Thi THPT quốc gia: Nhiều thí sinh đăng ký ĐH chỉ để... "thử sức"!

(Baohatinh.vn) - Theo số liệu thống kê từ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay toàn tỉnh có hơn 18.000 thí sinh (kể cả thí sinh tự do) tham dự, trong đó, 12.290 thí sinh có nguyện vọng xét tốt nghiệp và đại học (chiếm tỷ lệ gần 68%); 5.875 thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp (chiếm tỷ lệ hơn 32%). So với năm trước, tỷ lệ học sinh (HS) có nguyện vọng xét tốt nghiệp và đại học tăng hơn 6%.

thi thpt quoc gia nhieu thi sinh dang ky dh chi de

Tỷ lệ học sinh lựa chọn các trường nghề sau khi kết thúc chương trình THPT chưa cao.

“Thi để thử sức”, tỷ lệ đăng ký vào đại học tăng

Thầy Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Lộc (Can Lộc) cho biết: “Năm nay, trường có 556 HS tham dự kỳ thi THPT quốc gia. Toàn trường có khoảng 160 HS học lực khá giỏi, học lực trung bình hơn 300 em, còn lại là yếu kém. Nhưng khi đăng ký thì chỉ 14 em có nguyện vọng xét tuyển tốt nghiệp (chiếm tỷ lệ hơn 2%)”.

Còn ở Trường THPT Hồng Lĩnh, theo thầy Lê Nhật Quang - Phó Hiệu trưởng: “Năm nay, toàn trường có 337 HS lớp 12 nhưng hầu hết đều có nguyện vọng xét tuyển đại học”.

Tương tự, tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà), trong tổng số 531 thí sinh tham gia kỳ thi cũng chỉ có 16 thí sinh có nguyện vọng xét tốt nghiệp.

Năm nay, ở Trường THPT Mai Thúc Loan (Lộc Hà), tỷ lệ HS có nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng cũng cao hơn so với trước (chiếm hơn 72%).

Trường THPT Thành Sen (TP Hà Tĩnh) có 159/220 thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân của thực trạng này là năm nay kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức tại 1 cụm chung cho các đối tượng thí sinh, việc đăng ký nguyện vọng vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học, cao đẳng có nhiều thuận lợi nên nhiều HS dẫu học lực chỉ ở mức trung bình cũng muốn thử sức.

Em Thu Hương - HS Trường THPT Lý Tự Trọng cho biết: “Em biết sức học của mình và thực tế cuộc sống đã cho thấy nhiều anh chị tốt nghiệp đại học ra trường cũng rất khó tìm được việc. Vì thế, với em, việc đăng ký nguyện vọng đại học chỉ đơn thuần để thử sức mà thôi”.

thi thpt quoc gia nhieu thi sinh dang ky dh chi de

Chọn nghề phù hợp với khả năng của bản thân và yêu cầu thực tiễn là cơ sở để đảm bảo cuộc sống cho các em trong tương lai.

Hướng nghiệp từ yêu cầu thực tiễn

Mặc dù tỷ lệ thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học tăng nhưng thông tin hơn 190.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp mà Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê khảo sát, công bố trong những tháng đầu năm nay cũng tác động đến suy nghĩ của HS khi chọn ngành, nghề.

Em Nguyễn Thị Vy - HS Trường THPT Cẩm Xuyên cho biết: “Kỳ thi năm nay, em chỉ đăng ký nguyện vọng xét tốt nghiệp rồi sau đó đi học nghề nấu ăn. Bởi đây là nghề em yêu thích từ lâu, hơn nữa, đầu bếp cũng đang là nghề dễ có cơ hội tìm được việc làm, thời gian học không kéo dài, mức lương cũng khá”.

Trên thực tế, số HS có suy nghĩ và lựa chọn như Vy cũng chưa nhiều, chỉ chiếm khoảng 32%.

thi thpt quoc gia nhieu thi sinh dang ky dh chi de

Đối với HS có học lực khá, giỏi, việc đăng ký chọn trường, chọn nghề cũng đã được gia đình và bản thân các em cân nhắc dựa trên thực tiễn việc làm hiện nay. Em Võ Quyên - Trường THPT Đồng Lộc cho biết: “Từ mong muốn của gia đình và xét năng lực, sở trường của bản thân, nhu cầu của xã hội, em đã chọn khối A để thi vào Trường Đại học Dược”. Cùng chung suy nghĩ ấy, em Ngô Hiền - Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết: “Em cũng lựa chọn thi khối A bởi trong xu thế hiện nay, những ngành học khối A khi ra trường có nhiều cơ hội tìm việc làm hơn”.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, tỷ lệ HS đăng ký vào đại học cao hơn, mặc dù, không ít trong số đó tham gia là để thử sức. Để việc phân luồng HS sau THPT rõ nét hơn, những người làm công tác giáo dục cho rằng, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì việc khảo sát số lượng lao động thất nghiệp, số sinh viên ra trường mỗi năm, những nhóm nghề còn thiếu nguồn nhân lực trên địa bàn…, từ đó có sự dự báo, định hướng cho HS và phụ huynh tham khảo là điều hết sức cần thiết. Làm được điều này, việc lựa chọn con đường học tập gắn với định hướng nghề nghiệp sẽ đạt hiệu quả cao hơn, góp phần giảm nỗi lo thất nghiệp cho sinh viên sau khi ra trường.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast