Việt Nam mua vũ khí nào khi Mỹ sẵn sàng bán?

Sau khi ông Donald Trump tuyên bố, Mỹ sẵn sàng bán vũ khí tối tân nhất cho Việt Nam đã xuất hiện nhiều bình luận trang bị Việt Nam có thể mua.

Tuyên bố của Mỹ

Thông tin Mỹ sẵn sàng bán những vũ khí tối tân nhất cho Việt Nam được đăng tải trên website chính thức của Nhà Trắng, trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát biểu:

"Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ mua các trang bị thiết bị từ Mỹ. Nước Mỹ là nơi làm ra những trang bị tốt nhất, chúng tôi làm ra những thiết bị quân sự tốt nhất, từ các loại máy bay cho đến bất kể thứ gì mà bạn có thể nêu tên. Những tên lửa do chúng tôi sản xuất nằm trong danh mục mà không phải ai cũng có thể tiếp cận được...", trích đoạn nội dung được đăng tải trên website của Nhà Trắng.

viet nam mua vu khi nao khi my san sang ban

Máy bay SC-130J.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump, nhiều chuyên gia đã bình luận, đánh giá về các loại vũ khí, trang bị Mỹ mà Việt Nam sẽ mua sắm đầu tiên. Trong đó nổi lên quan điểm đáng chú ý đó là Việt Nam sẽ mua máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion và máy bay vận tải hạng trung C-130J Hercules.

Theo nguồn tin này, hiện điểm yếu nhất của Hải quân Việt Nam là khả năng tác chiến chống ngầm. Do đó, Việt Nam sẽ mua trang bị đầu tiên là máy bay tuần tiễu chống ngầm của Mỹ là điều rất hợp lý. Nhưng đó là loại nào thì cần phải suy xét cặn kẽ.

Cơ hội lớn nhất

Hiện Việt Nam chỉ có máy bay vận tải quân sự chiến thuật hai động cơ EADS CASA C-295 của hãng Airbus Military. Tuy nhiên, tính năng của nó không thể sánh được với máy bay vận tải hạng trung C-130 Hercules của hãng Lockheed Martin - Mỹ

C-295 chỉ có tải trọng hàng hóa tối đa là 9 tấn, trong khi C-130 có thể mang được tới 20 tấn, bao gồm 92 hành khách hay 64 lính nhảy dù hoặc 74 bệnh nhân nằm giường, với 2 nhân viên y tế (khi sử dụng làm phiên bản máy bay cứu thương).

Ngoài ra, khoang hàng rộng hơn và tải trọng lớn hơn cũng khiến C-130 có thể chuyên chở cả các loại trang bị nặng và cồng kềnh như xe bọc thép chở quân hay xe chiến đấu bộ binh... C-130 còn có thể cất cánh từ các đường băng ngắn của các sân bay dã chiến với tải trọng tối đa, thuận tiện cho việc vận chuyển đến các vùng biên giới, hải đảo thiếu cơ sở vật chất quy chuẩn.

Do đó, có thể nhận định rằng việc Việt Nam mua sắm máy bay C-130 để nâng cao năng lực vận tải cũng là điều hợp lý, trong bối cảnh tác chiến hiện đại cần vận chuyển nhiều hàng hóa, trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, việc trong tương lai Việt Nam có thể sẽ tham gia các hoạt động quốc tế cũng sẽ khiến chúng ta cần đến loại máy bay vận tải này để chuyên chở lực lượng, phương tiện đến những khu vực xa xôi, địa hình phức tạp ở nước ngoài.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là trong thời gian qua, đã xuất hiện thông tin Việt Nam có quan tâm đến biến thể tuần tra hàng hải và chống ngầm SC-130J Sea Hercules của dòng C-130. Nếu chúng ta sắm biến thể này thay vì mua P-3C thì sẽ là điều "nhất cử lưỡng tiện".

Bởi theo Lockheed Martin, SC-130J được trang bị đầy đủ những tính năng chống ngầm của P-3C4 Orion, biến nó thành phiên bản Orion trên khung thân mới hơn, tiềm tàng khả năng có thể nâng cấp thêm.

SC-130J có trọng lượng không tải 34.274 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 79.378 kg, tốc độ tối đa 671 km/h, tốc độ hành trình 643 km/h, tầm hoạt động 5.250 km, trần bay 12.310m, trần bay trinh sát tốt nhất khoảng 7-8.000m.

Hiện tại vẫn chưa rõ trọng lượng vũ khí mà SC-130J mang theo được là bao nhiêu, nhưng với tải trọng hữu ích mang theo lên tới 19.050 kg của C-130J thì chắc chắn lượng vũ khí của nó sẽ không thể thua kém con số 9.100 kg của P-3C Orion.

Nếu khả năng đặt mua SC-130J thay vì P-3C cũ được tính đến thì chúng ta sẽ có một máy bay tuần tra chống ngầm mới, hiện đại hơn, có tính năng toàn diện, hơn nữa lại khắc phục được nhược điểm về dự trữ thời gian hoạt động không còn dài của P-3C4 Orion.

Một vấn đề khá quan trọng là giá của C-130J và cả SC-130J đều không quá đắt. Ngoài ra, việc sở hữu cả 2 loại máy bay cùng 1 dòng C-130 sẽ giúp Việt Nam rất thuận tiện trong công tác đào tạo, huấn luyện, đồng thời có thể sử dụng chung các cơ sở bảo đảm cho chúng, tiết kiệm được chi phí.

Theo Đan Nguyên/Báo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast