Phiên họp thứ 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 19 nội dung quan trọng

Phiên họp dự kiến diễn ra trong 3 ngày và được chia thành 2 đợt (gồm ngày 13-14/12 và ngày 18/12), theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 19 nội dung quan trọng, tập trung vào 5 nhóm.

Phiên họp thứ 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 19 nội dung quan trọng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc. (Ảnh: Doãn Tấn/ TTXV)

Sáng 13/12, tại Nhà Quốc hội, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 28.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết Phiên họp dự kiến diễn ra trong 3 ngày và được chia thành 2 đợt (gồm ngày 13-14/12 và ngày 18/12). Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 19 nội dung quan trọng, tập trung vào 5 nhóm.

Cụ thể, thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm Kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến về công tác chuẩn bị cho kỳ họp sắp tới của Quốc hội. Kỳ họp thứ 6 đã kết thúc vào ngày 29/11 vừa qua, theo thông lệ, tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có nhận định, đánh giá, tổng kết trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các báo cáo tổng hợp dư luận của nhân dân, cử tri để có sự đánh giá toàn diện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến sơ bộ về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, dự kiến vào tháng 5/2024.

Bên cạnh đó, tại Kỳ họp vừa qua đã có 2 dự án Luật quan trọng là dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội quyết định chưa thông qua để có thêm thời gian chuẩn bị, hoàn thiện, vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách trước mắt vừa bảo đảm chất lượng của các dự án Luật này.

Ngoài ra, còn một số nội dung rất quan trọng khác như Quy hoạch không gian điện quốc gia; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; nội dung về tài chính-ngân sách còn tồn đọng và thuộc quyền hạn của Quốc hội...

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần tính đến khả năng từ nay đến Kỳ họp thứ 7 có thể tổ chức một Kỳ họp chuyên đề để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng và cấp bách.

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua các chương trình công tác trong năm tới, gồm: Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cho ý kiến về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Phiên họp thứ 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét 19 nội dung quan trọng

Quang cảnh phiên khai mạc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng; xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Đối với dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là dự án Pháp lệnh thứ 5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét từ đầu nhiệm kỳ tới nay và nằm trong chương trình lập pháp của cả nhiệm kỳ. Do tính chất quan trọng, dự kiến sẽ được xem xét và thông qua theo quy trình hai kỳ họp Quốc hội.

Một số dự án luật được đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 gồm Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)... Nhấn mạnh đây là nội dung lập pháp rất quan trọng cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm cho ý kiến về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh định hướng tăng cường công tác giám sát và các hình thức giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Hiện nay, chưa có quy trình, quy định cụ thể về nội dung này, do đó cần phải có một văn bản hướng dẫn để tạo sự thuận lợi, thống nhất trong quá trình triển khai; nâng cao chất lượng hoạt động giải trình tại các phiên họp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội theo hướng rành mạch, chủ động, trách nhiệm, chuyên sâu, nhạy bén.

Thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với 11 nội dung quan trọng về tài chính-ngân sách, địa giới hành chính, nhân sự. Trong đó, có 9 nội dung liên quan đến tài chính-ngân sách như việc phân bổ dự toán ngân sách Trung ương năm 2023; bổ sung kinh phí chi sự nghiệp khoa học, công nghệ và sự nghiệp bảo vệ môi trường; điều chỉnh vốn vay lại năm 2023 của các địa phương; bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia; xem xét quyết định mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu mỡ nhờn năm 2004; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 giữa các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; giao kế hoạch vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương...

Về vấn đề địa giới hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo Công tác Dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2023; cho ý kiến, quyết định bằng văn bản theo thẩm quyền đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân bổ kinh phí hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội năm 2024.

Nhấn mạnh phiên họp được tiến hành trong thời gian ngắn, chia làm 2 đợt, với khối lượng công việc rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung làm việc để bảo đảm chất lượng cao nhất.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan hữu quan sớm hoàn thiện các phần công việc để trình ký chứng thực một số dự án luật đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, trình Chủ tịch nước ký lệnh công bố theo quy định của pháp luật, đồng thời, chuẩn bị các dự án luật dự kiến thông qua tại Kỳ họp chuyên đề và Kỳ họp thứ 7.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Bài cuối: Huy động tổng lực để Khu kinh tế Vũng Áng rộng cửa đón thời cơ mới

Bài cuối: Huy động tổng lực để Khu kinh tế Vũng Áng rộng cửa đón thời cơ mới

Nhiều ý kiến nhận định, năm 2025 sẽ là khởi đầu giai đoạn bứt tốc của Khu kinh tế Vũng Áng khi Tập đoàn Vingroup đầu tư tổ hợp dự án công nghiệp - cảng biển - logistics. kỳ vọng những quyết sách mới từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2025-2030 cùng chiến lược phát triển từ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khu kinh tế Vũng Áng sẽ có thêm sự đồng hành của những cơ chế, chính sách, giải pháp mới để gánh vác vai trò đầu tàu đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước.
Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH năm 2024 và các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất chỉ tiêu nhiệm vụ của năm và cả nhiệm kỳ.
Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Giai đoạn 2020-2025, tập trung thực hiện định hướng phát triển Khu kinh tế Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, với các cơ chế, chính sách rộng mở, tạo đòn bẩy để khu kinh tế trọng điểm mạnh mẽ vươn mình đón thời cơ mới.
Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tổ chức bộ máy tại các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ và Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục được sắp xếp với mục tiêu tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh mong muốn các thầy cô giáo luôn phát huy trí tuệ, tâm huyết, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Bài 1: Khơi động lực bứt phá, tạo đồng thuận để phát triển bền vững

Bài 1: Khơi động lực bứt phá, tạo đồng thuận để phát triển bền vững

Từ năm 2008 (khi Tập đoàn Formosa triển khai dự án tầm cỡ tại Khu kinh tế Vũng Áng) đến năm 2020 là giai đoạn có nhiều thăng trầm đối với khu kinh tế trọng điểm quốc gia. Để đảm bảo song hành 2 mục tiêu chính: nâng tầm khu kinh tế động lực và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp ở Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương, quyết sách sát đúng cùng những giải pháp sáng tạo, quyết liệt.
Vang mãi bài ca kết đoàn...

Vang mãi bài ca kết đoàn...

Hình thành và phát triển trong quá trình chinh phục thiên nhiên và đấu tranh dựng nước, giữ nước, tinh thần đoàn kết đã trở thành một giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc ta. Ở các thời kỳ lịch sử, truyền thống đó tuy có những biểu hiện khác nhau nhưng luôn là sức mạnh vô địch, đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành được những thắng lợi vẻ vang.
Ấm áp, nghĩa tình Ngày hội Đại đoàn kết

Ấm áp, nghĩa tình Ngày hội Đại đoàn kết

Hòa trong không khí của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, các khu dân cư ở Hà Tĩnh đang tích cực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần gắn kết cộng đồng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025, các nghị quyết chuyên đề, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ cả nhiệm kỳ.