Cầu nối nhịp, hình thành các trục phát triển KT-XH của Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Trước thềm Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, 2 công trình giao thông: cầu Thọ Tường, cầu Cửa Hội đã khánh thành và hợp long, góp phần quan trọng trong kết nối vùng, phát triển KT-XH.

Cầu nối nhịp, hình thành các trục phát triển KT-XH của Hà Tĩnh

Cầu Cửa Hội - cây cầu thứ 3 bắc qua sông Lam, nối liền Nghệ An - Hà Tĩnh góp phần quan trọng trong kết nối vùng, phát triển KT-XH của 2 tỉnh.

Cầu Cửa Hội - cây cầu thứ 3 bắc qua sông Lam, nối liền Nghệ An - Hà Tĩnh là một trong những dự án thuộc danh mục các công trình trọng điểm của Bộ GTVT và của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Cầu Cửa Hội góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh, cải thiện hệ thống giao thông giữa hai bờ sông Lam, từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Bắc Trung Bộ. Đặc biệt, công trình cầu Cửa Hội có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN khu vực; kết nối với Quốc lộ (QL) 8B, QL 1A và giảm tải giao thông trên QL 1A.

Không chỉ là công trình hạ tầng giao thông đơn thuần, cây cầu còn mang khát vọng của người dân Xứ Nghệ. Mặc dù, trước đó, để nối đôi bờ sông Lam, thông tuyến giao thông trọng điểm quốc gia QL 1A đã có cầu Bến Thủy 1, Bến Thủy 2, nhưng trong ngày hợp long cầu Cửa Hội, người dân đôi bờ sông Lam nói riêng, Xứ Nghệ nói chung vẫn mang nhiều cảm xúc.

Ông Nguyễn Văn Nam - ngư dân xã Xuân Hội (Nghi Xuân) bày tỏ: “Cầu Cửa Hội hoàn thành, ngư dân chúng tôi sẽ dễ dàng tiêu thụ hải sản hơn sau những lần ra khơi vì khoảng cách với thị trường TX Cửa Lò, TP Vinh được rút ngắn hơn 10 km”.

Cầu nối nhịp, hình thành các trục phát triển KT-XH của Hà Tĩnh

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trong ngày hợp long cầu Cửa Hội.

“Cầu Cửa Hội hoàn thành, chắc chắn sẽ thu hút thêm lượng khách đáng kể từ Hà Tĩnh đến với biển Cửa Lò; du khách Nghệ An đến với biển Xuân Thành, Lộc Hà (Hà Tĩnh) và hoạt động kinh doanh du lịch biển sẽ sôi động hơn”, ông Lê Xuân Sơn - chủ nhà hàng kinh doanh ở TX Cửa Lò cho hay.

Dự án cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam có tổng chiều dài tuyến là 5,27 km, trong đó, phần cầu dài 1,728 km, còn lại là phần đường dẫn phía Nghệ An và Hà Tĩnh. Công trình có tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 450 tỷ đồng, ngân sách địa phương 500 tỷ đồng (Nghệ An và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 250 tỷ đồng).

Cầu nối nhịp, hình thành các trục phát triển KT-XH của Hà Tĩnh

Cầu Cửa Hội hoàn thành, đưa vào sử dụng là động lực, cơ sở quan trọng giúp Nghi Xuân sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020 - 2025.

Ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân khẳng định, cầu Cửa Hội hoàn thành, đi vào sử dụng như “cánh tay” nối dài, nâng tầm vị trí chiến lược của Nghi Xuân về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, trong đó, thế mạnh là văn hóa, du lịch và thương mại. Các tuyến giao thông của huyện sẽ được kết nối trọn vẹn với đường ven biển thông qua cầu Cửa Hội đến với Nghệ An và vùng phía Bắc. Đây là động lực, là cơ sở quan trọng giúp Nghi Xuân sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020-2025.

Cùng với đó, trước thềm Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, cầu Thọ Tường bắc qua sông La (huyện Đức Thọ) cũng được khánh thành, đưa vào sử dụng trong niềm vui vô bờ của người dân.

“Công trình cầu Thọ Tường hoàn thành, đáp ứng nhu cầu đi lại, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông khu vực, đặc biệt kết nối các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, TP Vinh - tỉnh Nghệ An với các huyện phía Tây Hà Tĩnh và đường Hồ Chí Minh; góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo QPAN và nâng cao đời sống cho người dân trong vùng” - Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh Lương Phan Kỳ cho hay.

Cầu nối nhịp, hình thành các trục phát triển KT-XH của Hà Tĩnh

Cầu Thọ Tường ngày khánh thành 11/10/2020.

Đi trên cây cầu vững chãi, hiện đại nối đôi bờ sông La, ông Nguyễn Văn Tiến ở xã Liên Minh (Đức Thọ) cùng rất nhiều người dân không giấu nổi niềm hân hoan, xúc động: “Cầu Thọ Tường đã có từ hàng chục năm qua nhưng quá nhỏ hẹp, mỗi lần qua lại rất khó khăn, nguy hiểm. Nay cầu mới được thiết kế rộng 2 làn xe cơ giới giúp người dân đi lại, vận tải thông thương rất nhanh chóng, thuận tiện. Đặc biệt về mùa mưa lũ, các phương tiện cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chức năng sẽ tiếp cận với người dân vùng lũ để ứng cứu nhanh hơn”.

Việc đầu tư, hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông chiến lược có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng, đảm bảo kết nối không gian giữa các vùng miền; liên kết giữa các chuỗi đô thị, khu du lịch, các khu, cụm công nghiệp... góp phần quan trọng trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast