Sáng 23/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác hoạt động Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) 6 tháng đầu năm 2020, triển khai nhiệm vụ thời gian tới (Ảnh: VGP/Lê Sơn).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Tội phạm có tổ chức diễn ra phức tạp...
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138/CP về tình hình tội phạm, 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 23.456 vụ xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, nhiều loại tội phạm như trộm cắp tài sản, giết người giảm mạnh.
Tuy nhiên, tội phạm có tổ chức diễn ra phức tạp. Tội phạm giết người tuy giảm song xảy ra nhiều vụ việc với hành vi dã man, mất nhân tính. Tội phạm chống người thi hành công vụ tăng gần 22% so với cùng kỳ. Tình trạng bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em gia tăng, các hoạt động môi giới mại dâm, đánh bạc có chiều hướng gia tăng. Các lực lượng chức năng phát hiện 60 vụ mua bán người.
Đại biểu điểm cầu Hà Tĩnh dự hội nghị.
Nhìn chung, trong nửa đầu năm 2020, các lực lượng, đơn vị đã kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội, góp phần kéo giảm 8,4% số vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội; điều tra, khám phá nhiều chuyên án lớn, đặc biệt là tội phạm liên quan đến băng nhóm xã hội đen, nhiều vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Trong đó, đã điều tra, khám phá 19.720 vụ xâm phạm trật tự xã hội (tỷ lệ 84,04%), bắt 45.004 đối tượng; triệt phá 1.013 băng nhóm tội phạm các loại; bắt, vận động đầu thú 2.886 đối tượng truy nã.
Các đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng đã điều tra, xử lý 4.428 vụ án, vụ việc, bắt 10.433 đối tượng. Riêng tội phạm ma túy là 341 vụ/4.636 đối tượng, thu giữ 1.183,4 kg ma túy các loại.
Tại Hà Tĩnh, 6 tháng đầu năm xảy ra 213 vụ phạm pháp hình sự, làm 4 người chết, 62 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 5 tỷ đồng. So với 2019, tội phạm hình sự giảm về số vụ tuy nhiên nổi lên nhiều vụ án có tính chất, hành vi nghiêm trọng; tội phạm cướp tài sản xảy ra có tính chất manh động, sử dụng hung khí nguy hiểm; tội phạm mại dâm được kiềm chế rõ rệt, tuy nhiên tiềm ẩn nguy cơ hoạt động trá hình. Các lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá 186 vụ, 477 đối tượng phạm tội hình sự (đạt 87,3%). Khởi tố điều tra 362 vụ, 651 bị can; kết thúc điều tra, chuyển đề nghị truy tố 330 vụ, 644 bị can. Riêng về công tác phòng, chống ma túy, lực lượng chức năng Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt giữ 99 vụ, 130 đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ 0,8 quả thuốc phiện tươi, 1 bánh heroin, 40,7899g heroin, 127,092 kg ma túy đá, 01kg Ketamin, 376.131 viên ma túy tổng hợp; 2 khẩu súng, 1 ô tô, 3 xe máy và nhiều đồ vật, tài sản liên quan. |
Các đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh
Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt kết quả tích cực
Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng diễn biến phức tạp và thay đổi phương thức, thủ đoạn, mặt hàng trên tất cả các lĩnh vực. Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Thường trực đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, phát hiện, xử lý nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm.
Trong 6 tháng qua, các lực lượng chức năng cả nước phát hiện, xử lý 75.264 vụ việc vi phạm (giảm 12% so với cùng kỳ 2019), thu nộp ngân sách hơn 11.291 tỷ đồng, khởi tố 1.128 vụ, 1.346 đối tượng.
Trong đó, lực lương Hải quan phát hiện, xử lý 9.619 vụ vi phạm; cơ quan thuế: 21.863 vụ; lực lượng Bộ đội Biên phòng: 1.078 vụ, lực lượng Quản lý thị trường: 33.154 vụ; Bộ Công an: 9.255 vụ…
6 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất, thương mại ở Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có xu hướng giảm, không phát sinh các điểm nóng. Cụ thể, toàn tỉnh bắt giữ và xử lý 2.163 vụ vi phạm (giảm 18,6% so với 2019), giá trị vi phạm gần 2 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 2.012 vụ, tổng số tiền xử phạt hành chính, phạt bổ sung, truy thu thuế là 6.012,2 tỷ đồng. Xử lý hình sự 40 vụ với 55 đối tượng. Trong đó, Cục Hải quan tỉnh bắt giữ và xử lý 23 vụ; Công an tỉnh: 604 vụ; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: 36 vụ; Cục Quản lý thị trường: 836 vụ… |
Kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của các Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị (Ảnh: VGP/Lê Sơn)
Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế cần sớm khắc phục. Trong đó, hoạt động các loại tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều băng nhóm tội phạm bảo kê “xã hội đen” hoạt động lộng hành trong thời gian dài mới được điều tra, triệt phá. Công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ còn hạn chế, số vụ hình sự giảm nhưng chưa bền vững.
Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn và diễn biến phực tạp, đặc biệt là tình trạng mua bán ma túy; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ…
Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP, Ban Chỉ đạo 389, nhất là kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị triển khai công tác năm 2020. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, đơn vị nào để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài thì phải kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, báo cáo kết quả lên các Ban Chỉ đạo. Tiếp tục xây dựng các lực lượng chức năng (công an, biên phòng, quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành, thuế vụ, hải quan…) trong sạch vững mạnh.
Các bộ, ngành thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực các Ban Chỉ đạo phê duyệt triển khai các đề án chiến lược quốc gia về phòng chống tội phạm, các kế hoạch chuyên đề về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện quan trọng của đất nước. Thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục sơ hở để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự, chống buôn lậu.
Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10 ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Thực hiện hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, chống gian lận thương mại ngay trong lực lượng chức năng, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ biến chất, tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Quyết tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức liêm chính, có bản lĩnh, năng lực chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ trong tình hình mới.
Thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm; tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn. Nâng cao chất lượng điều tra, khám phá các vụ án đối với các loại tội phạm có tổ chức mua bán người, ma túy, xã hội đen, tín dụng đen, buôn lậu, hàng giả…
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các Ban Chỉ đạo, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương và các địa phương thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, nhiệm vụ được giao, nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng để triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm tội phạm.