Với bản chất dân chủ của chế độ, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đặc biệt và đặt các quyền tự do dân chủ của công dân lên hàng đầu. Việc thực hiện các quyền này phải trên cơ sở thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tiễn, những năm qua, một số công dân đã lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và phải chịu hình phạt nghiêm khắc. Đó là bài học cảnh tỉnh cho những công dân cố tình không hiểu, hoặc nhẹ dạ cả tin nghe theo xúi giục của kẻ xấu, của thế lực bên ngoài, bất tuân quy định của pháp luật. |
Nhờ địa phương làm tốt công tác GPMB, nhà thầu thuận lợi trong huy động máy móc, phương tiện thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua xã Lưu Vĩnh Sơn.
Đường găng dự án không thể thay đổi
Theo quy định của pháp luật, một dự án ra đời phải trải qua rất nhiều khâu với các thủ tục chặt chẽ. Còn nhớ vụ việc xây dựng Công viên Vĩnh Hằng tại xã Bắc Sơn năm 2014, mặc dù UBND tỉnh thời điểm đó đã khẳng định: “Việc triển khai chủ trương thực hiện quy hoạch xây dựng công viên nghĩa trang là yêu cầu cấp thiết và đã được thực hiện một cách chặt chẽ, đồng bộ, đảm bảo quy trình, quy định”, nhưng hàng trăm người dân vẫn tập trung phản đối, thậm chí tấn công chiến sĩ công an, cán bộ xã, phá hoại tài sản công... Hậu quả là tình hình ANTT trên địa bàn phức tạp kéo dài, một số người phải chịu án phạt tù.
Hiện nay, dự án Phúc Lạc Viên - Đài hóa thân Hoàn Vũ (đi vào hoạt động từ năm 2017) đang phát huy tác dụng rất rõ, cho thấy tính hiệu quả nhiều mặt, nhất là vấn đề văn minh trong mai táng, bảo vệ môi trường, góp phần tiết kiệm quỹ đất đang ngày càng bị thu hẹp.
Công trình Phúc Lạc Viên (xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) ngày càng khẳng định được ý nghĩa thực tiễn, tính nhân văn, sự đúng đắn trong chủ trương của dự án.
Nhiều vụ việc tương tự khác cũng cho thấy, đường găng dự án quan trọng một khi đã xây dựng, lên phương án thì không thể thay đổi. Tương tự dự án trên, việc xây dựng dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt của huyện Hương Khê là có đầy đủ luận cứ khoa học và rất cần thiết, nhất là khi lượng rác thải trung bình hằng năm (giai đoạn 2019-2033) trên địa bàn thị trấn Hương Khê và 8 xã (Gia Phố, Phú Phong, Hương Xuân, Hương Thủy, Hương Vĩnh, Phú Gia, Hương Long, Hương Bình) khoảng 7.535 tấn (20,6 tấn/ngày).
Tuy nhiên, rất nhiều người dân sinh sống trên địa bàn thời điểm trước đó đã chống đối, ngăn cản đơn vị thi công, gây phức tạp tình hình. Đến nay, sau nhiều năm triển khai thực hiện, dự án đã dần hoàn thành, người dân đã nhận ra tính đúng đắn của dự án, giúp giải quyết sự bức xúc về thu gom, xử lý rác thải và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM...
Dự án khu xử lý chất thải rắn tập trung huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) nhìn từ bên ngoài.
Năm 2023, Hà Tĩnh xác định tập trung cao nhất cho việc triển khai dự án trọng điểm quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Đây là dự án được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định; được Quốc hội, Chính phủ tập trung ưu tiên nguồn lực để thực hiện. Tuy nhiên, một số người dân cố tình không chấp hành quy định của pháp luật, từ đó cản trở đơn vị thi công. Cấp ủy, chính quyền luôn tôn trọng, lắng nghe Nhân dân, nhưng trên cơ sở cùng thượng tôn pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng căn dặn: “Không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo” (1).
Do không đồng ý với phương án bồi thường đất thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, một số hộ dân ở xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) từng cản trở đơn vị thi công. Sau khi áp dụng rất nhiều giải pháp không thành (trong đó có tiếp công dân, trả lời đơn thư, đối thoại trực tiếp...), chiều 18/7/2023, UBND huyện Can Lộc đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và chính quyền xã tổ chức bảo vệ thi công dự án qua địa bàn thôn Chiến Thắng.
Hiện nay, tại địa bàn Can Lộc cũng như nhiều địa bàn khác, việc thi công cao tốc Bắc - Nam đang được triển khai thuận lợi, đảm bảo tiến độ.
Khu vực xứ đồng Cửa Đình, thôn Chiến Thắng, xã Khánh Vĩnh Yên - nơi từng xảy ra việc một số người dân cản trở thi công dự án cao tốc Bắc - Nam.
Huy động lực lượng chức năng bảo vệ thi công bắc cầu phao qua sông Ngàn Mọ phục vụ cắm mốc quy hoạch mỏ cát thôn Mỹ Yên cũng là giải pháp mà huyện Cẩm Xuyên buộc phải thực hiện. Bởi lẽ, để phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các phần việc phải thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch, không thể khác.
Việc gây cản trở, ảnh hưởng đến tiến độ cao tốc Bắc - Nam cũng là một trong những lý do khiến Hoàng Văn Luân bị khởi tố năm 2023. Trước khi bị bắt vào tháng 8/2023, trong nhiều hành vi Hoàng Văn Luân thực hiện có việc lợi dụng thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam để kích động người dân khiếu kiện và căng băng rôn tại Hà Nội với nội dung xấu.
Hãy đặt mình vào triệu trái tim!
Năm 2023, trên địa bàn xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) có đến 9 dự án lớn phải tiến hành thu hồi đất, trong đó có những dự án quan trọng có diện tích đất phải thu hồi lớn như: dự án cao tốc Bắc - Nam (hạng mục đường Ngô Quyền) với tổng diện tích thu hồi 6,7 ha; dự án cao tốc Bắc - Nam (hạng mục đường Song Hành, nối ĐT.550 - đường Hàm Nghi) với tổng diện tích thu hồi 5,2 ha; dự án GPMB mỏ đất phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng diện tích thu hồi 25,1 ha; dự án mở rộng Trung tâm Chỉ huy, nhà ở công vụ, khu lao động dạy nghề cho phạm nhân thuộc Trại giam Xuân Hà với tổng diện tích thu hồi là 13,4 ha; dự án khu thương mại, dịch vụ, du lịch và thể thao phía Tây Nam huyện Thạch Hà với tổng diện tích thu hồi 79,76 ha...
Ông Trần Bá Hoành - Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn cho hay: “Công tác GPMB được chúng tôi tập trung quyết liệt và điều đáng mừng là bà con rất đồng tình với chủ trương, không có tình trạng người dân phản đối hay cản trở thi công. Nhiều người dân rất gương mẫu, thậm chí có 2 gia đình là anh em ruột đã nhường khu vực đất lâm nghiệp hơn 32 ha đang sản xuất khá thuận lợi để phục vụ mặt bằng dự án trọng điểm, rồi di chuyển đến nơi khác nhận đất lâm nghiệp dù sản xuất không thuận lợi như cũ. Hiện nay, công tác GPMB các dự án lớn trên địa bàn được thực hiện đảm bảo kế hoạch. Nhiều hộ di dời nhà cửa phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã đến xây dựng nhà ở tại khu tái định cư Cửa Trùa, thôn Vĩnh Cát”.
Nhiều hộ dân đã làm nhà ở mới tại Khu tái định cư Cửa Trùa, thôn Vĩnh Cát, xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà.
Thực tế từ công tác GPMB tại xã Lưu Vĩnh Sơn cũng như nhiều địa bàn thuộc tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, phần lớn người dân đề cao tinh thần vì lợi ích quốc gia và lợi ích của toàn dân. Nhiều hộ đã chủ động phương án di dời nhà cửa, công trình, chủ động thực hiện nhiều phần việc để bàn giao mặt bằng phục vụ các dự án quan trọng của quốc gia, của tỉnh vì mục tiêu chung.
Mặc dù tinh thần cộng đồng người dân Hà Tĩnh tiêu biểu là vậy, song một bộ phận nhỏ người dân vẫn không chấp hành quy định của pháp luật, thậm chí cản trở thi công các công trình trọng điểm.
Việc một bộ phận người dân thôn Mỹ Yên (xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) có những băn khoăn về quy hoạch, khai thác mỏ cát trên địa bàn là rất dễ hiểu. Song, khi cấp ủy, chính quyền từ tỉnh, huyện đến địa phương giải đáp kịp thời bằng nhiều hình thức (tổ chức đối thoại, tuyên truyền qua các bài viết trên báo chí chính thống, truyền hình; qua các kênh phát thanh địa phương, các kênh Facebook do các sở, ngành, địa phương quản lý; qua các buổi sinh hoạt của tổ chức hội, đoàn thể...) thì cần phải lắng nghe để có nhận thức đúng, từ đó nghiêm túc thực hiện.
Khu vực khai thác mỏ cát thôn Mỹ Yên từ vạch kẻ đỏ đến bờ sông Ngàn Mọ, góp phần “nắn” dòng chảy sông, từ đó nâng cao khả năng thoát lũ cho hồ Kẻ Gỗ.
Người dân Mỹ Yên cần hiểu rằng, thực hiện theo “đường găng” dự án trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, ngoài làm tốt công tác GPMB, việc quan trọng là phải khai thác lượng lớn nguồn vật liệu đất, cát để phục vụ thi công.
Chính vì thế, UBND tỉnh đã chấp thuận khai thác 11 mỏ mới (8 mỏ đất san lấp, 3 mỏ cát lòng sông) phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Hà Tĩnh. Trong số này, có mỏ cát ở thôn Mỹ Yên.
Ngày 12/12/2023, một số tài khoản facebook đã đăng tải thông tin sai sự thật về quy hoạch khai thác mỏ cát Mỹ Yên.
“Khu vực quy hoạch mỏ cát Mỹ Yên có tổng diện tích 3,48 ha; trong đó có hơn 1,7 ha đất do UBND xã quản lý, đất sông ngòi, hoang hóa, bãi bồi; phần còn lại đã giao cho người dân. Khu vực quy hoạch này có diện tích liên quan đến 86 hộ dân trực tiếp sản xuất. Các thửa đất ở đây đều khá nhỏ, manh mún. Vùng đất này hiệu quả sản xuất không cao và nhiều thời điểm bị bỏ hoang.
Chúng tôi đang tập trung quyết liệt để giải quyết từng phần việc liên quan đến GPMB và đang rất tin tưởng người dân sẽ đồng thuận, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện đảm bảo tiến độ công trình trọng điểm quốc gia theo chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, bộ, ngành và của tỉnh”, ông Hà Huy Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ bày tỏ.
Tiếp tục triển khai nhiều dự án trọng điểm
Năm 2024, Hà Tĩnh xác định là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tại kỳ họp cuối năm 2023, HĐND tỉnh đã xác định trong năm 2024 sẽ tiếp tục huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, thu hút và đẩy nhanh các dự án trọng điểm.
Từ đó, Nghị quyết của HĐND tỉnh khẳng định: tiếp tục phối hợp Bộ GTVT triển khai và xúc tiến đầu tư các dự án giao thông trọng điểm (đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ, nâng cấp mở rộng quốc lộ 12C...); tăng cường các hoạt động hỗ trợ, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn, dự án theo định hướng Quy hoạch tỉnh, đặc biệt là các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược, có mong muốn đầu tư vào Hà Tĩnh (VFT, Vingroup, Sun Group, FPT, Ecopark, Silk Path, T&T, PV Gas...).
Dự án gần 1.600 tỷ đồng do VSIP làm chủ đầu tư sẽ được xây dựng trên diện tích hơn 190 ha nằm trong Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà (Trong ảnh: Khu vực khai thác dự án cách không xa tuyến đường cao tốc Bắc - Nam).
Khối lượng các dự án trọng điểm quốc gia, dự án quan trọng của tỉnh liên quan đến nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm năng sẽ đi liền với yêu cầu rất gắt gao về GPMB. Chính bởi vậy, tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ, thu hút đầu tư; phối hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai các dự án đã cam kết; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án trọng điểm; sớm khởi công Dự án hạ tầng Khu công nghiệp VSIP, các dự án đầu tư hạ tầng khu/cụm công nghiệp, đô thị, du lịch.
Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là nhà máy thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương được xác định là trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh.
Tin tưởng chắc chắn rằng, với những nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị, việc triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn Hà Tĩnh sẽ diễn ra thuận lợi, được Nhân dân đồng thuận cao.
Tin rằng, nhiều người dân Hà Tĩnh cũng sẽ hiểu rõ hơn về sự nghiêm minh của pháp luật để sống tỉnh thức, hiểu biết và luôn “thượng tôn pháp luật”, đồng thời củng cố vững chắc giá trị truyền thống văn hóa, con người Hà Tĩnh: yêu nước gắn liền với đồng thuận, cống hiến; yêu nước, người Hà Tĩnh sẵn sàng “xe chưa qua, nhà không tiếc”!
----------
1. Hoàng Việt, Không lầm lẫn giữa phương thức dân chủ với “sự theo đuôi quần chúng”, Tạp chí Cộng sản, số tháng 10/2023, tr.97.