Thế trận giữa lòng dân

Trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào, các nhà chỉ huy quân sự cũng tìm cách chiếm lĩnh các điểm cao để khống chế đối phương, để công và thủ. Từ khởi thủy loài người với vũ khí thô sơ chông tre bẩy đá, mũi ná, dây cung cho đến ngày nay – bằng những vũ khí “thông minh” với khả năng hủy diệt kinh hồn…, núi rừng, điểm cao vẫn là tường thành tự nhiên vô cùng lợi hại.

Dãy Hồng Lĩnh sừng sững mọc lên giữa một dải đồng bằng kề biển, có sông ngòi bao bọc xen giữa làng xóm ruộng đồng, hùng tráng ngẩng đầu cùng bao la trời đất; điệp điệp trăm đỉnh nhấp nhô, ngàn thông ngăn ngắt, đá dựng trập trùng… Với tám cửa truông, 26 khe suối, với động hang giăng mắc, thế núi trụ trời, Hồng Lĩnh như một pháo đài đứng canh chừng cho cả vùng duyên hải miền Trung. Dưới con mắt các nhà quân sự, Hồng Lĩnh là trọng điểm có ý nghĩa mất - còn của khu vực phòng thủ trên trục tam giác Vinh – Viêng Chăn – Đà Nẵng trong “thế phòng thủ Đông Dương”.

Các tân binh của TX Hồng Lĩnh lên đường làm nhiệm vụ
Các tân binh của TX Hồng Lĩnh lên đường làm nhiệm vụ

Từ thưở xa xưa, cha ông ta đã nhận ra vị trí hiểm yếu này, vì vậy Kinh Dương Vương chọn đây làm kinh đô nước Việt Thường cổ; Hoàng tử con trai Mai Hắc Đế lập căn cứ Tháp Cờ; Lý Thánh Tông xây dựng Hành Cung; Nghĩa sĩ “Tứ hổ Hồng Sơn” đắp lũy đá cự cùng giặc Pháp. Cả hoàng đế Quang Trung khi cho xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô bên chân núi Quyết, hẳn Người đã nhìn thế tựa vào 99 đỉnh Ngàn Hống và hình sông thế núi đất Hồng Lam, nơi ẩn chứa tiềm lực quốc phòng vào hàng bậc nhất quốc gia.

Dãy Hồng Lĩnh là quần thể những ngọn núi cao nhấp nhô, được tập hợp bởi 3 nhóm núi tách rời nhau bởi 2 truông Cộng Khánh và Eo Bù, vừa độc lập vừa liên hoàn, tựa vào nhau, trợ cho nhau theo thế chân kiềng. Đây là vùng đất nổi tiếng địa – linh – nhân – kiệt, là nơi ngàn đời phát cả võ lẫn văn. Nếu đứng ở Nền Trang Vương trên đỉnh Hương Tích (dãy núi giữa trong 3 ngọn cao nhất của núi Hồng), dùng compa quay một hình tròn với bán kính khoảng 10 ki-lô-mét, trong cái vòng tròn sông - núi - làng mạc -ruộng đồng ấy, sách bút khó ghi hết tên tuổi các dũng tướng, danh sĩ, thi nhân.

Người Hồng Lam, khi yên bình lấy núi Hồng sông Lam làm cảm hứng sáng tạo nên nhạc nên thơ, làm nơi hội ngộ cho tao nhân mặc khách; khi đất nước có giặc thì sông Lam, sông La, sông Minh là hào lũy, mỗi đỉnh núi cao, mỗi khu rừng rậm là một pháo đài. Người quê ta, dù là sĩ - nông – công - thương mỗi người một vẻ, canh cửi khác nhau nhưng khi cần họ là chiến binh quả cảm. Trong lòng Nghệ Tĩnh, Hồng Lĩnh sừng sững trang nghiêm, là niềm tự hào ngàn đời của người Xứ Nghệ. Hồng Lĩnh có giá trị mất còn với dải đất này như Nghệ Tĩnh trong lòng tổ quốc Việt Nam vậy.

Có một lần cách đây khá lâu, tôi ngồi cùng Đại tá Nguyễn Đình Diệu - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh. Ở trong sở chỉ huy mà Đại tá Diệu như đang tọa trên nền Trang Vương. Anh giơ cánh tay bao quát cả một vùng sơn địa Hồng Lĩnh trong tưởng tượng, trong mê say và thông thạo:

- Thị xã Hồng Lĩnh bao gồm toàn bộ cánh tây dãy Thiên Tượng từ Cộng Khánh đến cầu Dằng. Đó là địa bàn lý tưởng cho việc xây dựng kinh tế, du lịch, quốc phòng. Con đường quốc lộ 1A phơi lườn giữa thanh thiên bạch nhật, bên sông sâu, bên núi cao, bao nhiêu sông lạch dồn tụ ở phía Bắc, phía Tây, núi Hồng trập trùng bên Đông không cho phép người ta điều chỉnh con đường độc đạo từ xa xưa đó. Nếu theo quốc lộ 8B từ Xuân An đi Cộng Khánh, cũng lại gặp quốc lộ 1A ở thị xã Hồng Lĩnh. Quốc lộ 8A nối Lào, Thái Lan với biển Đông cũng phải ghé về Vọt rồi mới hòa mạng vào các con đường nội địa. Nếu nói về lợi thế phòng thủ thì Hồng Lĩnh là một pháo đài có tường cao hào sâu, thuận lợi cả thủy và bộ, và đặc biệt người dân ở đây đa phần là dòng dõi nhà binh.

Nguyễn Đình Diệu vẽ vào không khí một cung bán nguyệt:

- Sát bờ sông Lam là làng rèn Trung Lương. Ngoài nghề rèn truyền thống, dân ở đây rất giỏi nghề nông. Đã có một thời gian dài sản lượng nông nghiệp ở đây cao nhất huyện Đức Thọ. Cha ông họ đã từng đúc súng rèn gươm cho nghĩa quân Phan Đình Phùng đánh Pháp, từng là trụ cột của các công binh xưởng trong “An toàn khu” Hương Khê, Vũ Quang hồi kháng chiến 9 năm. Người Trung Lương, đàn ông dù tám chín chục tuổi vẫn cầm búa tay gõ nhịp điều chỉnh một lúc ba bốn tráng đinh quai búa tạ để gia công một chi tiết nhỏ, nhịp búa lệnh nghe như tiếng nhạc, tiếng sênh; phụ nữ Trung Lương ra chợ liếc mắt qua hàng sắt biết con dao lưỡi rìu tôi già hay non, phân biệt được hàng của từng nhà trong xóm. Người Đậu Liêu có truyền thống chăn nuôi trâu bò luông. Trâu bò thả từng đàn từng lũ đen đồng, vậy nhưng hoàng hôn vừa buông xuống là cả cánh đồng vắng ngắt, trâu bò của nhà ai tự tìm về nhà nấy chẳng đợi chủ chăn, mùa gặt chúng kéo hết xuống đồng, mùa cấy gieo rủ nhau lên núi, con nào con nấy cứ tròn ủn ỉn như quả sim chín trông đến là mê. Trong kháng chiến, trâu bò Đậu Liêu, lúa khoai Đậu Liêu đóng góp cho cách mạng bằng cả một huyện Nghi Xuân, gần bằng huyện Hương Khê kia đấy. Vậy mà dân số họ hồi đó chỉ hơn ngàn khẩu, thời chống Mỹ cũng chỉ gấp đôi. Cũng vì thế mà hầu hết các địa phương trong Thị xã này đều xứng danh Anh hùng lực lượng vũ trang.

TX Hồng Lĩnh - nơi núi sông hội tụ
TX Hồng Lĩnh - nơi núi sông hội tụ

Tôi nhìn anh gật gù tâm đắc. Anh Diệu đã có 6 năm là Thị đội trưởng Hồng Lĩnh. Anh có mặt ở đây khi tỉnh vừa chia và Thị xã được thành lập. Trước đó anh từng làm thư ký cho Trung tướng Tư lệnh quân khu 4. Tôi buột miệng hỏi:

- Anh từ Quân khu về đây, chắc cấp trên có ưu ái cho Thị đội Hồng Lĩnh?

Ngầm đọc được ý tôi, anh Diệu cười:

- Hồi đó 34 cán bộ chiến sỹ Thị đội mỗi người một nơi mang ba lô về xây dựng đơn vị. Cắm trại ngay giữa bãi sim mua tím rịm, tím đến tái tê vì cái đẹp hoang dã, vì thương và vì tủi. Tủi cho miền quê nổi tiếng ngàn xưa lại bị chìm trong quên lãng, tụt lại rất xa với mặt bằng xã hội sau 15 năm nhập tỉnh. Và chúng tôi bắt tay vào xây dựng cơ quan trong cái hừng hực của gió Lào, hừng hực của lòng người Hồng Lĩnh quyết tâm làm sống dậy quê hương. Chỉ sau một năm có quyết định cấp đất khu nhà cơ quan, Thị đội Hồng Lĩnh đã hoàn thiện công sở, “ngon lành” đến mức Quân khu chọn làm điểm học tập, tham quan cho 75 huyện, thị, thành của 6 tỉnh Bắc miền Trung. Cũng trong thời gian đó chúng tôi tổ chức cuộc diễn mang mật danh “Phòng thủ HL2” thành công. Còn chuyện ưu ái của trên ư? Nếu không có sự quan tâm ấy, nếu không có vốn của trên rót về và không có sự chỉ đạo của Quân khu, của Tỉnh đội, của lãnh đạo Thị xã thì phỏng chúng tôi làm được ngần ấy công việc không? Tôi từng ở quân khu, được gần gũi học tập lớp đàn anh rất nhiều và điều đó giúp tôi có cái nhìn xa lại vừa cụ thể khi về xây dựng phong trào. Cái tình của lính, đâu phải sự phân phát cục bộ. Đầu tư cho Hồng Lĩnh nằm trong chiến lược đầu tư tầm sâu, tầm xa. Điều Hồng Lĩnh đáng được nhận từ lâu rồi ấy chứ.

Đó là câu chuyện gần chục năm về trước. Tròn mười năm sau cuộc trò chuyện với Đại tá Diệu, cũng là dịp kỷ niệm hai mươi năm ngày thành lập Thị xã Hồng Lĩnh, tôi trở lại Tỉnh đội Hà Tĩnh. Trong quân doanh vừa khánh thành rất khang trang và nghi vệ, Đại tá Nguyễn Đức Tới – Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự Tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Tinh thần nghị quyết 28 của Bộ chính trị là xây dựng các khu vực phòng thủ, đặc biệt phòng thủ quốc phòng gắn phát triển kinh tế với các địa bàn trọng điểm. Hà Tĩnh có các địa bàn trọng điểm như: Cảng Vũng Áng, Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo, Thành phố Hà Tĩnh…, Hồng Lĩnh cũng là một địa bàn trọng điểm của Hà Tĩnh trong kế hoạch xây dựng khu vực phòng thủ. Đây là một trong những địa bàn quân sự quan trọng vì ở đây có đầu mối các huyết mạch giao thông có thể chia cắt chiến lược. Đặc biệt dãy núi Hồng Lĩnh với tầm cao, vị trí xung yếu, địa hình phức tạp…

Hiện tại, tỉnh đang phấn đấu xây dựng Hồng Lĩnh thành khu đô thị phía bắc và phát triển thành đô thị loại 3, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh luôn chú trọng gắn liền phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng an ninh, đặc biệt luôn coi trọng đảm bảo đời sống dân sinh khu vực này. Một số công trình quốc phòng, dân sinh gắn kết đang được xúc tiến xây dựng. Chúng tôi luôn tâm niệm và hành động theo phương châm : “Phòng thủ trước hết là chính trị, trong chính trị quan trọng nhất là xây dựng thế trận giữa lòng dân”.

Tôi trở lại Hồng Lĩnh được Thị đội trưởng - Thượng tá Nguyễn Văn Thọ tiếp và tâm tình:

- Làm công tác quân sự trên một địa bàn mà đa số địa phương là Đơn vị AHLLVTND là một vinh dự lớn, cũng là trách nhiệm lớn. Trong sáu đơn vị hành cính cấp phường, xã ở đây đã có 5 đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang. Điều đó khẳng định quá khứ hào hùng của nhân dân và mảnh đất anh hùng này.

Đúng vậy! Suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người Hồng Lĩnh cống hiến sức người, sức của cho tiền tuyến thật đáng kể. Những năm đánh Pháp, núi rừng Hồng Lĩnh tua tủa những bãi chông tre, chông nứa nhọn hoắt chĩa lên trời như những con nhím khổng lồ để đề phòng quân Pháp đổ bộ bằng đường không. Tháng 6 năm 1947, những tay súng bộ binh của Bãi Vọt đã bắn hạ máy bay Đa Kô Ta của giặc. Hồi ấy, một phần mười người dân Hồng Lĩnh gia nhập Vệ Quốc đoàn, trung niên khỏe mạnh đi dân công hỏa tuyến, đi thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch từ Nam chí Bắc. Hình ảnh tiểu đội dân công hỏa tuyến xã Đậu Liêu do ông Bùi Quyển chỉ huy vượt sông Nậm Rốm dưới làn phi pháo và máy bay địch để tiếp đạn cho bộ đội Đại đoàn 316 đánh chiếm cứ điểm Mường Thanh còn khắc mãi trong trí nhớ của những người chiến sỹ từng làm chấn động địa cầu hồi đó.

Tôi nhớ trong một lần tiếp các nhà văn của Tạp chí Hồng Lĩnh ra thăm Thị xã, anh Đinh Quốc Thị, Bí thư Thị ủy Hồng Lĩnh (hồi đó) đã cho tôi đọc những bản tổng kết thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu của các xã , phường của thị xã. Thì ra những gì mà mảnh đất này đang có: địa thế hội tụ giao thông, tấm bình phong cho vùng duyên hải phía Đông, sông ngòi chằng chịt, đường độc đạo phơi lườn bên núi, bên sông… là những huyết mạch của con đường giải phóng. Khu rừng rậm Treo – Vọt ngàn xưa trở thành nơi che chở cho những kho tàng của Tổng cục hậu cần, che chở những đoàn xe, đoàn quân ra trận… Bãi Vọt nói riêng và các xã của Hồng Lĩnh từ một hậu phương nằm sâu trong miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở thành chiến địa, ngay từ những ngày đầu cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Nhằm chặn đứt đường quốc lộ 1A, chặt đứt mối giao lưu của con đường sang Lào và đường xuyên Việt, bọn Mỹ tập trung bom đạn đánh phá cầu Rong, cầu Dằng, eo Bấn, Cộng Khánh, Đò Trai… phong hỏa tuyến đường thủy trên sông Lam, sông La, sông Minh. Khu rừng Bãi Vọt bị bom cày đạn xới, B52 rải thảm, pháo từ hạm đội rót vào. Người Hồng Lĩnh, vừa đứng vững trên chiến tuyến đánh trả máy bay thù bảo vệ mục tiêu quân sự, bảo vệ quê hương, vừa là những chiến sỹ trung tuyến đảm bảo giao thông vân tải, vận chuyển quân lương, chăm sóc chở che các đoàn quân ra trận, vừa là hậu phương tay súng, tay cày.

Bao nhiêu trận đánh đã xảy ra, bao nhiêu người con ngã xuống, bao nhiêu máy bay giặc bị bắn rơi. Lịch sử đất này ghi: “Ngày 25/5/1966, dân quân Đậu Liêu phối hợp cùng tiểu đoàn cao pháo bắn rơi một máy bay Mỹ”. “Ngày 17/7/1967 dân quân Đức Thuận phối hợp cùng dân quân Trung Lương, Vượng Lộc bắn rơi một máy bay’’, “ngày 21/11/1967 bộ đội địa phương và dân quân Bãi Vọt bắn rơi tại chỗ một máy bay bắt sống giặc lái”… Lịch sử trung đội súng phòng không 12,7 li của xã Đậu Liêu ghi: “Từ năm 1965 đến tháng 1/1973, trung đội đã chiến đấu 218 trận trên quê nhà, cơ động phối hợp chiến đấu 36 trận, bắn rơi nhiều máy bay bảo vệ an toàn mục tiêu”. Cũng trong thời kỳ kháng chiến đó người dân Đậu Liêu đã góp cho cánh mạng bình quân mỗi đầu người 17 tấn lương thực chưa kể các loại rau màu thực phẩm khác.

Thưở ấy, đất rộng người thưa. Đất đai ở đây không phải là đất phù sa màu mỡ. Nắng lửa, gió Lào, mưa giông lũ xói đã bào thực vùng đất bán sơn địa này. Núi trơ đá xám, đất sỏi lô nhô, trồng cây lúa không chủ động được nước tưới. Bãi Vọt hoang hóa đến sáu bảy phần mười. Sim mua, gai góc, cây treo, cây vọt mọc loang cả mặt đường quan. Thưở ấy hoang vu và nghèo đói lắm, vậy mà thuở ấy, người Hồng Lĩnh đã làm được những chuyện phi thường.

Có hình dung được suốt 6 tháng mùa khô những người nông dân nón lá áo tơi xoay tròn giữa đồng cùng con trâu, cùng cái vồ vập đất để gieo vãi từng hạt lúa, lấn nhau với từng đám lau tranh mới thấm được mồ hôi của con người đổ ra đổi lấy bát cơm củ sắn. Cũng có thấy được trong 7 năm chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, mỗi người dân ở đây phải gánh trên lưng 20 quả bom các loại, hàng trăm viên đạn pháo, rốc két, tên lửa từ máy bay trút xuống mới thấy được sức nặng của những đóng góp từ đất này. Có thấy được đạn bom là thế, gian khổ ác liệt là thế mà đêm đêm từ những cánh rừng xác xơ bom đạn, từng đoàn xe rùng rùng ra trận qua Đồng Lộc, cầu Già, Đò Trai, Linh Cảm để đến các chiến trường mới thấy được bản lĩnh những người nông dân cầm súng trên đất Lam Hồng. Họ chiến đấu để tồn tại và để xây đắp cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Thượng tá Thọ cho biết:

- Cả hai cuộc kháng chiến, Thị xã Hồng Lĩnh có 222 liệt sĩ, 584 thương binh, 165 bệnh binh… Đặc biệt Thị xã có 2 bà mẹ được phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, 4 cán bộ Lão thành cách mạng. Chúng tôi đã và đang làm tốt chính sách hậu phương quân đội.

Tôi hỏi Thượng tá Thọ:

- Qúa khứ thật sự hào hùng, nhưng còn hiện tại, trận tuyến quốc phòng của ta ra sao?

Thị đội trưởng cho biết: “Xác định là cơ quan quân sự của một địa phương có truyền thống anh hùng, chúng tôi đã quyết tâm xây dựng cơ quan thành Đơn vị vững mạnh toàn diện và Thị đội Hồng Lĩnh đã làm được điều đó.”

Như để thay lời nói, anh đưa cho tôi một số tài liệu liên quan và cười một cách ý nhị: “Anh xem để biết thêm thôi nhé. Bí mật quân sự mà.”

Lướt nhanh qua những báo cáo, tổng kết, đánh giá công tác quân sự của Hồng Lĩnh, tôi thấy ngồn ngộn công việc các anh đã làm, phải làm thường xuyên: giáo dục tư tưởng; xây dựng tổ chức; xây dựng đội ngũ; xây dựng nội bộ đoàn kết thống nhất, dân chủ, kỷ luật; công tác dân vận, chính sách; xây dựng lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân… Những con số về đăng ký nghĩa vụ quân sự, tuyển gọi nhập ngũ, dự bị động viên chi tiết đến từng tên người, cấp bậc. Chỉ riêng kế hoạch diễn tập hàng năm: Diễn tập sắn sàng chiến đấu, Diễn tập kỹ thuật, chiến thật, khí tài; Diễn tập phòng thủ phối hợp đảm bảo an ninh, diễn tập chống bão lụt… nhìn mà ngơ ngẩn. Khối lượng công việc nhiều như vậy lo sao cho xuể? Bao nhiêu gánh nặng đè lên vai bộ đội ta, đè lên vai những người nông dân “thành thị” mang nghĩa vụ người lính ở trọng điểm then chốt này.

Với người Hồng Lĩnh, ở địa thế trên rừng dưới sông ấy, có nhiều thứ “giặc” họ phải thường xuyên đối mặt. Thường trực trong tư tưởng là kẻ thù xâm lăng, là bọn phản động chống đối chế độ, là những phần tử đi ngược lại quyền lợi của nhân dân. Họ cũng thường xuyên phải đối mặt với lũ lụt, thiên tai, hạn hạn để bảo vệ sự sống và thành quả đã xây dựng. Một mồi lửa vô tình có thể thiêu rụi cả ngàn thông, những trận mưa tự thượng nguồn có thể bất ngờ kéo theo cơn lũ dữ, phá đê điều, đe dọa sự sống và mùa màng. Phải thường xuyên tập dượt, phải chủ động đối đầu.

Nhớ một lần theo chân Bí thư Thị ủy Đặng Quốc Vinh lên bờ đê sông Lam xem diễn tập của lực lượng vũ trang Hồng Lĩnh phòng chống lụt bão. Người Hồng Lĩnh đổ lên hộ đê sông Lam với đủ các phương tiện và dụng cụ, ca nô cứu hộ xé sóng băng băng, núi Hồng như cao hơn lên, sẵn sàng trút đất đá vào những đoạn đê xung yếu. Xóm thôn trống dồn mõ giục. Cả Hồng Lĩnh như vào trận chống xâm lăng. Có giặc! Giặc giả cũng coi như thật. Không khí nghiêm trọng. Không gian như căng ra. Tôi nhìn bộ đội, dân quân, nhìn lực lượng dự bị động viên mà ngỡ như tất cả họ là lính đang chuẩn bị xung trận. Mảnh đất này đã lập được thế “ngụ nông ư binh”. Tôi nhìn 99 đỉnh non Hồng trùng điệp nhấp nhô mây trắng vờn nửa mái mà nghĩ đến những công trình phòng thủ ngày mai – những chiến hào sẽ xuyên vào lòng núi như ở Vĩnh Mốc, Củ Chi – thế trận tạo ra trong lòng dân, trong lòng đất quê hương. Thế trận chẳng kẻ thù nào, chẳng vũ khí nào đánh bật được.

Tôi lại nhớ tới lần cháy rừng thông trên Thiên Tượng giữa mùa gió Lào năm nao, ngọn lửa điên cuồng hung bạo bị nhân dân thị xã bao vây, dập tắt. Mặt còn nhem nhuốc bụi than, đỏ bừng vì nắng lửa, anh Nguyễn Thiện (Chủ tịch Ủy ban thị xã Hồng Lĩnh hồi đó) nói với chúng tôi:

- Mọi kẻ thù đe dọa sự sống của môi trường, đe dọa cuộc sống của nhân dân đều là giặc. Người Hồng Lĩnh sẵn sàng thế trận để giữ yên quê nhà.

Ghi chép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast