Đề cử “Mộc bản trường học Phúc Giang” vào danh mục Di sản Tư liệu thế giới

(Baohatinh.vn) - Tại Hà Nội, Ban thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh vừa tổ chức tọa đàm bảo vệ thử hồ sơ đề cử “Mộc bản trường học Phúc Giang” vào danh mục Di sản Tư liệu thế giới.

Đại sứ Phạm Sanh Châu - Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì tọa đàm

Đại sứ Phạm Sanh Châu - Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì tọa đàm

Tham dự buổi tọa đàm có các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Văn học, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Trung tâm Văn hóa - Khoa học Văn miếu - Quốc Tử Giám, Đại học KHXH&NV Hà Nội, Trung tâm lưu trữ Quốc gia và Vụ Văn hóa đối ngoại (Bộ ngoại giao)...

Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra từ ngày 17 - 21/5/2016 tại thành phố Huế dự kiến sẽ xét duyệt các hồ sơ đã được các quốc gia trong khu vực đệ trình để ghi vào danh mục Di sản Tư liệu, trong đó Việt Nam có 2 hồ sơ là “Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” và “Mộc bản trường học Phúc Giang”...

Lãnh đạo tỉnh và ngành liên quan Hà Tĩnh tháp tùng Đoàn học giả quốc tế và Việt Nam tìm hiểu Mộc bản cổ Trường Lưu.

Lãnh đạo tỉnh và ngành liên quan Hà Tĩnh tháp tùng Đoàn học giả quốc tế và Việt Nam tìm hiểu Mộc bản cổ Trường Lưu.

Sau khi nghe ông Nguyễn Huy Mỹ, hậu duệ đời thứ 16 họ Nguyễn Huy (Can Lộc) trình bày nội dung hồ sơ, các đại biểu dự tọa đàm thảo luận sôi nổi, đánh giá “Mộc bản trường học Phúc Giang” rất có giá trị trên nhiều phương diện. Điểm đặc biệt của di sản này so với 4 di sản của Việt Nam đã được công nhận là liên quan đến giáo dục ở một làng quê xa kinh thành, do một gia đình (dòng họ) đệ trình, thể hiện đúng với tinh thần của Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.

Ấn triện gia huy trên Mộc bản

Ấn triện gia huy trên Mộc bản

Bìa sách Ngũ kinh toản yếu đại toàn, Nguyễn Huy Oánh biên soạn, Thạc Đình tàng bản

Bìa sách Ngũ kinh toản yếu đại toàn, Nguyễn Huy Oánh biên soạn, Thạc Đình tàng bản

Kết thúc tọa đàm, Đại sứ Phạm Sanh Châu đánh giá cao và chúc mừng tỉnh Hà Tĩnh đã có di sản tư liệu quý giá này. Để bảo vệ thành công trước hội đồng, đề nghị các bên liên quan tập trung hoàn chỉnh hồ sơ, chọn người trình bày tiếng Anh và vận động sự ủng hộ của các chuyên gia của UNESCO.

"Nếu được công nhận thì đây không chỉ là niềm tự hào của dòng họ Nguyễn Huy, tỉnh Hà Tĩnh, mà của cả quốc gia Việt Nam", ông Châu nhấn mạnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast