3-4 tháng nữa có thuốc đặc trị Covid-19?

Ông Kim Woo-joo, người đứng đầu nhóm phản ứng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) ở Hàn Quốc, vừa nhận định khung thời gian để có được phương thuốc đặc trị bệnh này ngắn hơn nhiều so với việc bào chế vắc-xin phòng bệnh.

Ông Kim cho biết mình “không quá lạc quan” về khả năng vắc-xin phòng Covid-19 sẽ có trong vòng 18 tháng tới nhưng nhận định rằng thuốc đặc trị có thể có sớm hơn. Theo báo South China Morning Post, chuyên gia này đã nhắc đến một số thuốc đặc trị tiềm năng như Remdesivir (từng được dùng trong dịch Ebola), Kaletra (điều trị cho bệnh nhân có HIV) và một số loại thuốc khác.

“Nếu mọi chuyện suôn sẻ, tôi hy vọng tính hiệu quả của các loại thuốc này sẽ được chứng minh một cách khoa học trong vòng 3-4 tháng tới” - ông Kim, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Guro Trường ĐH Hàn Quốc, dự báo.

Theo chuyên gia này, Bệnh viện Trường ĐHQG Seoul và Viện các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) đang hợp tác thử nghiệm thuốc Remdesivir của Công ty Công nghệ sinh học Gilead Sciences (Mỹ). Ngoài ra, một số cuộc thử nghiệm lâm sàng khác đang được tiến hành, liên quan đến việc sử dụng một số loại thuốc hiện có để điều trị Covid-19.

3-4 tháng nữa có thuốc đặc trị Covid-19?

Thuốc Remdesivir xuất hiện tại một cuộc họp báo ở Bệnh viện Đại học Eppendorf thuộc TP Hamburg - Đức hôm 8-4 Ảnh: Reuters

Ông Kim Woo-joo đưa ra dự báo trên trong bối cảnh trang tin tức y tế Stat vừa tiết lộ thông tin tích cực từ cuộc thử nghiệm Remdesivir để điều trị bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở TP Chicago - Mỹ.

Cụ thể, 125 bệnh nhân Covid-19 tình nguyện tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng tại Trung tâm Y tế Trường ĐH Chicago, trong đó 113 người có triệu chứng nặng. Họ hằng ngày được tiêm thuốc Remdesivir và kết quả cho thấy thuốc này nhanh chóng giảm bớt các triệu chứng sốt và hô hấp.

Hầu hết số bệnh nhân nói trên được xuất viện trong vòng 1 tuần sau khi dùng thuốc. Tuy nhiên, trong tuyên bố gửi đến đài CNBC, phát ngôn viên Trường ĐH Chicago nhấn mạnh không nên dựa vào những dữ liệu chưa đầy đủ về một cuộc thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra để rút ra kết luận về tính an toàn hoặc hiệu quả của một phương pháp điều trị tiềm tàng.

Theo Công ty Gilead, khoảng 2.400 bệnh nhân Covid-19 nặng đang tham gia các cuộc thử nghiệm lâm sàng liên quan đến Remdesivir tại 152 cơ sở trên thế giới. Gilead hy vọng sẽ bắt đầu có kết quả của các cuộc thử nghiệm này trong tháng 4. Không dừng lại ở đó, 169 trung tâm trên thế giới đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với Remdesivir trên 1.600 bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng vừa phải. Dữ liệu của các cuộc thử nghiệm này dự kiến sẽ có trong tháng 5.

Ngoài ra, ít nhất 2 cuộc thử nghiệm đang diễn ra ở Trung Quốc và 1 ở Mỹ nhằm đánh giá hiệu quả của Remdesivir đối với bệnh nhân Covid-19. Riêng kết quả của các cuộc thử nghiệm ở Trung Quốc dự kiến được công bố trong tháng này. Chưa hết, Remdesivir cũng là 1 trong 4 liệu pháp hiện có được WHO sử dụng trong cuộc thử nghiệm quy mô lớn nhằm tìm kiếm loại thuốc điều trị Covid-19 hiệu quả và an toàn. Ba liệu pháp còn lại là thuốc trị sốt rét chloroquine và hydroxychloroquine; hỗn hợp thuốc điều trị HIV Lopinavir và Ritonavir; hỗn hợp thuốc gồm Lopinavir, Ritonavir và bổ sung interferon beta.

Theo Người Lao động

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast