>> Bài 2: Trách nhiệm không của riêng ai!
Dù các ngành chức năng đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp PCCCR nhưng gần như năm nào Hà Tĩnh cũng xảy ra các vụ cháy rừng, trong đó có cả những vụ thiêu rụi nhiều diện tích rừng. Ngoài nguyên nhân do thời tiết cực đoan thì ý thức PCCCR của một số chủ rừng, một bộ phận người dân là điều đáng lo ngại.
Hẳn nhiều người còn nhớ vụ cháy rừng “lịch sử” xảy ra vào những ngày cuối tháng 6 cách đây 3 năm ở Hà Tĩnh. Theo đó, lúc 13h ngày 28/6/2019, khu vực rừng thông tại tiểu khu 92A, thôn 7, xã Xuân Hồng (Nghi Xuân) xảy ra cháy lớn. Thời tiết nắng nóng gay gắt cùng với gió phơn tây nam thổi mạnh khiến đám cháy lan nhanh sang các khu rừng thuộc tổ dân phố 2, thị trấn Xuân An (Nghi Xuân).
Video hiện trường vụ cháy rừng “lịch sử” xảy ra vào những ngày cuối tháng 6 cách đây 3 năm ở Hà Tĩnh.
Hiện trường vụ cháy rừng “lịch sử" xảy ra tại khu vực rừng thông thuộc tiểu khu 92A, thôn 7, xã Xuân Hồng (Nghi Xuân).
Hà Tĩnh đã huy động hơn 1.000 người gồm các lực lượng công an, bộ đội, kiểm lâm, dân quân tự vệ và người dân địa phương cùng trang thiết bị tập trung dập tắt đám cháy. Tới 21h cùng ngày, ngọn lửa vẫn cháy dữ dội, thiêu rụi nhiều diện tích rừng và đe dọa các khu dân cư tổ dân phố 1, thị trấn Xuân An. Trước tình cảnh này, lực lượng chức năng đã phải cho sơ tán 80 hộ dân trong vùng nguy hiểm. Tỉnh Nghệ An cũng đã hỗ trợ thêm 5 phương tiện chữa cháy hiện đại giúp Hà Tĩnh dập lửa.
Ngay sau khi nhận được tin báo cháy rừng, huyện Nghi Xuân đã huy động các lực lượng: Kiểm lâm, bộ đội (Ban CHQS huyện), Tiểu đoàn Đặc công D31 (Bộ Tư lệnh Quân khu 4), Công an huyện và Nhân dân địa phương cùng các phương tiện tập trung dập lửa , di dời tài sản.
Sau nhiều giờ chiến đấu với “bà hỏa”, đến 22h30’ cùng ngày, vụ cháy rừng ở xã Xuân Hồng mới cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, tới 3h sáng 29/6, đám cháy bất ngờ bùng phát trở lại, lan nhanh và đe dọa trực tiếp 2 cây xăng dầu cạnh quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Xuân An khiến lực lượng chức năng phải tháo rời các cột bơm xăng và di chuyển toàn bộ tài sản ra ngoài.
Phải sau 5 lần phát lửa trở lại, với nhiều nỗ lực khi huy động tới 15.000 lượt người gồm các lực lượng từ kiểm lâm, chủ rừng, bộ đội, công an, dân quân tự vệ, người dân địa phương, sự hỗ trợ từ tỉnh Nghệ An cũng như triển khai hàng loạt các phương án chữa cháy, huy động 50 lượt xe cứu hỏa, hàng nghìn lượt máy thổi gió, cưa xăng thì Hà Tĩnh mới có thể khống chế được vụ cháy.
Vụ cháy rừng lịch sử với tổng diện tích bị cháy lên tới 92,4 ha, trong đó, diện tích có rừng là 67,1 ha thuộc tiểu khu 90 (xã Xuân Hồng) và tiểu khu 92A (thị trấn Xuân An), gây thiệt hại 3,2 tỷ đồng.
“Chưa khi nào xảy ra vụ cháy rừng lớn và kéo dài nhiều ngày (28-30/6) như vậy ở Hà Tĩnh. Vụ cháy rừng lịch sử với tổng diện tích bị cháy lên tới 92,4 ha, trong đó, diện tích có rừng là 67,1 ha thuộc tiểu khu 90 (xã Xuân Hồng) và tiểu khu 92A (thị trấn Xuân An), gây thiệt hại 3,2 tỷ đồng. Khu vực rừng bị cháy chủ yếu là rừng thông phòng hộ trên 50 năm”, ông Hồ Thế Nam - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nghi Xuân cho hay.
Vụ cháy rừng ở núi Mồng Gà, xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn xảy ra vào cuối tháng 6, đầu tháng 7/2020 thiêu rụi nhiều diện tích rừng.
Cùng thời điểm cháy rừng ở Nghi Xuân thì trên địa bàn còn xảy ra hàng loạt vụ cháy rừng ở tiểu khu 324 tại xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên); các khu vực: núi Bụt, thôn Làng Hội, xã Phú Lộc (Can Lộc); rừng ở xã Sơn Thủy và xã Sơn Lễ (Hương Sơn); đồi thông Linh Cảm, xã Tùng Ảnh (Đức Thọ); rừng keo ở phường Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh).
Ngay sau các vụ cháy rừng xảy ra vào tháng 6 thì trong tháng 7/2019 lại tiếp tục có thêm các điểm phát lửa, cháy rừng với mức độ nghiêm trọng không kém. Đơn cử như vụ cháy rừng ngày 8/7 ở khu vực núi Nầm, xã Sơn Châu và xã Sơn Thủy (Hương Sơn) thiêu rụi nhiều ha rừng thông 40 năm tuổi; vụ cháy rừng ngày 17/7, tại khoảnh 2, tiểu khu 358B, xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh)…
Vụ cháy rừng kéo dài 3 ngày (29/6 - 1/7/2020) tại xã Ân Phú (Vũ Quang) và xã Sơn Long, Sơn Trà (Hương Sơn).
Trong những năm qua, mùa nắng nóng nào Hà Tĩnh cũng xảy ra các vụ cháy rừng, trong đó có không ít vụ nghiêm trọng như: vụ cháy rừng kéo dài 3 ngày (29/6 - 1/7/2020) tại xã Ân Phú (Vũ Quang) và xã Sơn Long, Sơn Trà (Hương Sơn), hay vụ cháy rừng xảy ra tại các thôn Anh Hùng, Sơn Bình, Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc (Can Lộc)…
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, giai đoạn 2014-2018, toàn tỉnh xảy ra 64 vụ cháy rừng gây thiệt hại gần 136 ha. Tuy nhiên, chỉ trong 3 năm qua (2019-2021), toàn tỉnh đã xảy ra tới 180 điểm phát lửa, trong đó, 39 điểm gây cháy rừng khiến 365 ha rừng bị cháy không có khả năng phục hồi.
Xác định công tác PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nên trong những năm qua, Ban Chỉ đạo Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh đã chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương các cấp, chủ rừng triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ các biện pháp, giải pháp. Dù nỗ lực là vậy, nhưng mỗi năm, vào mùa nắng nóng, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra các vụ cháy rừng, thậm chí là cháy rừng nghiêm trọng. Không khó để “điểm danh” những địa phương xảy ra nhiều vụ cháy rừng và cháy rừng nghiêm trọng trong những năm qua như Hương Sơn, Can Lộc, TX Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Đức Thọ, Nghi Xuân…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn kiểm tra công tác PCCCR ở Hương Sơn ngày 1/6/2022.
Theo ông Phan Thanh Tùng - Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, trong những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các hình thái thời tiết ngày càng khó lường, nắng nóng vì thế cũng diễn biến phức tạp hơn. Nắng nóng, gió phơn tây nam thổi mạnh là nguy cơ hàng đầu khiến cháy rừng trên địa bàn tỉnh luôn tiềm ẩn.
“Năm 2019, thời tiết rất cực đoan khi nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao tới 39 - 42 độ C kéo dài liên tục hơn 30 ngày, dài nhất trong lịch sử 30 năm lại nay, kết hợp với gió phơn tây nam thổi mạnh đã gây ra 100 điểm phát lửa trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, đáng kể có 21 điểm gây cháy rừng tại 9 huyện, thị với diện tích có rừng bị ảnh hưởng 462,9 ha, số diện tích cháy không có khả năng phục hồi là 302,95 ha. Năm 2020 và 2021, dù có giảm về số vụ, diện tích bị cháy nhưng nắng nóng kéo dài cũng khiến vấn đề cháy rừng diễn biến phức tạp” - ông Phan Thanh Tùng lý giải.
Người dân thắp hương, đốt vàng mã tại các nghĩa trang gần rừng tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.
Bên cạnh đó, diện tích rừng tự nhiên tập trung có nguy cơ xâm hại cao, trọng điểm dễ cháy lớn, trải đều trên địa bàn với địa hình đồi núi chia cắt, phức tạp, cao, dốc hiểm trở, hạ tầng lâm nghiệp hạn chế, gây khó khăn cho công tác PCCCR.
Ông Lê Ngọc Danh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Can Lộc chia sẻ, địa phương có 8.100 ha rừng và đất lâm nghiệp - diện tích này dù không lớn nhưng lại có 6.500 ha là rừng dễ xảy ra cháy, gồm thông, keo, trải đều ở 16/18 xã, thị trấn với địa hình phức tạp, đi lại khó khăn.
Công tác PCCCR được Hạt Kiểm lâm Can Lộc đặt lên hàng đầu trong thời điểm nắng nóng.
Mỗi khi có nắng nóng kéo dài, bên cạnh triển khai các giải pháp PCCCR, đơn vị thường lập các chốt để hạn chế người không phận sự ra vào rừng. Thế nhưng, giải pháp này chỉ hữu hiệu đối với những khu vực rừng có các tuyến đường độc đạo, còn với huyện Can Lộc thì nhiều khu dân cư, người dân sống ngay sát rừng, việc kiểm soát vì thế gặp nhiều khó khăn.
Video: Ông Hồ Thế Nam - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nghi Xuân nói về ý thức người dân trong công tác PCCCR.
Trong quá trình tìm hiểu nguyên nhân các vụ cháy rừng, có một thực tế mà P.V Báo Hà Tĩnh nhận thấy ở hầu hết các địa phương thường xảy ra cháy rừng là việc ý thức PCCC của một số chủ rừng, nhất là chủ rừng cá nhân và một bộ phận người dân chưa thực sự tốt.
Phần lớn các vụ cháy rừng xuất phát từ sự bất cẩn của người dân khi đốt rác sau vườn nhà, thắp hương ở nghĩa trang, đốt ong, tự ý xử lý thực bì bằng lửa… trong thời gian cao điểm nắng nóng. Trở lại với vụ cháy rừng lịch sử kéo dài nhiều ngày ở xã Xuân Hồng và thị trấn Xuân An vào năm 2019, cơ quan công an đã bắt giữ ông Phan Đình Thành (SN 1973, trú tại thôn 7, xã Xuân Hồng). Người này sau đó bị Tòa án nhân dân (TAND) huyện Nghi Xuân xử phạt 7 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về PCCCR”.
Ông Phan Đình Thành thời điểm bị bắt giữ do gây ra vụ cháy rừng lịch sử Nghi Xuân năm 2019.
Theo khai nhận của ông Thành tại cơ quan công an, trưa 28/6, khi đang đốt rác trong vườn, do gió phơn tây nam thổi mạnh nên lửa đã cháy ra khắp vườn rồi lan sang khu vực rừng thông phía sau. Sự bất cẩn này của ông Thành đã gây nên vụ cháy rừng “lịch sử”, khiến hàng nghìn lượt người phải vất vả chữa cháy trong nhiều ngày.
Các bị cáo: Cao Huy Chương, Nguyễn Văn Sửu và Lương Xuân Thịnh tại phiên xử.
Ngày 19/11/2019, TAND huyện Hương Sơn tổ chức xét xử vụ án Cao Huy Chương (SN 1971, trú tại thôn 5, xã Sơn Hồng), Nguyễn Văn Sửu (SN 1973, trú tại thôn 2, xã Sơn Hồng) và Lương Xuân Thịnh (SN 1967, trú tại thôn 9, xã Sơn Lĩnh) về tội “Vi phạm quy định về PCCC". Trước đó, ngày 23/6/2019, các đối tượng này đi vào khe Nhồng thuộc vùng rừng thôn 10, xã Sơn Hồng để đốt ong lấy mật. Trong quá trình này, cả 3 đã làm cháy 46,75 ha rừng sản xuất. Đến sáng ngày 26/6/2019, tức sau 3 ngày, đám cháy mới được dập tắt. Tại phiên xét xử, TAND huyện Hương Sơn đã tuyên phạt Cao Huy Chương 6 năm 6 tháng tù, Nguyễn Văn Sửu 5 năm 6 tháng tù và Lương Xuân Thịnh 5 năm tù.
Video: Ông Trần Văn Minh - người đang nhận khoán bảo vệ 40 ha rừng ở xã Xuân Hồng, Nghi Xuân nói về việc bảo vệ rừng vào mùa nắng nóng.
“Trong công tác PCCCR, ý thức người dân đóng vai trò rất quan trọng. Nắm rõ điều này, trong những năm qua, lực lượng kiểm lâm các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ký cam kết bảo vệ rừng - PCCCR trong các tầng lớp nhân dân, từ học sinh tới người dân, đặc biệt là những hộ sống gần rừng. Tuy vậy, ý thức một bộ phận người dân vẫn chưa cao”, ông Phan Thanh Tùng - Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết.
Hà Tĩnh có 120.000 ha rừng (thông, keo, bạch đàn tái sinh) dễ cháy.
Bên cạnh đó, phần lớn các khu rừng trồng tập trung (thông, keo) có thực bì tốt và dày nhưng việc xử lý, giảm vật liệu cháy của các chủ rừng ở TX Hồng Lĩnh, Cẩm Xuyên, Vũ Quang, Nghi Xuân, Can Lộc, còn hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Một số khu rừng có đền chùa, miếu, khu di tích lịch sử, nghĩa trang nhưng chính quyền địa phương, chủ rừng chưa quan tâm cắm các biển báo, biển cấm lửa nên người dân còn chủ quan khi thắp hương, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.
Hạt Kiểm lâm Nghi Xuân phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh kiểm tra công tác PCCCR trong mùa nắng nóng.
Cũng theo nhìn nhận của ông Phan Thanh Tùng, khi xảy ra cháy rừng, lực lượng công an đã phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm lâm, chủ rừng điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Thế nhưng, hiện số vụ cháy rừng mà điều tra truy tìm được thủ phạm còn hạn chế, chỉ khoảng 30% các vụ cháy rừng là tìm được đối tượng gây ra cháy. Chính vì có nhiều vụ cháy rừng không xác định được thủ phạm và chịu xử lý của pháp luật nên việc răn đe người dân vẫn có phần bị hạn chế.
Việc tạo đường băng cản lửa là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn các vụ cháy rừng lan rộng.
Ngoài ra, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng của cháy rừng xuất phát từ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà trực tiếp là lực lượng kiểm lâm các địa phương. Lực lượng mỏng nên công tác tuần tra, kiểm soát chưa được phủ kín, rộng khắp để các “nguồn lửa” từ bên ngoài vẫn có thể xâm nhập vào rừng. Trong khi đó, việc phát hiện, báo cháy và chữa cháy đôi khi chưa được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Trình bày: Thanh hà
(Còn nữa)