.

Bà cụ đặt cái mủng xuống, lựa vài củ sắn căng tròn đưa cho Khanh.

- Dạ… Thôi cụ ơi…

Nhà bà Mân ngay sát nhà Khanh, các con vào miền Nam làm ăn mỗi tết Nguyên đán mới về một lần. Dạo nhỏ, mỗi khi bị mẹ mắng Khanh thường chui sang ngủ trong cái thúng bà Mân, có khi làm cả nhà hoảng hốt tìm khắp xóm.

Mới đầu năm thấy cụ còn nhanh nhẹn, giờ mới chớm thu gặp lại đã bước thấp bước cao thế này… Nghĩ đến đó Khanh chợt thấy ngậm ngùi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, ai rồi cũng già đi, chỉ có tình người chốn quê này còn ấm mãi.

- Đây, cầm lấy. Tối mày nhớ sang bà chơi.

Bà Mân dúi mấy củ sắn vào tay Khanh rồi chậm chậm đi lên dốc, một bên ống quần đã bạc màu, tuột xuống che ống chân gầy khẳng khiu chi chít vệt đồi mồi lẫn dấu bùn còn chưa phai.

Khanh cất mấy củ sắn rồi nhanh chân bước nhanh phía sau, đỡ lấy cái mủng sắn xách vào nhà cho bà. Chao ơi cái mủng nhỏ thế mà nặng, Khanh đỡ một bên hông đến vẹo cả người. Xong xuôi Khanh lại quay ra cánh đồng.

Bóng chiều ngả qua những ngọn tre xì xào trong gió. Hoàng hôn buông màu đỏ thẫm nơi rạn núi phía xa, những đám mây màu cam đất lập lờ cuối viền trời.

Khanh đi tới bờ sông. Con sông quê hương đã bao lần tuổi thơ Khanh tắm mát. Những buổi chiều hè, những đêm trăng, dòng sông mát rượi ôm vào lòng những đứa trẻ của đồng quê thao thiết.

Khanh ngồi bên vệ cỏ, thả chân xuống dòng nước xanh trong. Bao muộn phiền của ngày qua dường như cũng trôi theo dòng nước. Cô nhặt một hòn sỏi ném chạy vài vòng trên mặt sông chờ đến khi nó lặng chìm xuống đáy.

- Ơ, chị Khanh, chị Khanh!

Giọng nói quen thuộc vang lên. Đó là cái Thao, nó nhảy cẫng bên kia sông, tay khua rối rít. Cách đó một đoạn, hai bóng người đang cúi vác hai bao tải chợt khựng lại, ngẩng nhìn sang chỗ Khanh đang đứng. Là bố và mẹ. Hóa ra, chiều nay cả nhà đi hái đỗ chín nơi ruộng Vợi phía bên sông.

z5718340817274_663c8f49c8fb1b7d7e5052d6ce984bd0.jpg
Những vất vả của mẹ, tình yêu của bố như gánh hết mọi muộn phiền giông bão đời Khanh... (Ảnh minh họa).

Khanh giơ tay vẫy vẫy. Khúc sông băng sang đồng khá nông, chỗ lội mùa cạn này sâu nhất cũng vừa ngập gối.

- Ơ chị Khanh về mà không báo trước để đi đón. Ơ chị Khanh.

Cái Thao lội tới nơi cứ sồn sồn hết cả lên, nó nhảy tưng tưng vui sướng. Khanh đỡ hộ bao đỗ trên vai mẹ xuống bờ sông, nhìn khuôn mặt mẹ sạm đen nắng chiều, ướt những vệt mồ hôi chảy dài trên má, Khanh thấy khóe mắt cay cay.

- Về mệt lắm không con? - Bố ôn tồn hỏi.

Khanh cười lắc đầu: - Con không mệt đâu.

Khanh làm sao mà mệt được, nhìn bố mẹ và em Thao, Khanh như thấy cả bầu trời nắng thu xanh ngắt, những vất vả của mẹ, tình yêu của bố như gánh hết mọi muộn phiền giông bão đời Khanh.

- Ta về thôi, lát mẹ nó coi gà vào chuồng chưa, bắt con trống tía thịt cho cái Khanh ăn.

Bố đi phía trước, ba mẹ con tiếp theo sau. Trên con đường vắt qua đồng cỏ, bóng tối đã bắt đầu phủ lên một màn đêm mờ ảo. Đâu đó những hạt sương thu rơi rớt mang theo hơi lạnh rây rây trên cánh đồng. Phía xa sau lũy tre nhà nhà đã lên đèn. Nơi đó có ngôi nhà nhỏ của gia đình Khanh - chốn bình yên luôn đón cô trở về. Nơi đó, chỉ cần nhìn thấy những người ruột thịt, Khanh chẳng cần phải khóc lóc, gào thét, chẳng cần tìm quên, mọi buồn đau cũng đều trở nên nhỏ bé…

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Podcast truyện ngắn: Chuột Bún bán bánh

Podcast truyện ngắn: Chuột Bún bán bánh

Những mùa Trung thu, tôi luôn nhận được quà của bà Chuột Bún là những chiếc bánh Trung thu thơm phức. Cũng từ đó, cái tên Chuột Bánh luôn đi liền với tình bạn thời tiểu học của tôi.
Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Trong đau thương, mất mát của người dân nhiều tỉnh thành phía Bắc sau bão số 3, nhiều tứ thơ đã được gieo vần. Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu một số bài thơ đầy cảm xúc trong cơn hoạn nạn.
Chuyện cây Hà Nội sau bão

Chuyện cây Hà Nội sau bão

Ngay sau cái đêm kinh hoàng bão YAGI đổ bộ vào Hà Nội, tôi lái xe ra đường. Khắp cả thành phố, cây nằm la liệt, nhiều cây bật gốc, gãy đổ tan hoang.
Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải, xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh) là một trong những di tích đặc trưng cho sinh hoạt tín ngưỡng, chốn trao gửi tâm linh của người dân và du khách thập phương.
Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Hình ảnh cảm động các chiến sĩ đưa dân ra ngoài, các xe đi chậm lại để dìu mọi người trên cầu trong lúc gió to… được cô gái TP. Hồ Chí Minh khắc họa lại trong bộ tranh nói về Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi.
Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Tối 8/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình Gala tiếng Việt thân thương đã diễn ra với sự tham dự của hơn 600 đại biểu. Những “Sứ giả tiếng Việt” năm 2024 đã được vinh danh và trao tặng bằng khen.
Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Cây nhãn già thách thức mưa nắng, bão bùng, nhìn vào đó, bà luôn tưởng tượng bóng hình Hiếu, vẫn hiển hiện đâu đây trong khu vườn, căn nhà thân thuộc, như chưa từng có cuộc chia ly...
Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Có vẻ như mọi hân hoan, quyến luyến, mọi mỹ cảm, nồng say đều dồn tụ hết vào một chữ thu. Thu xao xuyến, thu bồi hồi, thu bâng khuâng, thu đa cảm...
Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Non nước Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào ngày 12/4/2018, trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ hai tại Việt Nam sau Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang.
Truyện ngắn: Màu áo lính

Truyện ngắn: Màu áo lính

Phía ngoài ô cửa sổ, loa phát thanh đang vang lên tin tức về những hoạt động mừng ngày tết Độc lập. Ông Việt nhìn ra lá cờ đỏ sao vàng tung bay ngoài song cửa rồi mắt ông ầng ậc nước…
Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm ở Nghi Xuân là cây di sản Việt Nam

Cây muỗm được công nhận cây di sản Việt Nam có tuổi đời hơn 360 năm, nằm trong khuôn viên nhà thờ Phan Tôn Chu và Ngọc Hoa công chúa ở thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.