Vượt rừng cắm mốc

“Giữa núi rừng bạt ngàn, trên vách đá cheo leo, đứng đối diện với cột mốc thể hiện chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, trong mỗi chúng tôi - những thành vên Đội cắm mốc bỗng dâng lên niềm cảm xúc thật khó tả” – anh Nguyễn Trịnh Ngọ - Đội trưởng Đội cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.

Trên đường xác định vị trí cắm mốc

Trên đường xác định vị trí cắm mốc

Công tác tôn tạo, tăng dày cột mốc tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được xác định là một trong những điểm khó khăn nhất trên tuyến biên giới Việt - Lào, bởi đa số các vị trí cắm mốc đều nằm trên địa hình hết sức phức tạp vách núi cheo leo, độ cao trên 1.000m, có mốc cao trên 2.000m. Tuy nhiên, các thành viên của đội cắm mốc 2 nước đều xác định, đây là nhiệm vụ gian khổ nhưng vinh quang. Lường trước được những khó khăn, gian nan, vất vả, đầy nguy hiểm nhưng với nhiệm vụ chính trị cao cả của đất nước, các thành viên của 2 đội cắm mốc ngay từ buổi hội đàm đầu tiên (từ ngày 4 đến 7-4-2009) đã đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ.

Đội cắm mốc biên giới của 2 tỉnh được trang bị những máy móc, phương tiện làm việc hiện đại để xây dựng đường biên giới chính xác, đúng theo hiệp ước của 2 nước. Dù địa hình biên giới hiểm trở đến đâu, nhưng đội cắm mốc của 2 tỉnh cũng phải đi khảo sát thực địa, xác định vị trí mốc nhiều lần và cắm chính xác đến từng milimét. Qua mỗi lần xác định vị trí mốc từ bản đồ ra thực địa, 2 đội tiến hành đóng cộc dấu, chụp ảnh mô tả hiện trạng, lập sơ đồ nháp (bằng 2 thứ tiếng Việt Nam - Lào) được 2 đội ký và gửi về BCĐ của 2 nước.

Với địa hình cực kỳ phức tạp, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn – “Đông nắng, Tây mưa” khiến công tác xác định vị trí mốc hết sức gian khổ. Rất nhiều vị trí mốc ở biên giới Hà Tĩnh - Bôlykhămxây phải đi bộ mất 3 - 4 ngày đường mới đến nơi, có những chỗ phải đi bộ, leo núi cả tuần mới tới được, mà chưa chắc có đường để “leo” lên. Anh Cao Đức Hóa - cán bộ quân y của đội cắm mốc kể: “áo ướt rồi lại khô vì mồ hôi, vì mưa rừng, 3-4 ngày không được tắm, ăn uống thất thường chủ yếu là đồ hộp, đồ khô. Hàng ngày, sên, vắt, rắn rít luôn quanh mình, đêm nằm không chiếu, cành cây khô gãy rơi xuống đầu... đã trở thành quen thuộc với các thành viên cắm mốc. Đó là những hôm trời thuận gió hòa, còn lúc gặp mưa rừng không kịp mặc áo mưa, người ướt sũng, không có đồ thay, lá rừng và cành khô bị ướt không thể thổi cơm đành ăn lương khô, mì tôm qua bữa, bụng sôi cồn cào, chân tay rung bần bật. Có những vách núi cao chỉ có từng người qua một, đá bám rêu lâu ngày trợt trượt, phải bám chắc, đi bằng "5 chân" (chống tay chân và mông ngồi trượt đi) để vượt qua.

Bữa cơm đạm bạc giữa rừng của các thành viên đội cắm mốc

Bữa cơm đạm bạc giữa rừng của các thành viên đội cắm mốc

Trong lần đi khảo sát song phương xác định vị trí mốc 468, 469 đã để lại kỷ niệm khó quên cho 2 đội cắm mốc. Lần ấy, một cán bộ của Đội cắm mốc tỉnh Bôly khămxây sau 3 ngày leo núi bị giãn dây chằng không thể đi tiếp. Trước tình huống hết sức khó khăn, nguy hiểm vì đường đi cheo leo, bên vách núi, bên vực sâu không thể dùng cáng để đưa về được, nếu ở lại thì hết lương thực, thực phẩm, các thành viên quyết định thay nhau cõng người bị thương về. Sau 3 ngày vượt núi, băng rừng, thành viên của Đội cắm mốc tỉnh Bôly khămxây đã được “cõng” về an toàn, mồ hôi của thành viên 2 đoàn thấm vào nhau, như tình cảm Việt - Lào anh em có từ bấy lâu nay”.

“Vượt qua gian nan, vất vả, khó khăn, đến nay, Hà Tĩnh đã hoàn thành xong công tác khảo sát song phương xong với tỉnh Bôlykhămxây và phấn đấu hoàn thành cắm mốc trong tháng 8-2010. Với tình cảm đặc biệt của 2 nước, 2 tỉnh nói riêng và tinh thần, trách nhiệm của 2 đội, công tác cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam - Lào sẽ hoàn thành kế hoạch mà Chính phủ hai bên đề ra” – anh Nguyễn Trịnh Ngọ cho biết thêm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast