Trọn nghĩa nước, vẹn tình nhà

(Baohatinh.vn) - Hơn 40 năm thực hiện những nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước giao phó, khi trở về quê hương, hạnh phúc không ai sánh bằng của người Đại tá tình báo Trần Đình Dung (thị trấn Hương Khê, Hà Tĩnh) là một người vợ tần tảo, thủy chung và 6 đứa con thành đạt.

Trong căn nhà nhỏ ở thị trấn Hương Khê, ông Dung cần mẫn chăm sóc người vợ của mình bằng tình yêu thương, lòng biết ơn và cảm phục. Nhìn cái cách ông bón cho bà từng thìa cơm, nhẹ nhàng chải tóc hay say mê đọc thơ cho bà nghe, tôi thầm cảm phục tình yêu của đôi vợ chồng già.

tron nghia nuoc ven tinh nha

Ông Dung tự hào về “gia tài” là một gia đình hạnh phúc.

“Bà ấy nằm một chỗ đã 17 năm nay. Ngã gãy chân, đã mổ nhiều lần nhưng không thể đi lại được, chứ đầu óc thì vẫn minh mẫn lắm. Con cái cứ bảo thuê người chăm sóc bà nhưng tôi không chịu, tôi còn khỏe mạnh, còn làm được công việc này. Với lại, tôi muốn đền đáp những ân nghĩa mà suốt cả cuộc đời này tôi nợ bà ấy” - ông trầm ngâm tâm sự.

Sinh ra trong một gia đình bần nông ở xã Gia Phố (Hương Khê), mẹ mất sớm, một mình bố ông nuôi 7 người con khôn lớn. Bố ông chính là động lực, là tấm gương về nghị lực, sự tự lập để ông Dung vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trong suốt quãng đời chiến đấu của mình.

18 tuổi (năm 1948), ông Dung đã vinh dự đứng trong hàng ngũ lực lượng công an nhân dân. Từ một chiến sĩ bảo vệ an toàn khu, ông đã trở thành một nhà tình báo chiến lược, rồi bí thư tại đại sứ quán ở nhiều nước; từ một chiến sỹ trinh sát trở thành một vị đại tá. Cả quá trình rèn luyện, chiến đấu và trưởng thành, nơi ông toát lên một ý chí, bản lĩnh và nhân cách đáng trân trọng.

Cưới vợ được vài ngày, ông nhận nhiệm vụ sang Lào công tác, rồi suốt những năm tháng sau đó là chuỗi dài những chuyến đi triền miên. Khi là bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, lúc là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam, Trưởng Trung tâm Tình báo Việt Nam tại Thái Lan… Môi trường sinh sống và công tác khắc nghiệt đã rèn luyện cho ông một bản lĩnh kiên cường, trí tuệ hơn người và nghiệp vụ vững vàng.

tron nghia nuoc ven tinh nha

Ông Dung bên những kỷ vật của thời trẻ.

Thực hiện công tác tình báo tại nước ngoài, ông phải đối mặt với rất nhiều đối tượng phản động âm mưu lợi dụng tình hình để chia cắt mối quan hệ giữa ta và nước sở tại. Bằng chuyên môn nghiệp vụ, vốn ngoại ngữ và hiểu biết văn hóa cùng tài ngoại giao, ông không chỉ thuyết phục các đối tượng cải tà quy chính mà còn trở nên có cảm tình với cách mạng ta. Cũng không ít lần kẻ thù muốn mua chuộc nhưng với niềm tin sắt son vào Đảng, ông vẫn một lòng kiên trung.

Là cán bộ ngoại giao làm việc tại nước ngoài, ông hiểu được rằng, bộ phận bà con Việt kiều đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn mối quan hệ giữa hai nước. Vì vậy, ông hết sức quan tâm, gần gũi, giúp đỡ đồng bào. Những năm tháng ông sống tại Lào, Indonesia, Thái Lan, đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bà con. Điều đó góp phần lớn trong việc xây đắp, gìn giữ mối bang giao giữa Việt Nam và các nước.

Ông hoàn thành nhiệm vụ và chính thức nghỉ hưu năm 1989 với hành trang là chiếc balo chứa đầy kỷ vật của một thời gian khổ nhưng hào hùng, oanh liệt: Hàng trăm bức thư của vợ, con gửi cho ông, thư và ảnh của bà con Việt kiều, kỷ vật của bạn bè, anh em cơ quan tặng… Trở về nơi chôn rau cắt rốn, sống giữa tình làng nghĩa xóm, ông hạnh phúc với những gì mình đang có. Dù người vợ tào khang của ông không còn được khỏe mạnh nhưng ông bà luôn quấn quýt bên nhau không rời. 6 người con (2 trai, 4 gái) đều thành đạt, trong đó, người con cả Trần Tiến Dũng là Thiếu tướng - Phó Chính ủy Quân khu IV, các con gái và con rể là sỹ quan trung, cao cấp của lực lượng vũ trang – đó có lẽ là món quà vô giá mà bà dành cả cuộc đời tần tảo của mình để tặng cho ông. “Tôi mang ơn bà ấy” là câu nói mà trong suốt cuộc trò chuyện, ông cứ nhắc đi nhắc lại như nói với chính mình.

Nay đã gần 90 tuổi đời, ông bà vẫn minh mẫn, luôn là tấm gương về bản lĩnh, nhân cách và một tình yêu son sắt, thủy chung cho con cháu noi theo. Những vần thơ tha thiết, ân tình của ông là hành trang để các con mang đi suốt cuộc đời: “Chưa hẳn giàu sang đã là hạnh phúc/ Hạnh phúc là niềm vui/ Có niềm vui cùng nhau chia sẻ/ Công cha, nghĩa mẹ/ Con cháu đáp đền/ Đạo nghĩa thủy chung/ Nghĩa tình chồng vợ”.

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast