Đứa con thứ hai của các mẹ

Các mẹ coi ông là đứa con thân yêu của họ và Trung tâm Bảo trợ xã hội là ngôi nhà thứ hai của mình. Vì bởi, trong thâm tâm ông, từ lâu ông cũng đã coi những Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ liệt sỹ, vợ liệt sỹ đang nuôi dưỡng tại Trung tâm là những người mẹ thân yêu của mình. Ông thấu hiểu được rằng, các mẹ đã chịu nhiều đau khổ, mất mát, hy sinh và giờ đây họ xứng đáng được chăm sóc, nuôi dưỡng và nhận được những tình cảm tốt đẹp nhất.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh thăm thăm hỏi, tặng quà các mẹ, các cụ nhân ngày Thương binh liệt sỹ (27-7)

Đó là những dòng cảm nhận của người viết khi viết về ông Lê Khánh Xanh – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội, người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự ra đời của trung tâm từ 10 năm trước. Ông sinh năm 1950 tại làng Gia Hội (Cẩm Tiến - Cẩm Xuyên). Sau 9 năm làm anh lính bộ đội Trường Sơn, rồi 20 năm vừa học vừa làm tại Cảng Nghệ Tĩnh và Trung tâm dạy nghề, ông vào làm công tác lao động thương binh xã hội. Cái nghề mà theo ông, có thể chăm sóc tốt nhất cho những người đã hy sinh mạng sống, xương máu, hạnh phúc cho sự độc lập tự do của Tổ quốc. Tâm niệm đó của ông được tỏ bày khi ông được điều về xây dựng đề án và theo dõi công trình Trung tâm Xã hội tổng hợp (Nay là Trung tâm Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh). . Phải nói rằng, trung tâm có được một địa hình vị trí rộng rãi và xây dựng hoành tráng như hiện nay, có một phần đóng góp công lao rất lớn của ông từ những ngày đầu tiên.

Từ khi trung tâm ra đời, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc và liên tục từ năm 2000 đến năm 2008, ông được bầu làm Bí thư chi bộ, Chủ tịch Công đoàn Trung tâm cho đến nay. Trong suốt 10 năm đó, công tác tuyển chọn, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng già cả, cô đơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không còn nơi nương tựa và tổ chức điều dưỡng luân phiên hàng năm cho đối tượng người có công với cách mạng luôn được ông hoàn thành xuất sắc với tất cả tấm lòng tri ân của mình Ông chính là người đưa ra ý tưởng và phát động phong trào “ Mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức của Trung tâm BTXH phải là một "Cô Tấm ngày nay”, lấy tiêu chí “nâng cao chất lượng” chăm sóc nuôi dưỡng và điều dưỡng đối tượng là thước đo để đánh giá và bình xét thi đua hàng năm. Ông còn thường xuyên trực tiếp chỉ đạo bộ phận nhà bếp, nhà ăn phải nấu nướng chế biến sao cho đúng tiêu chuẩn, đủ năng lượng; phòng và chữa được bệnh tật, hợp khẩu vị, để các cụ ăn no, ăn hết. Các bộ phận nhà buồng phải làm thật tốt công tác chăm sóc sức khoẻ, luyện tập tâm năng dưỡng sinh, vệ sinh, vật lý trị liệu... Tổ chức cho các cụ vui chơi giải trí như đọc báo, giao lưu văn nghệ, đi tham quan, sinh hoạt hội người cao tuổi, hội những người có công với cách mạng...

Ông Lê Khánh Xanh thường xuyên thăm hỏi,

động viên các đối tượng được nuôi dưỡng tại trung tâm

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Giáo ( Cẩm Xuyên) năm nay vừa tròn 90 tuổi thường nói với mọi người rằng: “Năm 2000, mẹ vào nuôi dưỡng tại Trung tâm mẹ chỉ nặng 45kg, một mắt mù hoàn toàn, còn một mắt mờ. Căn bệnh đau dạ dày, cao huyết áp mãn tính thường xuyên hành hạ mẹ. Nhưng nay, mắt mẹ cũng đã sáng nhờ có trung tâm cho đi mổ, sức khỏe tốt hơn nhiều,. Được vậy chính là nhờ sự chăm sóc tận tình của cán bộ trung tâm và đặc biệt là ông Xanh, người con thứ hai của mẹ.” Mẹ Giáo, mẹ Phố và nhiều mẹ khác đang được nuôi dưỡng tại đây đã coi ông là người con thứ 2 của mẹ. Mỗi ngày, ông không xuống thăm các mẹ là các mẹ đều cảm thấy nhớ thương, mong đợi. Hay như bà Trần Thị Tâm, là một đối tượng xã hội cô đơn không nơi nương tựa, mù cả hai mắt, rất khó tính. Bà được trung tâm đưa vào nuôi dưỡng và mổ mắt, nay đi lại bình thường. Bà Tâm cho biết: Nhờ có ông Xanh ở đây nên chúng tôi được chăm sóc tốt như thế này

Việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ già yếu cô đơn, các đối tượng xã hội có những hoàn cảnh khác nhau là một công việc hết sức vất vả. Tuổi già thường rất khó tính, hay giận dỗi, dễ xúc động, lắm bệnh tật. Để đối tượng sống vui, sống khoẻ và đầy tin yêu như hiện nay dưới mái nhà chung Trung tâm BTXH, đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên và đặc biệt là bản thân ông phải có một tấm lòng nhân ái và đầy trách nhiệm. Không chỉ là chăm lo cho cái ăn, cái mặc mà còn phải hết sức tế nhị, dịu dàng và khôn khéo trong cách đối xử, ăn nói, cách thăm hỏi động viên sao cho các cụ vơi bớt những thương đau mất mát mà không bị tổn thương thêm.

Với tâm huyết của mình đối với với người có công với cách mạng và đối tượng xã hội, ông đã được Bộ LĐTB&XH, UBND tỉnh và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tặng nhiều phần thưởng cao quý, nhưng hơn hết ông nhận được những tình cảm chân thành và lòng biết ơn từ những Mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng có công với cách mạng và đối tượng xã hội đang nuôi dưỡng tại Trung tâm BTXH Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast