Dốc sức ứng cứu lũ lụt, khẩn trương đối phó bão Sarika

(Baohatinh.vn) - Các cấp, ngành, địa phương Hà Tĩnh phải tiếp tục tập trung cao cho việc ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, nhất là công tác cứu hộ, sơ tán dân cư vùng nguy hiểm, bị cô lập đến nơi an toàn; tuyệt đối không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống.

>> Hà Tĩnh: 24.158 hộ dân ngập lũ, 20 km đường sắt Bắc - Nam sạt lở

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ký ban hành Công điện số 19 /CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó với mưa lũ và bão Sarika, trong đó nêu rõ, do ảnh hưởng kết hợp của rìa Tây Nam lưỡi áp cao lục địa tăng cường, rìa Bắc rãnh áp thấp nối tâm áp thấp nhiệt đới và nhiễu động đới gió Đông trên cao nên toàn tỉnh có mưa, có nơi mưa to đến rất to. Mưa lũ đã làm ngập lụt 93 xã, phường trên địa bàn 09 huyện, thành phố với tổng số hộ dân là 24.158 hộ.

doc suc ung cuu lu lut khan truong doi pho bao sarika

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh kiểm tra tình hình lũ lụt và trao mỳ tôm cứu trợ cho người dân vùng ngập lũ Hương Khê

Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cơn bão có tên quốc tế là Sarika đang hoạt động trên vùng biển phía Đông Philippin. Dự báo đến 13 giờ ngày 16/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 14-15.

Thực hiện Công điện số 1826/CĐ-TTg và Công điện 1827/CĐ-TTg ngày 15/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; để chủ động đối phó với tình hình mưa lũ đang xảy ra trên địa bàn và diễn biến của bão Sarika; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc Công điện số 18/CĐ-UBND ngày 12/10/2016 của UBND tỉnh và Công điện số 21/CĐ-PCTT ngày 14/10/2016 của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh về đối phó với tình hình mưa lũ đang xẩy ra trên địa bàn.

Khẩn trương triển khai công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa, lũ; đặc biệt tập trung cho công tác cứu hộ, sơ tán dân cư vùng nguy hiểm, bị cô lập đến nơi an toàn; tổ chức chi viện lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân, tuyệt đối không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống.

Tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm người bị mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại.

Tổ chức kiểm tra, canh gác, hướng dẫn giao thông tại các bến đò dọc, đò ngang, các ngầm qua sông suối để tránh xảy ra các trường hợp thiệt hại về người do bất cẩn. Sẵn sàng phương án chuẩn bị "4 tại chỗ" tại các địa phương, đơn vị để chủ động cung ứng khi cần thiết.

Thông báo cho các chủ phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, nhất là các tàu hoạt động xa bờ biết thông tin về diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Kiểm đếm, nắm chắc số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển; thường xuyên giữ liên lạc với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Ban chỉ huy PCTT và TKCN các công trình thủy lợi Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên, Sông Rác - Kim Sơn, Thủy điện Hố Hô, Thủy điện Hương Sơn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và tình hình ngập lũ vùng hạ du các hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa nước lớn để điều tiết một cách hợp lý, đúng quy trình được duyệt, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tiếp tục triển khai công tác ứng cứu, cứu hộ, cứu nạn theo đề nghị của các địa phương.

doc suc ung cuu lu lut khan truong doi pho bao sarika

Các LLVT tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm người bị mất tích

Giao Trưởng các Đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác PCTT&TKCN tại các địa phương theo phân công của UBND tỉnh tại Quyết định số 1074/QĐ-UBND ngày 06/5/2016 tiếp tục xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Sở GTVT (Tiểu ban đảm bảo giao thông phương tiện) chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để kịp thời chi viện cho các công trình trọng điểm khi có lệnh, phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra các chủ đò, phương tiện vận tải thuỷ, nếu không đảm bảo an toàn, tuyệt đối không cho hoạt động.

Sở TN&MT chỉ đạo Đài Khí tượng thuỷ văn theo dõi thường xuyên diễn biến của bão và tình hình mưa, lũ; phối hợp với Đài PTTH tỉnh, Báo Hà Tĩnh kịp thời đưa tin về tình hình, diễn biến của bão và mưa lũ cho các địa phương, các ngành và nhân dân được biết để chủ động phòng tránh có hiệu quả.

Sở TT&TT đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt để phục vụ tốt cho công tác chỉ huy điều hành của tỉnh đến tận các địa phương và công trình trọng điểm.

Các Sở: Công thương, Y tế, Tài chính chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men, kinh phí để kịp thời hỗ trợ cho nhân dân các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu.

Các sở, ban, ngành theo chức năng nhiệm vụ của mình chuẩn bị mọi phương án để chủ động ứng phó có hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra.

Đài PTTH, tỉnh Báo Hà Tĩnh và các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng đưa tin; thường xuyên thông báo diễn biến thiên tai cho các sở, ban, ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động phòng, tránh.

Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã, Ban chỉ huy PCLB các công trình trọng điểm, các Tiểu ban tổ chức thường trực 24/24h để theo dõi, cập nhật các thông tin về diễn biến của bão và mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó; báo cáo kịp thời mọi diễn biến về UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

Giao Sở NN&PTNT (cơ quan Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh) chủ trì, phối hợp Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tổ chức theo dõi, tổng hợp diễn biến của bão và mưa, lũ; báo cáo và tham mưu kịp thời để UBND tỉnh chỉ đạo xử lý các tình huống cấp bách có thể xảy ra.

Chủ đề TẬP TRUNG ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA LŨ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast