Chó không chết thì con mình không sao?!
Ảnh: Internet
Chiều 17/7, Nguyễn Thiện B. (8 tuổi, trú xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) được mẹ chở tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh tiêm mũi vắc-xin thứ 5 phòng bệnh dại.
Chị Nguyễn Thị Phương (mẹ cháu B.) cho hay, vào ngày 16/6, cháu sang nhà hàng xóm chơi và bị chó cắn vào vai. 3 ngày sau, khi hàng xóm thông báo con chó cắn B. đã chết, chị mới đưa con đi tiêm phòng dại.
“Thấy con chó chỉ nặng 5 - 6kg và vết xước ở vai cũng nhỏ nên gia đình không chú ý lắm” - chị Phương lý giải.
Bé Nguyễn Thiện B. tiêm vắc-xin phòng dại sau khi bị chó cắn
Theo chị Phương, B. khá nhẹ cân nên khi tiêm phòng dại cũng lo lắng sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của con. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến gia đình lưỡng lự trong việc đưa con đi tiêm phòng ngay sau khi bị chó hàng xóm cắn.
Vào sáng cùng ngày, chị Ngô Thị Yến (trú xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà) cũng đưa con gái 2 tuổi là Bùi Thị Ngọc A. tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh tiêm vắc-xin phòng dại.
Chị Yến cho biết, vào ngày 10/6, Ngọc A. trêu chọc khi con chó nhà đang ăn và bị nó cắn ở chân phải. Dù khá lo lắng nhưng nghe mọi người nói theo dõi con chó, nếu nó không chết thì Ngọc A. không sao.
“Nghe hàng xóm nói vậy, thêm việc con gái còn nhỏ tuổi quá nên gia đình cũng chủ quan. 10 ngày sau, khi con chó nhà đột ngột chết, tôi mới đưa con đi tiêm phòng dại” - chị Yến chia sẻ.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 5 trường hợp tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh tiêm vắc-xin phòng dại sau khi bị chó cắn (Ảnh minh họa).
Điều dưỡng Nguyễn Thanh Mộng - Phòng tiêm chủng dịch vụ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cho hay, từ tháng 4 tới nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 5 trường hợp tới tiêm vắc-xin phòng dại sau khi bị chó cắn. Con số này cao hơn so với các tháng trước đó. Điều nguy hiểm là, có nhiều trường hợp sau khi bị chó cắn nhiều ngày mới tiêm vắc-xin phòng dại.
Khi bị chó cắn nên làm gì?
Bác sĩ CKI Nguyễn Chí Trung - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh) cho hay, bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng, đặc biệt là từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Đây là khoảng thời gian thuận lợi để virus dại phát triển, dẫn đến nguy cơ bệnh dại bùng phát.
Bác sĩ CKI Nguyễn Chí Trung, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm
Theo bác sỹ Trung, trong năm 2018, ở Hà Tĩnh có 3.560 ca được tiêm vắc-xin phòng dại. Con số này trong 6 tháng đầu năm 2019 là 2.329 ca. Năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 chưa có trường hợp nào tử vong nghi do chó dại cắn, nhưng từ năm 2013 tới năm 2017, ở Hà Tĩnh có 8 trường hợp tử vong sau khi bị chó cắn. Trong số này có 1 ca dương tính với bệnh dại, đã được bệnh viện tuyến Trung ương xác nhận. 7 trường hợp còn lại khi lên cơn có biểu hiện của bệnh dại rất rõ.
Bác sỹ Trung cho biết thêm, bệnh dại rất nguy hiểm, khi mắc bệnh dại tỷ lệ tử vong là 100%. Người nghi bị chó dại cắn cần được điều trị dự phòng vắc-xin và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.
Bác sỹ Nguyễn Chí Trung cho hay: “Ngay khi bị chó cắn, cần phải rửa vết thương dưới vòi nước chảy càng sớm càng tốt. Hành động này giúp loại bỏ virus khỏi vết thương. Tiếp đó, rửa vết thương bằng xà phòng, hoặc bằng các thuốc diệt khuẩn như cồn, cồn i-ốt, rượu mạnh và sớm đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế có tiêm vắc-xin, huyết thanh kháng dại”.
“Tuyệt đối không được tùy tiện sử dụng các bài thuốc dân gian để điều trị khi bị chó cắn” - Bác sỹ Trung khuyến cáo.