Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh và những kỷ niệm trong lòng Nhân dân

(Baohatinh.vn) - Cách đây 64 năm, ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh 15/6/1957 đã trở thành dấu mốc quan trọng với Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà. Với những người vinh dự được chứng kiến sự kiện lịch sử này, đó là một kỷ niệm không thể nào quên.

Video Ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ kỷ niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh

Năm nay, dù đã 93 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Minh - nguyên Bí thư Thị ủy Hà Tĩnh (1970-1986) vẫn còn rất mẫn tiệp. Đối với ông, kỷ niệm được nhận nhiệm vụ làm công tác an ninh bảo vệ Bác khi Người về thăm Hà Tĩnh ngày 15/6/1957 là một niềm vinh dự, tự hào theo suốt cuộc đời.

Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh và những kỷ niệm trong lòng Nhân dân

Dù đã 64 năm trôi qua nhưng mỗi lần nhắc lại kỷ niệm ngày Bác về thăm Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Minh vẫn bồi hồi xúc động.

Ông Minh bồi hồi kể lại: “Ngày đó, tôi đang là Trưởng Công an huyện Thạch Hà. Trước đó 2 ngày (13/6/1957), tôi nhận được nhiệm vụ phải đảm bảo công tác an ninh chặt chẽ trên quốc lộ 1, từ địa phận Thạch Hà vào TX Hà Tĩnh để đón một “phái đoàn đặc biệt” từ Trung ương vào thăm Hà Tĩnh. Nhận nhiệm vụ, tôi chấn chỉnh, bố trí lực lượng rà soát các hàng quán, nhà dân ven đường từ cầu Già vào đến cầu Cày để đảm bảo an ninh tốt nhất.

Là nhiệm vụ bí mật nên chúng tôi không được cấp trên tiết lộ về “phái đoàn đặc biệt” cũng như danh tính người dẫn đầu, tuy nhiên, qua chỉ thị của cấp trên, tôi đã linh cảm đó là Bác Hồ. Trong tâm trạng vừa vinh dự, phấn khởi, vừa hồi hộp, lo lắng, chúng tôi đã bắt tay ngay vào triển khai nhiệm vụ với tinh thần khẩn trương và chủ động nhất”.

Đúng như dự đoán của ông Minh, khoảng 6h sáng ngày 15/6/1957, đoàn xe của phái đoàn Trung ương và các vị lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đi đón Bác về đến địa bàn Thạch Hà.

“Được đi cùng Bác, ngồi chung trong hội trường với Bác, nghe những lời thân thương, ấm áp của Bác, trong lòng tôi cứ rạo rực, tự hào. Trong suốt buổi nói chuyện, dường như cả hàng nghìn người có mặt đều chăm chú và không rời mắt khỏi gương mặt hiền từ, giọng nói trầm ấm của Bác.

Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh và những kỷ niệm trong lòng Nhân dân

Bác Hồ gặp mặt và nói chuyện với cán bộ, đồng bào Hà Tĩnh ngày 15/6/1957. Ảnh: Tư liệu

Bác yêu cầu Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh phải cố gắng sửa sai cho tốt; phải chú ý tăng gia sản xuất; muốn tiến lên CNXH thì phải xây dựng. Phải kết hợp thực hiện các công việc cho khéo, đừng làm việc này, bỏ việc khác. Phải nâng cao chí khí chiến đấu, cảnh giác; mở rộng phê bình, tự phê bình, nâng cao tinh thần kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí… “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên”...

Sau đó, tôi còn may mắn được gặp Bác nhiều lần khác khi là ĐBQH nhưng lần gặp đầu tiên này là kỷ niệm sâu sắc nhất” - ông Minh bồi hồi chia sẻ.

Khắc sâu lời dạy của Người, ông Nguyễn Văn Minh đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; nhiều lần được Trung ương khen thưởng. Ông từng là Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà; Trưởng ban Sản xuất HTX Nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh; Bí thư Thị ủy Hà Tĩnh và là ĐBQH khóa III (1964-1971).

Dù không được trực tiếp gặp Bác nhưng ông Nguyễn Văn Xân, 90 tuổi đời, 65 tuổi Đảng ở thôn Trung Sơn (xã Hồng Lộc, Lộc Hà), là Bí thư Đoàn xã lúc đó vẫn còn nhớ như in không khí ngày Bác về thăm Hà Tĩnh.

Ông Xân kể: “Sáng ngày 14/6/1957, nhận được giấy mời tham dự sự kiện Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã cử 2 đồng chí là Hồ Ngọc Diên - Bí thư Đảng ủy xã và Nguyễn Huyến - Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn xã vào TX Hà Tĩnh. Ngày đó, dù không được đi gặp Bác nhưng chúng tôi ai cũng hồi hộp, xen lẫn niềm vinh dự, tự hào”.

Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh và những kỷ niệm trong lòng Nhân dân

Mỗi dịp sinh nhật Bác Hồ hay mừng Quốc khánh 2/9, ông Nguyễn Văn Xân (xã Hồng Lộc, Lộc Hà) vẫn thường treo cờ Tổ quốc và làm lễ thắp hương tưởng nhớ Người.

Ông Nguyễn Huyến - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Can Lộc, một trong hai đại biểu xã Hồng Lộc được gặp Bác trong lần Người về thăm Hà Tĩnh tâm sự, chính nhờ được gặp Bác trong lần đó đã giúp ông có động lực phấn đấu trở thành một y sỹ có nhiều đóng góp cho ngành y tế tỉnh nhà. Với vai trò Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hồng Lộc, ông Huyến đã đưa đơn vị này trở thành trạm y tế tuyến xã điển hình ngành y tế toàn miền Bắc trong suốt 10 năm liền (1961-1970). Bản thân ông Nguyễn Huyến được Nhà nước phong tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua 9 năm liền (1961-1969) và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) là địa phương từng được Nhà nước phong tặng 4 danh hiệu đơn vị Anh hùng. Ngày 19/5/1969, Bác Hồ đã gửi tặng Nhân dân Cẩm Bình chân dung và bút tích của Người “Thân ái gửi lời khen Nhân dân và cán bộ xã Cẩm Bình đã tổ chức tốt công tác giáo dục văn hóa”.

Ông Trần Huy Thanh (90 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình (1974-1986) kể lại: “Ngày đó, dù chúng tôi không được gặp Bác nhưng sự kiện Bác về thăm Hà Tĩnh và những lời dặn dò của Người không chỉ là chủ đề thường xuyên trong các cuộc sinh hoạt chi bộ mà còn là chuyện của bà con chia sẻ, nhắc nhở nhau khi tham gia lao động sản xuất, khí thế thi đua học tập, lao động ở Cẩm Bình sôi nổi hẳn lên”.

Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh và những kỷ niệm trong lòng Nhân dân

Xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) là địa phương tiêu biểu của toàn tỉnh trong phong trào xây dựng nông thôn mới. (Ảnh Thanh Hoài)

Phát huy truyền thống của vùng quê anh hùng, ngày nay, Đảng bộ và Nhân dân xã Cẩm Bình không ngừng ra sức học tập và làm theo Bác để xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Trong những năm qua, Cẩm Bình không chỉ luôn giữ vững lá cờ đầu trong phong trào giáo dục của huyện, tỉnh mà còn là địa phương tiêu biểu của toàn tỉnh trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Đến bây giờ, người dân Thành Sen - TP Hà Tĩnh vẫn thường nhắc lại ký ức của ông bà, cha mẹ mình ngày Bác về thăm Hà Tĩnh với tình cảm thiết tha. Đó là hình ảnh Bác ngồi trên chiếc Pô-pê-đa màu trắng vươn tay vẫy chào đáp lại đồng bào đứng trước cửa nhà hai bên đường Phan Đình Phùng khi rời Hà Tĩnh hay Người đi dạo bên hồ sen nhà khách Tỉnh ủy để quán sát thiên nhiên, đất trời “khúc ruột miền Trung”…

Tất cả thật giản dị nhưng chan chứa bao tình cảm yêu thương, ấm áp mà Bác dành cho mảnh đất và con người núi Hồng, sông La.

Trong một ngày cuối hè đến Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh, tôi khá bất ngờ khi gặp vợ chồng thầy Nguyễn Văn Sinh và Nguyễn Thị Mão (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) với bó sen tươi thắm trên tay. Bà Nguyễn Thị Mão (69 tuổi, ở phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Rất nhiều năm qua, không chỉ các dịp lễ lớn mà những ngày rằm, mùng một…, vợ chồng tôi và nhiều người dân trong thành phố vẫn thường xuyên đến Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh để thắp hương tưởng nhớ Người. Đặc biệt, về mùa hè khi hoa sen nở, chúng tôi lại dâng lên Người những đóa hoa tươi thắm nhất”.

Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh và những kỷ niệm trong lòng Nhân dân

Mỗi dịp lễ, tết, bà Mão và chồng là ông Nguyễn Văn Sinh thường đến Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh để dâng hương, tưởng nhớ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Dù khi Bác về thăm quê, bà Mão còn nhỏ tuổi không được chứng kiến nhưng bà lại được gặp Người tại Hà Nội vào năm 1966. Lúc đó, bà 14 tuổi và là học sinh may mắn sống sót trong lớp học bị Mỹ ném bom làm chết 33 em, bị thương 24 em tại xã Hương Phúc (Hương Khê). Từ những lời dặn dò của Người, sau này bà Mão phấn đấu trở thành một giáo viên dạy học ở Trường THPT Phan Đình Phùng với hơn 30 năm cống hiến.

Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh và những kỷ niệm trong lòng Nhân dân

Bà Nguyễn Thị Mão (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh): "Về mùa hè, khi hoa sen nở, chúng tôi lại dâng lên Người những đóa hoa tươi thắm nhất”.

Trong không gian khang trang và khoáng đạt tràn ngập hoa cỏ xanh tươi của khu lưu niệm, ngắm nhìn bó hoa sen tươi thắm được kính cẩn dâng lên tượng Bác từ bàn tay của vợ chồng cựu giáo chức - những công dân Thành Sen, tôi chợt thấy rưng rưng…

Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh và những kỷ niệm trong lòng Nhân dân

TP Hà Tĩnh ngày càng văn minh, hiện đại. (Ảnh Nguyễn Thanh Hải)

Bác Hồ đã đi xa 52 năm nhưng nơi lưu dấu bóng hình Người vẫn đầy ắp thương nhớ trong lòng Nhân dân Hà Tĩnh. Ngày Bác về thăm trở thành kỷ niệm đẹp đẽ và đầy tự hào của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà.

Những ân tình và lời dặn dò của Người ngày nào, đến nay vẫn nguyên giá trị và là “kim chỉ nam” cho hành động, là động lực để Hà Tĩnh viết tiếp những trang sử truyền thống cách mạng vẻ vang, không ngừng phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh như Bác hằng mong muốn.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast